Lấn biển là việc mở rộng diện tích đất trong phạm vi từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm về phía biển thuộc vùng biển Việt Nam. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động này và có chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư.
Một công trình lấn biển để làm cảng tại huyện Cát Hải (thành phố Hải Phòng). Ảnh: An An |
Để hướng dẫn chi tiết hoạt động lấn biển theo quy định tại Điều 190 Luật Đất đai năm 2024, ngày 16-4-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2024/NĐ-CP về hoạt động lấn biển (gọi tắt là Nghị định số 42).
Ai được phép lấn biển?
Luật Đất đai năm 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 nhưng với riêng quy định về hoạt động lấn biển tại Điều 190 của luật này lại có hiệu lực từ ngày 1-4-2024.
Đồng Nai không có biển nhưng hoạt động lấn biển được quy định tại Điều 190 Luật Đất đai năm 2024 cũng được dư luận trong tỉnh quan tâm, nhất là các nhà đầu tư. Bởi vì, một khi hoạt động lấn biển được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện bằng hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng thì không chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư trong tỉnh, trong nước, mà còn cả nhà đầu tư nước ngoài.
Luật gia Đỗ Văn Gọn, Phó trưởng ban Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và xây dựng pháp luật Hội Luật gia tỉnh, cho biết theo khoản 1, Điều 190 Luật Đất đai năm 2024, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ thực hiện các hoạt động lấn biển; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư thực hiện hoạt động lấn biển theo quy định của pháp luật. Như vậy, tổ chức, cá nhân có đầy đủ tiềm lực, năng lực, công nghệ thì được tiếp cận với các dự án của hoạt động lấn biển theo quy định của pháp luật.
Tuy vậy, Điều 190 Luật Đất đai năm 2024 cũng có quy định, hoạt động lấn biển phải tuân thủ các nguyên tắc: bảo đảm quốc phòng - an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển; phù hợp với quy định của luật khác có liên quan và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về kinh tế, xã hội, môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, đa dạng sinh học, các yếu tố tự nhiên, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Phù hợp với quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch đô thị. Khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển; bảo đảm hài hòa lợi ích của tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động lấn biển và tổ chức, cá nhân khác có liên quan; bảo đảm quyền tiếp cận với biển của người dân, cộng đồng. Hoạt động lấn biển phải được lập thành dự án đầu tư hoặc hạng mục của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.
Cũng theo luật gia Đỗ Văn Gọn, ngoài tuân thủ các nguyên tắc trên, tại khoản 3, Điều 190 Luật Đất đai năm 2024 còn quy định thêm, hoạt động lấn biển mà có phần diện tích thuộc một trong các khu vực như: khu vực bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được công nhận theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; di sản thiên nhiên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo quy định của pháp luật về thủy sản; cửa sông và các khu vực đã được quy hoạch, sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh… thì chỉ được thực hiện khi được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư.
Luật sư VŨ DUY NAM (thuộc Đoàn Luật sư Đồng Nai) cho biết, tại khoản 3, Điều 7 Nghị định số 42/2024/NĐ-CP ngày 16-4-2024 của Chính phủ về hoạt động lấn biển quy định, UBND cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất đồng thời với giao khu vực biển để lấn biển. Chủ đầu tư dự án đầu tư lấn biển hoặc dự án đầu tư có hạng mục lấn biển không phải nộp tiền sử dụng khu vực biển để thực hiện hoạt động lấn biển.
* Giao đất, khu vực biển để lấn biển
Hoạt động lấn biển một khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép, chấp thuận chủ trương đầu tư, thực hiện quá trình lấn biển theo đúng quy định pháp luật sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao khu vực biển để lấn biển đồng thời với giao đất, cho thuê đất.
Luật sư Vũ Duy Nam (thuộc Đoàn Luật sư Đồng Nai) cho biết, vấn đề này được Điều 7 Nghị định số 42 quy định như sau: Đối với dự án đầu tư lấn biển hoặc dự án đầu tư có hạng mục lấn biển bằng nguồn vốn đầu tư công thì trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất thực hiện theo quy định tại khoản 3, Điều 68 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5- 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013 (Nghị định số 43). Trường hợp dự án đầu tư lấn biển hoặc dự án đầu tư có hạng mục lấn biển để phát triển quỹ đất thì sau khi hoàn thành lấn biển và được nghiệm thu theo quy định, chủ đầu tư dự án lấn biển phải bàn giao toàn bộ diện tích đất lấn biển, công trình xây dựng (nếu có) cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện giao đất, cho thuê đất cho các tổ chức, cá nhân sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.
Còn đối với dự án đầu tư lấn biển hoặc dự án đầu tư có hạng mục lấn biển bằng nguồn vốn nhà nước ngoài đầu tư công và dự án sử dụng vốn khác thì trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất như sau: trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất thì thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 5, Điều 68 Nghị định số 43 và khoản 21, Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18-12-2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2013.
Giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc trường hợp được chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3, Điều 29 Luật Đầu tư năm 2020 thì được áp dụng theo trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất quy định tại khoản 3, Điều 68 Nghị định số 43.
Trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất thì thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 3, Điều 68 Nghị định số 43.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin