UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch phát động phong trào Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ảnh vi phạm về trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trên toàn tỉnh. Thông tin này nhận được sự phản hồi tích cực từ người dân.
Hình ảnh Võ Văn Tâm (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) dùng chân điều khiển xe máy trên đường Hà Huy Giáp (TP.Biên Hòa) được chia sẻ trên mạng xã hội. Nguồn internet |
Nhiều ý kiến nhận định đây là giải pháp hay, giúp hạn chế tai nạn giao thông và đề xuất cơ quan chức năng cần đa dạng các kênh tiếp nhận thông tin để người dân cung cấp thông tin phản ảnh vi phạm về ATGT thuận lợi, hiệu quả nhất. Song song đó, cần có cơ chế nhằm bảo mật thông tin, khuyến khích người dân tích cực hưởng ứng phong trào.
* Nhiều vụ vi phạm bị xử lý nhờ thông tin trên mạng
Bình luận dưới bản tin Kêu gọi người dân cung cấp thông tin phản ảnh vi phạm về an toàn giao thông đăng trên Facebook Báo Đồng Nai, nhiều bạn đọc bày tỏ sự nhất trí và cho rằng đây là phong trào thiết thực. Phong trào không chỉ khuyến khích mỗi người dân là tuyên truyền viên, cộng tác viên với lực lượng chức năng trong bảo đảm trật tự ATGT, mà còn vận động người dân tự giác chấp hành quy định về ATGT và chủ động phát hiện, phản ảnh các vi phạm giao thông cho cơ quan chức năng xử lý, giải quyết.
“Tôi ủng hộ lời kêu gọi này” - tài khoản Facebook Vũ Ngọc Hà bình luận.
Thực tế, có rất nhiều trường hợp vi phạm giao thông được phát hiện và xử lý nhờ sự phản ảnh của người dùng mạng xã hội. Mới nhất là vụ xử phạt tài xế để 2 trẻ em ngồi trên nóc xe ô tô khi đang lưu thông trên quốc lộ 1. Ngay sau khi hình ảnh chiếc xe ô tô 5 chỗ chở 2 trẻ em thò người ra khỏi cửa sổ trời (1 em đứng bên trong xe thò nửa người ra, 1 em ngồi trên nóc xe) được đăng tải trên mạng xã hội, ngày 29-11, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã mời ông C.T.Đ. (38 tuổi, ngụ H.Trảng Bom) để làm việc, xác định hành vi và lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi chở người trên nóc xe được quy định tại Điểm b, Khoản 6, Điều 23 Nghị định 100/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Trước đó, vào giữa tháng 10-2023, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP.Biên Hòa đã lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với Võ Văn Tâm (18 tuổi, ngụ KP.7, P.Long Bình, TP.Biên Hòa) số tiền 9 triệu đồng về hành vi dùng chân điều khiển xe máy gây xôn xao dư luận trên mạng xã hội.
“Người đi đường rất dễ bắt gặp hình ảnh vi phạm giao thông như: người điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, lấn tuyến, sang đường không bật đèn tín hiệu, xe chở quá tải, quá khổ, xe chở vật liệu để rơi vãi, xe đi vào đường cấm, đi ngược chiều, dừng, đậu không đúng nơi quy định… Nhiều người đã bức xúc trước hành vi này nhưng chưa biết phản ánh như thế nào, với cơ quan nào. Giờ UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát động toàn dân cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm hành chính về trật tự ATGT thì rất thuận lợi để người dân phản ánh thông tin vi phạm” - ông Võ Thành Phong (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) bộc bạch.
Công an tỉnh khuyến khích người dân tích cực phát hiện, phản ảnh, cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng về hành vi vi phạm trật tự ATGT qua đường dây nóng của Công an tỉnh: 0693.480.100 hoặc 0693.480.204; qua ứng dụng VNeID trên điện thoại; qua mạng Zalo (quét mã QR ở hình bên); các hòm thư góp ý hoặc trực tiếp tại trụ sở công an các xã, phường, thị trấn.
* Thêm nhiều kênh ghi nhận
Để người dân tích cực tham gia phản ảnh vi phạm giao thông, ông Phong đề xuất khi người dân cung cấp thông tin, hình ảnh về trường hợp người vi phạm, cơ quan chức năng cần bảo mật hoàn toàn. Đồng thời, người cung cấp thông tin cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin đã cung cấp.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Thuận (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) đề xuất cơ quan chức năng cần áp dụng biện pháp theo quy định pháp luật để ngăn chặn, xử lý hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người phản ảnh, cung cấp thông tin, tài liệu về các trường hợp vi phạm giao thông.
“UBND tỉnh chỉ đạo sau khi tiếp nhận thông tin kiến nghị, phản ảnh của người dân, Công an tỉnh có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các trình tự về tiếp nhận và xử lý thông tin theo quy định. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để tạo hiệu ứng răn đe, phản hồi kết quả xử lý cho người báo tin. Tôi thấy ý kiến này rất hay, nếu được như vậy sẽ tạo niềm tin, thu hút được sự tham gia rộng rãi của người dân” - ông Thuận nói.
Bên cạnh những ý kiến đồng tình, người dân còn đề xuất cơ quan chức năng nên đa dạng các kênh tiếp nhận thông tin do người dân phản ảnh. Mở thêm nhiều nơi tiếp nhận thông tin phản ảnh tại các địa phương để việc tiếp nhận, xử lý phản ảnh của người dân được kịp thời hơn. Cần xây dựng một trang mạng xã hội chuyên tiếp nhận thông tin phản ảnh và cập nhật kết quả xử lý vi phạm về trật tự ATGT.
Kim Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin