Báo Đồng Nai điện tử
En

Điều kiện để người già được vào Trung tâm Bảo trợ xã hội

Phương Liễu
09:00, 10/05/2024

Một số người già có con nhưng con không có điều kiện chăm sóc, dẫn đến cảnh sống cô độc, khó khăn trong sinh hoạt, có nguyện vọng được vào sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH). Tuy nhiên, không phải ai có nguyện vọng vào Trung tâm BTXH cũng được tiếp nhận, mà cần có một số điều kiện được quy định theo pháp luật.

Viện dưỡng lão tình thương Suối Tiên (xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom) tiếp nhận những trường hợp người già neo đơn, không nơi nương tựa không thuộc đối tượng được Trung tâm Bảo trợ tỉnh tiếp nhận. Ảnh minh họa: CTV

Có con cháu vẫn sống cô độc

Trong đơn “kêu cứu” gửi đến Báo Đồng Nai, bà P.T.M. (74 tuổi, ngụ phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa) tha thiết bày tỏ nguyện vọng được vào sống ở Trung tâm BTXH (thuộc sự quản lý của Sở Lao động, thương binh và xã hội).

Bà M. cho biết, gia đình bà thuộc diện hộ cận nghèo. Năm 2008, căn nhà của bà bị giải tỏa trắng, bà được cấp đất tái định cư và tiền đền bù. Tuy nhiên, các con của bà nhận tiền chia nhau và đi nơi khác sinh sống, còn bà được một người quen cho ở nhờ trong căn phòng trọ nhỏ gần nơi ở cũ. Thời gian đầu, các con bà phân công nhau đến chăm sóc, lo cho bà ăn uống, nhưng từ đầu năm 2024 đến nay, con cháu bà không đến nữa.

Hiện cuộc sống của bà M. rất cơ cực, ai cho gì ăn nấy, bà bị bệnh tiểu đường tuýp 3 nhưng không được điều trị nên bị nhiều biến chứng…

“Tôi giờ không biết đi đâu, về đâu, chỉ mong những ngày cuối đời được sống trong Trung tâm BTXH để có người chăm sóc” - bà M. cho biết.

Tương tự, cuối tháng 2-2024, ông N.V.C. (72 tuổi, ở trọ tại phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) đến Báo Đồng Nai phản ánh nguyện vọng muốn được vào sống tại Trung tâm BTXH tỉnh.

Ông C. có 2 người con trai 47 và 43 tuổi, còn vợ ông mất đã 13 năm. Năm 2019, ông lấy căn nhà đang ở thế chấp cho ngân hàng để 2 con vay tiền làm ăn. 2 người con hứa hàng tháng sẽ gửi tiền để ông sinh sống. Sau khi nhận tiền về chia nhau, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các con ông làm ăn thua lỗ nên không trả được nợ.

Tháng 12-2021, ngân hàng “siết” nhà để thu hồi nợ. Từ đó, ông thuê nhà trọ sống một mình và ngày ngày đi bán vé số. Nay sức khỏe yếu dần, ông C. không thể tiếp tục đi bán vé số, cũng không có tiền trả tiền thuê nhà trọ, tiền ăn uống, thuốc men. Nguyện vọng của ông là được vào Trung tâm BTXH nương nhờ tuổi già.

Thủ tục tiếp nhận đối tượng vào Trung tâm BTXH gồm: tờ khai của đối tượng hoặc người giám hộ của đối tượng; bản sao giấy xác nhận khuyết tật đối với trường hợp là người khuyết tật; xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền đối với trường hợp bị nhiễm HIV; văn bản đề nghị của UBND cấp xã; văn bản đề nghị của chủ tịch UBND cấp huyện, thành phố gửi cơ quan quản lý cơ sở trợ giúp xã hội (nếu vào cơ sở của tỉnh); giấy quyết định tiếp nhận của người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội.

Đối tượng nào được vào Trung tâm BTXH?

Theo bà Não Thanh Thảo, cán bộ Phòng BTXH (Sở Lao động, thương binh và xã hội), trường hợp bà P.T.M. và ông N.V.C. không thuộc đối tượng được vào Trung tâm BTXH.

Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21-10-2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng BTXH được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở BTXH, nhà xã hội như sau: đối tượng BTXH là trẻ em. Trẻ dưới 16 tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có nguồn nuôi dưỡng; trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi cha mẹ; trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo; trẻ bị nhiễm HIV mà người nuôi dưỡng không còn khả năng lao động, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và các trợ cấp hàng tháng khác; trẻ em khuyết tật, người khuyết tật được tiếp nhận vào các cơ sở BTXH theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.

Đối tượng BTXH có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở BTXH, nhà xã hội bao gồm: người cao tuổi thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở BTXH, nhà xã hội theo quy định của pháp luật về người cao tuổi; nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán, bị cưỡng bức lao động; người lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú; người cao tuổi thực hiện theo hợp đồng ủy nhiệm chăm sóc, có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện sống tại gia đình, có nhu cầu vào sống tại cơ sở BTXH, nhà xã hội.

Cũng theo quy định tại khoản 2, Điều 18 Luật Người cao tuổi năm 2009, đối tượng người cao tuổi thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở BTXH, nhà xã hội phải đáp ứng đủ các điều kiện: là người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo; không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng; không có điều kiện sống ở cộng đồng, có nguyện vọng được tiếp nhận vào cơ sở BTXH.

Ngoài ra, các trường hợp người cao tuổi không thuộc diện đối tượng BTXH được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở BTXH, nhà xã hội nhưng không có điều kiện sống tại gia đình, có nhu cầu vào sống tại cơ sở BTXH, nhà xã hội, hoặc người cao tuổi sống tại cơ sở BTXH, nhà xã hội theo hợp đồng ủy nhiệm chăm sóc thì có thể được tiếp nhận vào sống tại cơ sở BTXH, nhà xã hội nhưng phải đóng góp kinh phí hoặc có người thân, người nhận bảo trợ đóng góp kinh phí theo quy định.

Do đó, trước mắt, theo các cơ quan chức năng, bà P.T.M. và ông N.V.C. nên phản ánh tình hình đến chính quyền địa phương nơi ông, bà cư trú để mời các con ông, bà về làm việc, yêu cầu thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Phương Liễu

Tin xem nhiều