Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ quyền lợi khi bị lừa dối trong xác lập hợp đồng giao dịch

Đoàn Phú
09:01, 29/02/2024

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ 3 nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Các luật sư Đoàn Luật sư tỉnh (phải) tư vấn pháp luật về giao dịch dân sự cho người dân xã La Ngà (H.Định Quán). Ảnh: Đ.Phú

Để chứng minh bị lừa dối trong xác lập giao dịch dân sự thì bên cho rằng mình bị lừa dối phải nêu được các chứng cứ thuyết phục khi yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu.

* Dễ phát sinh lừa dối khi làm thủ tục ủy quyền

Lớn tuổi, việc đi lại khó khăn, ít hiểu biết pháp luật, con cái lại ở xa nên bà P.T.U. (62 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) đã ủy quyền cho ông K.M. (ngụ cùng địa phương) làm thủ tục cấp đổi quyền sử dụng đất (QSDĐ) giùm bà. Sau khi đưa giấy chứng nhận QSDĐ và thực hiện các thủ tục ký xác nhận theo ông K.M. hướng dẫn, bà U. mới phát hiện ông M. lừa dối bà bằng việc ký hợp đồng tặng cho QSDĐ chứ không phải là hợp đồng ủy quyền làm thủ tục cấp đổi sổ.

Tương tự, ông C.Y. chỉ ủy quyền cho con trai là ông H.V.P. (ngụ H.Long Thành) đi đổi lại giấy chứng nhận QSDĐ. Tuy vậy, ông P. lại qua mặt cha bằng việc đưa ông Y. ký hợp đồng tặng cho QSDĐ cho mình, thay vì hợp đồng ủy quyền làm thủ tục cấp đổi sổ cho cha. Sự việc bị bại lộ, ông Y. đề nghị con trai hủy hợp đồng ủy quyền lẫn tặng cho QSDĐ đã giao kết, nhưng ông P. không đồng ý.

Để giải quyết tranh chấp giữa các bên, theo luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh), khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối thì có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. Thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu kể từ ngày người bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị lừa dối.

Đồng thời, người yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu phải xác định được đó là tranh chấp về hợp đồng tặng cho QSDĐ (đối tượng tranh chấp là QSDĐ, không phải là đất đai), không thuộc trường hợp tranh chấp có đối tượng là bất động sản theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Vì vậy, thẩm quyền giải quyết thuộc tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc.

Cũng theo luật sư Ngô Văn Định, để ông Y. và bà U. khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu do bị lừa dối thì các ông, bà phải chứng minh được các ông: M., P. có hành vi cố ý làm cho ông Y. và bà U. hiểu sai lệch về nội dung hoặc về chủ thể, tính chất của đối tượng giao dịch nên mới xác lập giao dịch ủy quyền cấp đổi sổ thành tặng cho tài sản là QSDĐ.

“Các bên không được tự ý đơn phương chấm dứt quyền, nghĩa vụ của mình khi giao dịch được xác lập vô hiệu, mà cần phải cùng nhau thương lượng, thỏa thuận chấm dứt việc thực hiện, hủy bỏ giao dịch hoặc yêu cầu tòa án giải quyết bằng quyết định hay bản án có hiệu lực pháp luật” - luật sư NGÔ VĂN ĐỊNH, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh) lưu ý.

* Có sự thiếu minh bạch nhưng chưa hẳn bị lừa dối

Khi xác lập giao dịch, các bên không đạt được mục đích, mục tiêu, ý chí dễ dẫn tới tranh chấp. Một khi tranh chấp, bên bị thiệt hại có nhiều lý do để biện minh, chứng minh bản thân xác lập giao dịch do bị đối phương đưa ra những thông tin không rõ ràng, không minh bạch hoặc có sự gian dối, không đúng sự thật.

Chẳng hạn như trường hợp ông P.A.L. (ngụ H.Tân Phú) và ông D.N. (ngụ H.Cẩm Mỹ). Khi giao kết hợp đồng thuê vườn cây, ông L. nói diện tích là 1ha (theo giấy chứng nhận QSDĐ), trong khi thực tế ông L. chỉ còn 8 sào đất do đã chuyển nhượng cho người khác 2 sào trước đó mà chưa làm thủ tục tách sổ.

Hay như việc giữa ông K.V.N. (ngụ H.Thống Nhất) mượn của bà Q.T. (ngụ cùng địa phương) chỉ 2 triệu đồng, khi đôi bên gặp nhau tại rẫy mít và có trao đổi về việc mua bán mít khi đến ngày thu hoạch. Do đôi bên trao đổi không rõ ràng thông tin, bà T. tưởng ông N. nhận 2 triệu đồng là tiền đặt cọc để bán vườn mít cho bà, còn ông N. thì nghĩ ông chỉ vay mượn tiền đơn thuần chứ không nhận cọc và hứa bán mít cho bà.

Luật gia Lương Văn Hùng (Hội Luật gia tỉnh) phân tích, trường hợp thuê vườn cây giữa ông L. và ông N. đúng là lỗi do ông L. khi đưa ra thông tin không chính xác, có ẩn ý để người thuê tin tưởng và cho đó là toàn bộ diện tích đất của ông theo giấy chứng nhận QSDĐ. Do đó, hành vi của ông L. là lừa dối ông N. trong việc đôi bên xác lập hợp đồng thuê.

Còn trường của ông N. và bà T., theo luật gia Lương Văn Hùng là nhầm lẫn. Vấn đề này được Điều 126 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được.

Do đó, theo luật gia Lương Văn Hùng, muốn giao dịch dân sự có hiệu lực thì người dân khi xác lập giao dịch cần chú ý tới các điều kiện, quy định làm cho giao dịch bị vô hiệu như: chủ thể không có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; chủ thể tham gia giao dịch dân sự không hoàn toàn tự nguyện; mục đích và nội dung của giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội. Ngoài ra, Bộ luật Dân sự năm 2015 còn quy định thêm một vài điều kiện khác để làm cho giao dịch dân sự bị vô hiệu như: không tuân thủ về hình thức; giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác; đối tượng của giao dịch không còn tồn tại…

Đoàn Phú

Tin xem nhiều