Năm hết, Tết đến, việc tìm kiếm giải pháp để thanh toán và thu hồi các khoản nợ đã cho vay mượn, mua bán, làm ăn là nỗi lo và phiền toái với không ít người.
Luật sư Phan Mạnh Hoàng (Đoàn Luật sư Đồng Nai) tư vấn cho người dân xã Núi Tượng (H.Tân Phú, trái) tại buổi tuyên truyền pháp luật do Đoàn Luật sư Đồng Nai tổ chức. Ảnh: Đ.Phú |
Muốn tháo gỡ nỗi lo đó trên tinh thần thiện chí, người thiếu nợ, người cho mượn nợ cần bình tĩnh tìm giải pháp.
* Người xin khất, người muốn thu hồi sớm
Bà H.N.H. (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) trình bày, theo giấy vay mượn nợ giữa bà H. với bà L.T.M. (ngụ cùng địa phương) thì đến ngày
31-12-2023, bà H. phải thanh toán dứt điểm số tiền 20 triệu đồng và lãi cho bà M.
Tuy nhiên, do bà H. đang gặp khó khăn về tài chính nên muốn thương lượng với bà M. thư thả cho bà đến ngày 29-2-2024 (tức ngày 20 tháng Giêng, năm Giáp Thìn) thanh toán đầy đủ lãi và gốc. Trong khi bà M. lại muốn bà H. trả nợ và gốc trước Tết để bà chi tiêu. Do bà H. muốn kéo dài thời gian trả nợ, còn bà M. muốn thu hồi nợ đúng hoặc trước hạn nên đôi bên có lời lẽ qua lại không hay với nhau.
Trong khi đó, ông D.V. (ngụ xã Bình Sơn, H.Long Thành) thì muốn người mua đất của mình là ông N.T.K. (ngụ cùng địa phương) vào cuối năm 2023 thanh toán số tiền 100 triệu đồng còn nợ lại. Còn ông K. thì muốn kéo dài tới đúng ngày trả theo giấy ghi nợ là qua tháng 3-2024. Dù cả 2 chưa phát sinh tranh chấp việc đòi, trả nợ nhưng ông V. vẫn liên tục gặp ông K. đề nghị thanh toán tiền cho mình.
“Chuyện tôi còn nợ tiền chuyển nhượng đất của ông V. là sự thật. Tuy nhiên, do khoản nợ đó chưa tới ngày thanh toán theo giấy nợ được hai bên xác lập nên việc ông V. lấy cớ năm hết, Tết đến yêu cầu tôi thanh toán trước hạn là điều phi lý” - ông K. bày tỏ.
Về vấn đề nợ nần giữa bà H.N.H. với bà L.T.M. (ngụ P.Tân Tiến); giữa ông D.V. với ông N.T.K. (ngụ xã Bình Sơn), theo luật sư Nguyễn Đức, Đoàn Luật sư Đồng Nai, việc vay mượn nợ giữa các bên thuộc trường hợp vay mượn tiền có thời hạn. Bà H. muốn được khất nợ thì phải được sự đồng thuận của bà M.; ông V. không được quyền đòi ông K. trả nợ trước hạn nếu ông K. không đồng ý.
“Do các khoản vay, trả nợ chưa tới thời điểm thanh toán nên giao dịch giữa các bên chưa phát sinh tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của nhau. Việc thỏa thuận chậm trả nợ hoặc yêu cầu trả nợ trước hạn giữa các bên bị vô hiệu vì lý do không thỏa thuận được” - luật sư Nguyễn Đức lưu ý.
* Tránh phát sinh tranh chấp cuối năm
Luật sư Vũ Duy Nam (Đoàn Luật sư Đồng Nai) cho biết, để giải quyết nợ và thanh toán nợ trước hạn đúng pháp luật, tại Điều 469, Điều 470 của Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định, đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
“Nếu đến thời hạn trả nợ vay mà người vay không trả và hai bên không thỏa thuận được việc gia hạn thì lúc này người cho vay mới có quyền khởi kiện ra tòa án nơi người vay tiền cư trú để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo đúng hợp đồng cho vay” - luật sư VŨ DUY NAM (Đoàn Luật sư Đồng Nai) cho biết. |
Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.
Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.
Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Cũng theo luật sư Vũ Duy Nam, việc chậm thanh toán nợ vay được Khoản 4 và 5, Điều 466 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại Khoản 2, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin