Bộ luật Lao động năm 2019 đã có những quy định giải quyết tranh chấp khi các bên đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) nhằm bảo vệ quyền lợi cho các bên, trong đó có quyền hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động (NLĐ).
Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia thành phố Biên Hòa) tư vấn cho người lao động về chính sách trợ cấp thất nghiệp khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Ảnh: Đ.Phú |
Tuy nhiên, Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi có quy định, không cho phép NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ khiến NLĐ không khỏi lo lắng.
Đóng mà không được hưởng?
Cụ thể, theo Điều 111 Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, NLĐ đang đóng BHTN được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc, hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật, ngoại trừ các trường hợp như sau: NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp được đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần báo trước theo quy định của Bộ Luật Lao động năm 2019 (do bị ngược đãi, quấy rối tình dục, bố trí không đúng công việc…); NLĐ bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức; NLĐ hưởng lương hưu; NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu.
Chị Nguyễn Thúy Hạnh (công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cho rằng, Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi quy định như vậy có thể hiểu là, NLĐ không được hưởng trợ cấp BHTN trong trường hợp họ đơn phương chấm dứt HĐLĐ đúng luật theo khoản 1, Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019.
“Vấn đề này, Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi cần xem xét điều chỉnh để hỗ trợ NLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ đúng luật. Bởi vì, khi chấm dứt HĐLĐ và chưa tìm được việc làm mới, NLĐ rất cần nguồn trợ cấp BHTN để trang trải cuộc sống, sinh hoạt, nhất là những NLĐ nhập cư, lao động thuê nhà trọ” - chị Hạnh bày tỏ.
Đồng quan điểm, anh Lê Văn Mạnh (công nhân làm việc tại Cụm công nghiệp Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) góp ý, ngoài các lý do đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo khoản 2, Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 như: không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận; không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn; bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động; bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc… thì NLĐ còn có những lý do chính đáng khác như: vì hoàn cảnh gia đình, công việc không phù hợp với năng lực, sức khỏe hoặc bị người sử dụng lao động “ép” làm đơn xin nghỉ việc…
“Đơn phương chấm dứt HĐLĐ là một quyền của NLĐ và quyền này được Bộ luật Lao động năm 2019 công nhận và khoản 1, Điều 49 Luật Việc làm năm 2013 ghi nhận. Vì vậy, cần có quy định bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ khi họ đơn phương chấm dứt HĐLĐ” - anh Mạnh kiến nghị.
Luật gia PHẠM ĐÌNH ĐỨC (Hội Luật gia thành phố Biên Hòa) cho biết, trợ cấp thất nghiệp là chính sách nhân văn đối với NLĐ khi họ nghỉ việc mà chưa tìm được việc làm mới. Khoản trợ cấp này giúp NLĐ giảm bớt gánh nặng cuộc sống trong quá trình tìm việc làm. Do đó, chính sách trợ cấp BHTN cần xây dựng trên sự bình đẳng trong đóng góp; chẳng hạn, người có thời gian đóng nhiều thì hưởng nhiều hơn người đóng ít.
Cần cho NLĐ hưởng trợ cấp BHTN dài hơn
Khoản 2, Điều 112 Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi quy định, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp; sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Ông Cao Văn Tiến (công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) cho biết, Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi quy định này cũng giống như khoản 2, Điều 50 Luật Việc làm năm 2013 là thời gian NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp không quá 12 tháng. Quy định như vậy chỉ phù hợp với người có thời gian tham gia BHTN từ 10-12 năm. Riêng đối với người có thời gian tham gia BHTN trên 12 năm thì không hợp lý.
Theo ông Cao Văn Tiến, ông có thời gian tham gia BHTN trên 15 năm, nay thấy công việc không phù hợp nên thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo khoản 1, Điều 35 của Bộ luật Lao động năm 2019. Khi người sử dụng lao động giải quyết cho nghỉ việc và ông vẫn chưa tìm được việc làm khác trong vòng 2-3 năm, trong khi ông chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp đủ 12 tháng thì chấm dứt là chưa phù hợp.
Ông Cao Văn Tiến phân tích, với NLĐ có thời gian tham gia BHTN trên 12 năm, khi nghỉ việc họ rất khó tìm việc làm mới, hay đủ điều kiện nghỉ hưu ngay sau khi hết 12 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do đó, ông đề xuất Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi không nên khống chế thời gian hưởng tối đa là 12 tháng, mà nên quy định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp; sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp cho tới khi tìm được việc làm mới.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin