Báo Đồng Nai điện tử
En

Đạo đức và trách nhiệm người làm báo

Đoàn Phú
09:00, 21/06/2024

Người làm báo ngoài tuân thủ Luật Báo chí năm 2016 và các quy định pháp luật khác, còn phải thực hiện 10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành.

Chủ tịch UBND xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) Trần Văn Trình (trái) trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai trong một dịp phóng viên đi thực tế ở cơ sở. Ảnh: Đ.Phú

Quy chuẩn đạo đức quan trọng

Nhà báo Hồ Văn Chừng, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai cho biết, nghề nào cũng được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật riêng, chuyên ngành và quy tắc đạo đức của nghề. Với nghề báo, nhà báo còn được điều chỉnh rất nhiều luật có liên quan tới hoạt động nghề nghiệp như: Dân sự, Hình sự, Hành chính, An ninh mạng… Đồng thời, nhà báo cũng là công dân nên chịu điều chỉnh bởi các quy định pháp luật chung trong các mối quan hệ cá nhân, xã hội, cơ quan, tổ chức…

Chẳng hạn, với nghề nghiệp, nhà báo phải thực hiện 10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Trước hết là trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, người làm báo phải hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi; bảo vệ công lý và lẽ phải; không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc…

Ngoài ra, trong 10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam cũng quy định nhà báo phải bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin theo quy định của pháp luật. Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

“Đây là những quy chuẩn đạo đức rất quan trọng của người làm báo. Việc thực hiện các quy định đạo đức nghề nghiệp đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo. Nếu mỗi người làm báo thực hiện tốt 10 quy định này sẽ không thể xảy ra tình trạng một số nhà báo, người làm báo tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước vi phạm pháp luật như trong thời gian qua” - nhà báo Hồ Văn Chừng chia sẻ.

Điều 2, 10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành nêu rõ: Nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật Bản quyền và các quy định của pháp luật. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác.

Lắng nghe, chia sẻ

Thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, Bộ phận Tiếp bạn đọc của Báo Đồng Nai đã luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ với bạn đọc khi đến trình bày, phản ảnh các sự việc.

Có những vụ việc bức xúc, mâu thuẫn rất nhỏ giữa cá nhân với cá nhân nhưng bạn đọc vẫn tìm đến báo để phản ảnh, kiến nghị. Trong phạm vi nhiệm vụ, trách nhiệm của mình, phóng viên tiếp bạn đọc đã giải thích, hướng dẫn bạn đọc phản ảnh sự việc với chính quyền cơ sở để can thiệp giải quyết. Tuy nhiên, phóng viên vẫn tìm ra góc độ pháp lý để tuyên truyền về các hành vi sai trái để nhiều người biết, hạn chế vi phạm.

Chẳng hạn, bà N.N.L. (ngụ xã Bình Sơn, huyện Long Thành) nhờ Báo Đồng Nai phản ánh việc trước cửa nhà bà thời gian qua liên tục bị một nhóm thanh niên chơi bi da ở quán đối diện qua tiểu tiện gây ô nhiễm môi trường. Do sự việc là mâu thuẫn cá nhân với cá nhân, thuộc trách nhiệm UBND xã Bình Sơn nên phóng viên hướng dẫn bà N.N.L. liên hệ địa phương để được can thiệp đúng quy định. Sau đó, phóng viên Báo Đồng Nai cũng có bài viết về hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt hành chính.

Ngoài ra, những đơn phản ảnh, kiến nghị của người dân cũng được Báo Đồng Nai xác minh hoặc chuyển tới cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm để có trả lời thỏa đáng cho người dân.

Chủ tịch UBND xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) Trần Văn Trình trao đổi, trong thời gian qua, Báo Đồng Nai đã đóng góp tích cực trên lĩnh vực thông tin, tuyên truyền, thực hiện vai trò định hướng dư luận xã hội, là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tham gia giám sát, phản biện, giúp các cơ quan, ban, ngành xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện nhiều chủ trương, chính sách; giúp các địa phương kịp thời chấn chỉnh, xử lý những trường hợp sai phạm để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý, điều hành.

 Đoàn Phú

Tin xem nhiều