Báo Đồng Nai điện tử
En

Chính sách tín dụng cho người mãn hạn tù: Cần thiết, kịp thời và nhân văn

Phương Liễu
09:00, 12/10/2023

Thực tế, việc hòa nhập cộng đồng của một bộ phận người chấp hành xong án phạt tù vẫn còn nhiều khó khăn do không kiếm được việc làm, dễ dẫn đến tình trạng tái phạm tội.

Chính sách tín dụng cho người mãn hạn tù sẽ tạo điều kiện cho các đối tượng học nghề, sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sau khi mãn hạn tù, anh V.Q.T. (ngụ xã Gia Tân 2, H.Thống Nhất) đã vượt qua khó khăn, chí thú làm ăn để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh minh họa: Tố Tâm

Từ ngày 10-10-2023, những người chấp hành xong án tù sẽ được vay vốn học nghề, sản xuất, kinh doanh. Nội dung này được quy định tại Quyết định 22/2023/QĐ-TTg ngày 17-8-2023 của Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (gọi tắt là Quyết định 22). Đây được xem là một chính sách nhân văn và kịp thời.

* Được vay vốn không cần thế chấp

Lâu nay, không ít người mãn hạn tù rất khó kiếm được việc làm vì nhiều người ngại thuê, ngại nhận những người có tiền án vào làm việc. Do đó, dù đã được xóa án tích, nhưng nhiều người vẫn rất chật vật tìm việc làm để ổn định cuộc sống, nên dễ bị bạn xấu rủ rê… “ngựa quen đường cũ”.

Trao đổi với báo chí ngày 17-9, đại tá Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan Thi hành án hình sự Bộ Công an cho biết, xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc như vậy, thời gian qua, lãnh đạo Bộ Công an đã giao Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội (CSXH), các bộ, ngành liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, tạo điều kiện giúp họ tiếp cận nguồn vốn phục vụ học nghề, sản xuất, kinh doanh, có nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống.

Thực tế, trước khi có Quyết định 22 thì chưa có một chính sách riêng nào hỗ trợ vay vốn cho người chấp hành xong án phạt tù. Cho nên, Quyết định 22 là được coi là “cứu cánh” cho những người đã từng lầm lỡ, giúp họ phát triển bình đẳng như các cá nhân khác để ổn định đời sống, đồng thời gián tiếp góp phần đem lại bình yên cho gia đình và xã hội.

Phó giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai NGUYỄN SỸ CƯỜNG cho biết, hệ thống ngân hàng CSXH xác định người mới mãn hạn tù cũng là một trong những đối tượng cần được vay vốn chính sách để tự tạo việc làm. Đây là chính sách nhân văn, giúp người vừa chấp hành xong án phạt tù có điều kiện hoàn lương, xây dựng lại cuộc sống, có việc làm ổn định, từ đó kéo họ tránh xa tệ nạn xã hội.

Theo Quyết định 22, người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đến thời điểm được vay vốn tối đa là 5 năm, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội và có nhu cầu vay vốn thì sẽ được công an cấp xã lập danh sách, có xác nhận của UBND cùng cấp gửi ngân hàng CSXH làm thủ tục vay vốn với lãi suất ưu đãi như đối với hộ nghèo. Nếu vay để đào tạo nghề tối đa sẽ là 4 triệu đồng/tháng/người. Nếu vay để sản xuất, kinh doanh thì được vay tối đa 100 triệu đồng/người.

Đáng chú ý, theo Quyết định 22, những cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng tối thiểu 10% trên tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù, có nhu cầu và có phương án vay vốn, được UBND cấp xã xác nhận thì có thể vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh.

* Ý nghĩa từ một chính sách nhân văn

Thời gian qua, nhiều người có tiền án, tiền sự, người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương cũng được các tổ chức xã hội hoặc địa phương tạo điều kiện cho vay vốn, hỗ trợ việc làm…, nhưng số này cũng không nhiều. Do đó, Quyết định 22 được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ vốn vay cho những người từng lầm lỡ có điều kiện làm lại cuộc đời.

Tháng 8-2023, anh T.V.T. (25 tuổi, ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) được mãn hạn tù sau 22 tháng chấp hành án tù giam về tội cố ý gây thương tích cho người khác trong một vụ ẩu đả. Trở lại cộng đồng đã hơn 2 tháng nhưng anh vẫn chưa kiếm được công việc phù hợp, vẫn đang phụ quán cơm của gia đình. Anh V. cho biết, trước khi đi tù, anh là thợ làm tóc cho một tiệm tóc ở TP.Biên Hòa, nhưng giờ trở lại, chủ tiệm từ chối nhận vào làm. Anh T. cho biết, nếu được vay vốn, anh sẽ mở một tiệm tóc để kiếm sống và ổn định cuộc sống.

Là mẹ của một thanh niên thường ra vào tù do phạm tội, bà L.A. (ngụ P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, kinh tế gia đình khó khăn, con bà không có việc làm nên thường xuyên la cà với bạn xấu đâm ra hư hỏng. Tháng 1-2024, con trai bà sẽ được mãn hạn tù; nếu được hỗ trợ học nghề hoặc vay vốn làm ăn theo Quyết định 22 thì quá tốt, giúp con bà có nguồn vốn để chí thú làm ăn, giảm gánh nặng và nỗi lo cho bà.

Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nông Văn Dũng cho biết, đối với người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương phải đối mặt với nhiều rào cản, khó khăn do những hạn chế từ bản thân như: mặc cảm, tự ti về quá khứ, khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, tạo kế sinh nhai... Bên cạnh đó, họ cũng chịu những tác động tiêu cực từ các yếu tố khách quan như còn có sự kỳ thị, xa lánh, phân biệt đối xử của cộng đồng xã hội. Do đó, có thể coi đây là nhóm đối tượng yếu thế của xã hội, cần có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ để họ nâng cao khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng.

Cũng theo ông Nông Văn Dũng, việc có chính sách tín dụng giúp họ có việc làm, kế sinh nhai là vấn đề cơ bản, cốt lõi nhất để giúp họ có điều kiện phát triển bình đẳng như các cá nhân khác trong cộng đồng, tái hòa nhập cộng đồng bền vững. Đây cũng chính là giải quyết vấn đề an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, khi chính sách tín dụng này được ban hành sẽ khuyến khích được các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù để tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, phát triển quy mô sản xuất, qua đó tạo thêm được nhiều việc làm cho xã hội.

Phương Liễu

Tin xem nhiều
Website https://creditcard.com.vn Chia sẻ kiến thức thẻ tín dụngLàm sao thẻ tín dụng không chứng minh thu nhập