Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ quyền lợi cho con của những người mẹ đơn thân

Đoàn Phú
08:47, 30/10/2023

Do hoàn cảnh riêng, nhiều phụ nữ đơn thân có con. Trong đó có không ít người vẫn muốn con mình có cha và được cha trợ cấp nuôi dưỡng cho đến khi trưởng thành nhưng không biết phải làm sao để bảo vệ quyền của con.

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) giải đáp thắc mắc liên quan tới hôn nhân, gia đình cho người dân xã Núi Tượng (H.Tân Phú). Ảnh: Đ.Phú

* Quyền yêu cầu người cấp dưỡng và nhận cha cho con

Dù sống với ông M. (TP.HCM) kiểu “chồng hờ, vợ tạm” nhưng chị T. (H.Cẩm Mỹ) vẫn muốn con chung của 2 người là cháu G. (6 tháng tuổi) được ghi tên cha trong giấy khai sinh. Tuy nhiên, ông M. kiên quyết không đồng ý vì sợ người vợ mà ông đang sống hiện tại (có kết hôn) ghen tuông làm cho gia đình ông xào xáo. Trước thái độ của ông M., chị T. rất bức xúc nhưng không biết làm sao để bảo vệ quyền lợi cho con.

Hay như trường hợp của ông P. (ngụ H.Nhơn Trạch) và bà N. (quê tỉnh Thanh Hóa) đang tranh chấp việc nuôi dưỡng con chung là cháu B. (10 tuổi). Ông P. trình bày, năm 2017, trong quá trình làm việc chung tại TP.Biên Hòa cả 2 gặp nhau và dọn về sống chung như vợ chồng. Khi bà N. có thai, ông bị thất nghiệp nên để bà N. về quê sinh con. Sau khi sinh cháu B. xong bà N. nói không vào Nam nữa và từ đó 2 người chia tay.

Tháng 7-2023 vừa qua, ông P. hay tin bà N. đã có chồng khác nên tìm đến nơi bà N. sinh sống đề nghị bà giao cháu B. cho ông chăm sóc. Bà N. cho rằng, bà chỉ chấp nhận việc ông P. nhận cháu B. là con. Còn việc ông muốn đem con về nuôi dưỡng thì phải bù đắp cho bà 300 triệu đồng và xem đó như khoản tiền bà một mình nuôi cháu B. từ lúc mang thai cho đến nay.

“Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ và những người con này có đầy đủ quyền như các anh, chị, em cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha của mình. Con đã thành niên nhận cha, không cần phải có sự đồng ý của mẹ” - luật sư CHU VĂN HIỂN (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết.

Vấn đề tranh chấp về quyền nuôi dưỡng, xác nhận cha con giữa ông M. và chị T., giữa ông P. với bà N., theo luật sư Chu Văn Hiển (Đoàn Luật sư tỉnh), pháp luật hiện tại chỉ cấm người đang có vợ, có chồng mà sống chung như vợ chồng với người khác. Pháp luật hiện không cấm nam, nữ đủ điều kiện kết hôn nhưng không đăng ký kết hôn mà sống chung với nhau như vợ chồng. Dù họ vi phạm hoặc không vi phạm pháp luật về hôn nhân, gia đình thì những đứa trẻ được sinh ra trong hoàn cảnh này đều bị thiệt thòi, nhất là khi họ chia tay nhau.

“Dù ông M. trốn tránh việc công nhận cháu H. là con chung của ông với chị T., chị T. vẫn có quyền yêu cầu tòa án công nhận ông M. là cha cho con và buộc ông phải có trách nhiệm trợ cấp nuôi dưỡng cháu H. đến khi cháu đủ 18 tuổi. Riêng cháu B. ở với ông P. cần phải tham khảo ý kiến của cháu và yêu cầu của bà N. nếu hợp pháp sẽ được pháp luật xem xét, công nhận”- luật sư Hiển giải thích.

* Đấng sinh thành mất nhưng quyền nhận cha con vẫn còn

Việc xác nhận cha cho con là quyền nhân thân của trẻ được pháp luật thừa nhận và tôn trọng. Chính vì vậy, tại khoản 2, Điều 88, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định, trong trường hợp cha không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được tòa án xác định. Đồng thời tại khoản 1, Điều 90 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định rõ, con có quyền nhận cha của mình, kể cả trong trường hợp người cha này đã chết.

Theo luật sư Cao Sơn Hà (Đoàn Luật sư tỉnh), việc con nhận cha dù người cha không muốn thừa nhận người đó là con của mình thì phải chứng minh người nhận mình là cha không có mối quan hệ huyết thống cha con hoặc giấy tờ xác nhận người con này không thuộc trường hợp: được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân; được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân.

Do đó, dù người mà người con muốn nhận là cha đẻ của mình từ chối hoặc đã chết thì pháp luật vẫn cho phép người con tiến hành các thủ tục xác nhận người đó là cha đẻ của mình khi có đủ giấy tờ chứng minh hoặc áp dụng kỹ thuật y khoa xác định ADN. Bởi việc xác nhận huyết thống cha con với nhau không chỉ có giá trị về quyền nhân thân cho trẻ mà còn đảm bảo quyền thừa kế di sản của nhau khi người kia chết không có di chúc.

Cũng theo luật sư Cao Sơn Hà, nhiều phụ nữ đơn thân vì mặc cảm việc sinh, nuôi dưỡng con trong tình trạng hôn nhân không hợp pháp (chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc xuất phát từ hôn nhân trái pháp luật) mà ảnh hưởng tới quyền lợi của con. Để bảo vệ quyền cho mình và con, những người mẹ đơn thân có thể tới các tổ chức như: hội luật gia các cấp, hội LHPN, các trung tâm bảo vệ quyền lợi bà mẹ và trẻ em… để được hỗ trợ pháp lý.

“Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, con đã chết” - luật sư Cao Sơn Hà lưu ý.

Đoàn Phú

Từ khóa:

quyền lợi

Tin xem nhiều