Theo Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, thời tiết trong tỉnh đã chính thức bước vào mùa mưa bão năm 2024, dự báo có nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, công tác đảm bảo an toàn cây xanh, chủ động phòng tránh, ứng phó thiên tai, các tai nạn đáng tiếc trong mùa mưa đang được các cơ quan, đơn vị chức năng ráo riết triển khai.
Đơn vị chức năng cắt tỉa cây xanh trên đường Nguyễn Văn Trị (phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa). Ảnh: K.Liễu |
Ngoài sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị chức năng thì người dân cần cẩn trọng đề phòng rủi ro, nắm bắt thông tin dự báo về thời tiết, chấp hành tốt các quy tắc đảm bảo an toàn… để hạn chế thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra.
* Chủ động ứng phó
Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy cho biết, năm nay mùa mưa chính thức bắt đầu từ cuối tháng 5, đến muộn hơn so với mọi năm.
Theo dự báo, tổng lượng mưa năm nay cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 5-15%, tập trung vào giai đoạn tháng 7 đến 11-2024. Vào đầu mùa mưa, cũng như sau những ngày giảm mưa mà xuất hiện mưa trở lại, trước và trong cơn mưa thường kèm theo dông lốc, gió giật mạnh, sét và mưa đá. Do đó, cần đề phòng mưa lớn cục bộ, bão, áp thấp nhiệt đới có hướng di chuyển phức tạp vào cuối mùa mưa.
“Những hiện tượng thời tiết nguy hiểm này thường xảy ra trên phạm vi hẹp, xuất hiện rất nhanh, diễn ra trong thời gian ngắn nên rất khó dự báo cho khu vực cụ thể, do đó cần chủ động phòng tránh” - ông Huy lưu ý.
Đến nay, hầu hết các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn theo chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đang thực hiện rà soát lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để phòng chống và ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo an toàn về người và tài sản khi có thiên tai xảy ra. Đồng thời, chú trọng xây dựng và củng cố đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.
Đặc biệt, trong mùa mưa lũ, các địa phương cũng tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố đê điều, hồ, đập; bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi. Rà soát các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai như: sạt lở, ngập lụt, lũ quét, lốc xoáy để bổ sung vào phương án ứng phó theo từng ngành, địa phương, đơn vị... để sẵn sàng, chủ động phòng tránh, ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai có thể xảy ra.
* Đề phòng tai nạn
Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Biên Hòa Nguyễn Thanh Phú cho biết, ngoài triển khai các nhiệm vụ chung sát với chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố đã chỉ đạo 30 phường, xã tổ chức quán triệt các chủ trương của tỉnh, thành phố trong công tác phòng, chống thiên tai đến từng hộ dân và báo cáo, phản ánh kịp thời tình hình về ban chỉ đạo thành phố.
Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai NGUYỄN PHƯỚC HUY khuyến cáo, khi có sét, không nên tiếp tục làm việc ở những nơi đồng trống, gần mặt nước, gần cửa sổ và các vật thể bằng kim loại. Khi có mưa kèm theo dông lốc, không nên trú mưa dưới các gốc cây to, mái hiên không vững chắc, tránh xa các công trình đang xây dựng… để đảm bảo an toàn.
Cụ thể, xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chi tiết, cụ thể, sát với thực tế địa phương, chú ý các vùng trọng điểm, vùng trũng thấp có khả năng ngập lụt để có kế hoạch/phương án di dời chi tiết, cụ thể và phù hợp; rà soát cắm bảng cảnh báo và rào chắn các khu vực ngập nước, nước chảy mạnh để hạn chế qua lại khi trời mưa; tổ chức thực hiện nạo vét kênh mương làm thông thoáng dòng chảy; xây dựng kế hoạch và tổ chức cứu trợ đột xuất do thiên tai…
Đại diện Ban Quản lý dịch vụ công ích Biên Hòa cho biết, đơn vị đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nạo vét, duy tu khơi thông dòng chảy của hệ thống tiêu thoát nước trên địa bàn. Rà soát, cắt tỉa cây xanh tại 14 tuyến đường, 7 công viên và các hoa viên, khu dân cư trong thành phố. Qua đó đã kiểm tra, rà soát và chăm sóc cắt tỉa đảm bảo an toàn 130 cây xanh bị sâu bệnh, cây nghiêng, cây có rễ ăn nông hư hại vỉa hè…; đề xuất và được UBND thành phố cấp giấy phép đốn hạ 10 cây xanh bị sâu bệnh, mục gốc, thân… phòng tránh cây xanh gãy đổ, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn cho người dân.
“Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị chức năng thì người dân cần cẩn trọng đề phòng rủi ro, nắm bắt thông tin dự báo về thời tiết, chấp hành tốt các quy tắc đảm bảo an toàn… để hạn chế thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra” - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy lưu ý.
Cũng theo ông Huy, người dân nên chủ động lưu ý đề phòng, gia cố, sửa chữa, tu bổ, chằng chống nhà xưởng, mái hiên, biển quảng cáo, chuồng trại, cây cối có giá trị… Trong khi tham gia giao thông cũng như sinh hoạt, lao động sản xuất mà xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm (dông, lốc, mưa đá…) thì nên lựa chọn nơi tránh trú phù hợp, tránh những rủi ro phát sinh ngoài ý muốn.
Trưởng phòng An toàn Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai Trần Thanh Sang hướng dẫn: Khi xảy ra mưa bão, ngập lụt mà trụ điện bị đổ hoặc dây điện bị đứt rớt xuống đất, người dân tuyệt đối không được đến gần, không cầm vào dây điện đứt; ngăn người khác và súc vật đến gần; báo ngay cho đơn vị quản lý điện chính quyền địa phương biết để xử lý.
Trường hợp nhà, công trình bị ngập nước qua các ổ cắm, dây dẫn, thiết bị điện thì sau khi nước rút phải kiểm tra đảm bảo điều kiện an toàn, khô ráo mới đóng điện trở lại. Các dây dẫn điện phải đảm bảo cách ly so với các mái tôn nhà ở, công trình để tránh va chạm lâu ngày làm mất lớp cách điện gây rò điện nguy hiểm cho việc sử dụng điện và sửa chữa nhà, công trình.
Ngoài ra, người dân không được tự ý tháo dỡ, sửa chữa các kết cấu của công trình điện; cắt ngay cầu dao đầu nguồn điện vào nhà; không đứng chơi đùa dưới cột điện, trèo lên cột điện, trạm điện, dây chằng điện, chặt cây gần đường dây điện vì có thể bị phóng điện. Không di chuyển, đi lại bằng tàu, thuyền trong vùng ngập lụt có đường dây điện sát với mặt nước…
Kim Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin