Xe buýt điện là phương tiện vận tải công cộng thân thiện với môi trường và đem lại nhiều tiện ích, sự thoải mái cho người dân trong việc đi lại. Đây cũng là xu hướng chuyển dịch của tương lai.
Tại TP.HCM, xe buýt điện được trợ giá nhưng vẫn đang lỗ, cần có chính sách hỗ trợ toàn diện mới có thể tiếp tục hoạt động. Ảnh: CTV |
Đồng Nai đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi từ xe buýt chạy xăng, dầu sang xe buýt điện dựa trên lộ trình của Chính phủ đến năm 2050, 100% xe buýt sử dụng điện. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi, cần những đòn bẩy chính sách, cơ chế hỗ trợ sản xuất xe buýt điện, hỗ trợ vốn cho đơn vị đầu tư và trợ giá xuất bến…
* Xe buýt điện: Nhìn ra ngoại tỉnh
TP.Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương của cả nước đi đầu trong việc đưa xe buýt điện vào hoạt động vận tải hành khách công cộng.
Tháng 12-2021, TP.Hà Nội đưa 48 xe buýt điện vào hoạt động với lộ trình kết nối các tuyến đường trung tâm với phía Đông và phía Tây của thành phố. Sang năm 2022, Hà Nội tiếp tục đưa thêm 10 xe buýt điện nữa vào hoạt động. Còn tại TP.HCM, tháng 3-2022, 15 chiếc xe buýt điện đầu tiên cũng được đưa vào hoạt động tại một số tuyến.
Giữa lúc môi trường không khí đô thị tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM ô nhiễm nặng nề bởi khói bụi phát thải giao thông, việc đưa xe buýt điện vào hoạt động đã góp phần làm giảm mức độ ô nhiễm ở đô thị; đồng thời, đem lại sự tiện ích, thoải mái cho người dân trong việc đi lại.
Ông Trần Văn Vĩnh (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết, mỗi lần đi TP.HCM thăm người thân, vợ chồng ông đều sử dụng xe buýt. Lên đến TP.HCM, ông luôn ưu tiên chọn đi xe buýt điện. Theo trải nghiệm của ông Vĩnh, đi xe buýt điện rất thoải mái.
“Hiện nay, ở TP.HCM đã có những tuyến buýt điện rất thoải mái, thân thiện với môi trường, người dân chọn đi xe buýt điện khá đông. Tôi cũng mong Đồng Nai nghiên cứu đầu tư, chuyển đổi sang xe buýt điện để phục vụ người dân” - ông Vĩnh đặt vấn đề.
Rõ ràng, từ thực tế trải nghiệm xe buýt điện của hành khách cho thấy, phương tiện này được nhiều người ưu tiên lựa chọn, nhưng hiện nay các tuyến xe buýt điện ở TP.HCM chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, sự kết nối giữa các điểm còn hạn chế, bởi mới chỉ có 5 tuyến với 15 đầu xe buýt điện hoạt động.
Đánh giá hiệu quả hoạt động của xe buýt điện tại TP.HCM, theo Sở GT-VT TP.HCM, 10 tháng của năm 2023, lượng khách lựa chọn đi xe buýt điện đã tăng gấp đôi so với khi mới đưa vào hoạt động, tuy nhiên một trong những khó khăn đó là tình trạng các tuyến buýt điện hoạt động chưa có lãi.
Theo Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus (TP.Hà Nội) Nguyễn Văn Thanh, từ khi đưa vào khai thác, 9 tuyến xe buýt điện của đơn vị tại TP.Hà Nội đã thực hiện trên 20,3 triệu km vận hành, giảm phát thải hơn 18 ngàn tấn khí CO2, tương đương với việc trồng khoảng 844 ngàn cây xanh.
Cụ thể, thông tin từ Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus - chủ đầu tư tuyến buýt điện ở TP.HCM, hiện mỗi chuyến buýt điện được ngân sách bù 309,8 ngàn đồng, nhưng vẫn lỗ khoảng 238 ngàn đồng/chuyến. Với mỗi ngày 5 tuyến buýt điện D4 chạy khoảng 100 chuyến, mức lỗ tương ứng khoảng 23,8 triệu đồng/ngày. Vào tháng 3-2022, sau khi 5 tuyến buýt điện D4 được đưa vào khai thác thì 4 tuyến buýt điện còn lại dự kiến sẽ vận hành vào cuối năm 2022, nhưng đến nay vẫn phải dừng lại vì các tuyến buýt điện đang bị lỗ, thậm chí thời gian tới phải dừng hoạt động vì… thu không đủ bù chi.
Còn tại TP.Hà Nội, sau gần 2 năm đưa vào vận hành, loạt tuyến xe buýt điện ngày càng thu hút nhiều hành khách do độ kết nối phủ rộng và thuận tiện. Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, đến nay trên địa bàn có 9 tuyến xe buýt điện đã đi vào hoạt động, đều do Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus thực hiện, lượng hành khách tăng liên tục qua các tháng. Chỉ riêng số lượng hành khách sử dụng vé tháng để đi bình quân đạt 2,8 ngàn hành khách/tuyến, trong đó có nhiều hành khách bỏ cả xe máy, ô tô để đi làm bằng xe buýt điện. Và điều đáng nói là từ khi thay được gần 60 xe buýt điện vào hoạt động, giảm tương ứng số lượng xe buýt chạy xăng, dầu, chất lượng không khí ở Hà Nội đã được cải thiện hơn.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đồng Nai, chủ một doanh nghiệp tham gia kinh doanh hoạt động vận chuyển hành khách công cộng tại TP.Biên Hòa cho biết, việc chuyển đổi từ xe buýt truyền thống sang xe buýt điện thì quá tốt, nhưng các doanh nghiệp cần có nguồn lực dồi dào. Đơn vị cũng tính toán, việc chuyển đổi sẽ là tất yếu, nhưng khả năng diễn ra rất chậm, thậm chí đơn vị có thể rút lui vì không đủ tiềm lực khi giá một chiếc xe buýt điện cao hơn nhiều so với xe buýt thường. Rất mong Nhà nước có những chính sách hỗ trợ sản xuất xe buýt điện để giảm giá thành, cũng như trợ giá khi xe lăn bánh để việc chuyển đổi theo đúng lộ trình.
* Để hiện thực hóa giấc mơ xe buýt điện...
Rõ ràng, lợi ích từ sử dụng xe buýt điện vào hoạt động giao thông công cộng đem lại sự thân thiện cho con người và môi trường. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu của xe buýt điện đang là rào cản lớn cho việc chuyển đổi này tại nhiều địa phương và Đồng Nai cũng không ngoài cuộc.
Phó giám đốc Sở GT-VT Dương Văn Đông cho biết, việc chuyển đổi xe buýt chạy xăng, dầu sang xe buýt điện không khó, quan trọng là phải có đủ nguồn lực, bởi hiện nay một chiếc xe buýt điện có giá gần gấp 3 lần xe buýt truyền thống. Trong khi thực tế, 14 đơn vị tham gia vận tải hành khách công cộng trên địa bàn tỉnh thì có đến 10 đơn vị vận tải hoạt động theo mô hình HTX nhỏ lẻ, tiềm lực kinh tế có hạn. Các rào cản như lượng hành khách đi lại bằng xe buýt giảm, chi phí đầu tư ban đầu cao, khả năng thu hồi vốn thấp khiến các đơn vị đầu tư đắn đo.
Chia sẻ kinh nghiệm từ hoạt động thực tế đầu tư hệ thống xe buýt điện ở TP.Hà Nội, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus (TP.Hà Nội) Nguyễn Văn Thanh cho biết, để thay thế hoàn toàn xe buýt chạy xăng, dầu bằng xe buýt điện, rào cản lớn nhất là chi phí ban đầu cho phương tiện.
Theo phân tích của ông Thanh, hiện một chiếc xe buýt điện loại Vinbus đang khai thác tại Hà Nội và TP.HCM có giá khoảng 7 tỷ đồng. Trong vòng đời 10 năm hoạt động, xe buýt điện cần chi phí thay pin khoảng 2 tỷ đồng, tổng cộng cần 9 tỷ đồng trong 10 năm. Trong khi xe buýt chạy xăng, dầu có sức chứa tương đương có giá hơn 2 tỷ đồng, tính cả chi chi phí bảo dưỡng, sửa chữa trong vòng đời 10 năm khoảng 3 tỷ đồng. Ngoài ra, xe buýt hiện vẫn là dịch vụ công ích mang tính phục vụ nên lợi nhuận rất ít, hưởng thụ “lợi nhuận” về môi trường trong lành lại chia đều cho mọi thành phần, bởi thế nhiều doanh nghiệp phải tính toán.
Phó giám đốc Sở GT-VT Dương Văn Đông cho rằng, để giải bài toán này, rất cần những chính sách đòn bẩy từ Chính phủ cũng như của tỉnh. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã trợ giá cho nhà sản xuất xe điện để giảm giá thành; hỗ trợ nguồn vốn đầu tư xe buýt điện cho những đơn vị khai thác xe buýt và trợ giá xuất bến hoặc có chính sách bù lỗ cho doanh nghiệp kinh doanh buýt điện phục vụ người dân.
Ông Dương Văn Đông cho biết thêm, từ thực tế hoạt động hệ thống xe buýt điện tại TP.HCM và Hà Nội, Đồng Nai sẽ nghiên cứu, tham khảo hoạt động của các địa phương này để tham mưu cho tỉnh. Cụ thể, Sở sẽ đề xuất tỉnh xây dựng, ban hành khung định mức kinh tế kỹ thuật đối với xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh; đưa ra được đơn giá định mức để tính toán mức trợ giá cho loại phương tiện này, từ đó xây dựng các chính sách quản lý, điều hành xe buýt “xanh” để các doanh nghiệp lấy đó làm động lực đầu tư, chuyển đổi.
Nhìn về vấn đề giao thông ở Đồng Nai, ThS Phạm Trần Hải, Phó trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) cho rằng, giấc mơ xe buýt điện ở Đồng Nai có thể trở thành hiện thực và hoạt động có lãi nếu Đồng Nai tận dụng lợi thế kết nối rộng với các tỉnh, thành lân cận; lợi thế dân cư đông, nhiều khu công nghiệp và cả triệu người lao động hàng ngày đi lại làm việc trong các khu công nghiệp. Do đó, Đồng Nai cần nghiên cứu lợi thế này để phát triển hệ thống vận tải công cộng xanh.
Phương Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin