Báo Đồng Nai điện tử
En

'Độ' xe mô tô gây mất an toàn giao thông

Trần Phát
09:00, 16/05/2024

Hiện nay, một bộ phận giới trẻ có sở thích sử dụng xe mô tô “độ”. Việc này ngoài tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) cho bản thân người điều khiển, còn ảnh hưởng đến người đi đường và gây mất an ninh trật tự.     

Thợ máy tại một “lò độ” xe mô tô ở phường Thống Nhất (thành phố Biên Hòa) đang thay đổi kết cấu xe giúp chiếc xe mạnh hơn. Ảnh minh họa: CTV

Tự thay đổi kết cấu kỹ thuật của xe

Trong vai một người “chơi” xe mô tô có nhu cầu “độ” chiếc xe của mình, chúng tôi đã tìm đến một tiệm “độ” xe mô tô khuất trong hẻm nằm trên đường Nguyễn Ái Quốc (thuộc phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa). Bên ngoài cửa tiệm là những chiếc xe đã được thợ máy thay đổi kết cấu nhằm tăng “mã lực” và tốc độ cho xe.

Trao đổi với chúng tôi, một thợ “độ” xe ở đây cho biết, mỗi khi khách có nhu cầu thay đổi kết cấu xe sẽ có các cấu hình máy móc khác nhau tùy vào nhu cầu mạnh hay yếu của xe mà làm cho xe phù hợp hơn. Thời gian “độ” xe cũng tùy vào lượng xe của tiệm đang sửa chữa, thông thường mất từ 8-10 ngày. Đa phần các xe đang được “độ” tại tiệm đều không có bộ phận giảm thanh.

Những chiếc xe “độ” thường được chủ sở hữu thay đổi kết cấu kỹ thuật của xe như: nâng cấp đèn chiếu sáng, tháo bỏ bộ phận giảm thanh để xe tạo ra tiếng “gầm rú”, tăng dung tích xi-lanh để tăng tốc độ… Khi lưu thông trên đường, những loại xe này thường phát ra tiếng nổ chói tai, chạy với tốc độ rất cao và thường lấn làn, pha đèn lóa mắt người lưu thông ngược chiều sẽ khiến người đi đường giật mình, lạc tay lái hoặc bị lóa mắt, dễ dẫn đến các vụ tai nạn giao thông. Ngoài ra, tiếng gầm rú nẹt pô của những “quái xế” này cũng gây ảnh hưởng rất lớn về  an ninh trật tự và ATGT.

Qua lời kể của anh Q. A. (một người chơi xe mô tô “độ”, ngụ phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa), để xe đạt tốc độ cao, các “lò độ” xe đã thay đổi kết cấu của xe như: thay dàn áo giúp xe nhẹ hơn và chế dung tích xi-lanh xe lớn hơn. Trung bình để hoàn thành một chiếc xe “độ”, các “lò độ” xe phải mất vài ngày để thực hiện nhiều kỹ thuật như: xoáy xu-pap, thay đổi IC, thay đổi ống pô…

Cũng theo anh Q.A., những người “độ” các loại xe này đa phần là thợ sửa xe nghiệp dư, không đủ trình độ chuyên môn về kỹ thuật của các loại xe này. Ngoài ra, những “lò độ” xe này đã sử dụng linh kiện xe mô tô không chính hãng, được rao bán qua các kênh bán hàng không chính thức. Đa phần các sản phẩm đăng bán đều không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ. Người bán hàng chủ yếu bán “chui” qua các hội nhóm mua bán kín để tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Nhưng vì đam mê tốc độ, khách hàng sử dụng xe “độ” sẵn sàng bỏ tiền để nâng mã lực cho xe của mình.

Theo luật sư NGUYỄN DUY BÁ, Đoàn Luật sư Đồng Nai, tại khoản 2, Điều 55 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định về đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ. Theo quy định trên, có thể hiểu xe “độ” là xe đã bị thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Tránh vi phạm pháp luật

Anh T., chủ một tiệm sửa xe mô tô lâu năm tại khu phố 5, phường Tân Hiệp (thành phố Biên Hòa), cho biết việc làm tăng hiệu suất động cơ xe cao hơn so với nhà sản xuất dễ dẫn đến các rủi ro ngoài ý muốn, thậm chí trường hợp xấu có thể ảnh hưởng đến tính mạng người điều khiển phương tiện.

Theo anh T., nên mua và lắp đặt các phụ tùng chính hãng cho xe tại các nơi sửa xe uy tín. Không nên mua các linh kiện không rõ nguồn gốc, dễ dẫn đến những rủi ro về an toàn cho cả phương tiện và người điều khiển phương tiện.

Một “lò độ” xe ở phường Long Bình (thành phố Biên Hòa) làm hẳn phòng cách âm giúp cho việc đo tốc độ của xe nhanh nhất trước khi tham gia lưu thông.

“Việc thay đổi hệ thống điện, hệ thống đốt nhiên liệu hoặc các thành phần khác của xe mà không tuân thủ các quy chuẩn an toàn của nhà sản xuất là nguy cơ gây cháy nổ cho phương tiện. Ngoài ra, việc thay đổi kết cấu, tăng dung tích xi-lanh động cơ làm thải ra nhiều khói, bụi trong không khí cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường” - anh T. cho hay.

Việc “độ” xe không những làm mất an toàn cho chính người điều khiển phương tiện, mà còn ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông và vi phạm pháp luật.

Luật sư Nguyễn Duy Bá, Đoàn Luật sư Đồng Nai, cho biết mức xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện “độ” xe máy được quy định tại khoản 5, Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm d, khoản 17, Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Cụ thể, phạt từ 800 ngàn đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6-4 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe.

Trần Phát

 

Tin xem nhiều