Báo Đồng Nai điện tử
En

Vướng mắc về giám hộ, giám sát việc giám hộ

Đoàn Phú
08:35, 06/09/2023

Thực tiễn thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015 đã phát sinh một số vấn đề về giám hộ, giám sát việc giám hộ. Do đó, theo các chuyên gia pháp lý, một số quy định về giám hộ, giám sát việc giám hộ cần được quy định rõ hơn khi sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2015.

Luật sư Vũ Duy Nam (Đoàn Luật sư tỉnh) phát biểu tham luận tại tọa đàm Người đại diện, giám hộ
và bảo vệ quyền lợi của đương sự do Hội Luật gia tỉnh tổ chức. Ảnh: Đ.Phú
Luật sư Vũ Duy Nam (Đoàn Luật sư tỉnh) phát biểu tham luận tại tọa đàm Người đại diện, giám hộ và bảo vệ quyền lợi của đương sự do Hội Luật gia tỉnh tổ chức. Ảnh: Đ.Phú

* Bất cập trong giám hộ

Khoản 1, Điều 23 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở giám định pháp y tâm thần, tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ. 

Luật gia Nguyễn Thanh Tấn (Hội Luật gia tỉnh) bày tỏ, pháp luật chưa quy định rõ trường hợp nào được hiểu là do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự. Chẳng hạn, họ là những người liệt toàn thân, trí óc vẫn còn nhận thức được nhưng không nói được, không nghe, không nhìn được như người khiếm thính, khiếm thị thì có được xem là người cần được giám hộ? Nếu được công nhận thì luật cần đưa các trường hợp này vào để họ được hưởng quyền giám hộ trong thực hiện giao dịch dân sự.

“Khi Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa quy định cụ thể vấn đề này trong việc cử người giám hộ thì trước mắt cần có văn bản dưới luật hướng dẫn, giải thích cụ thể thế nào là người có tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự” - luật gia Tấn đề xuất.

Việc cử, chỉ định người giám hộ (Điều 54 Bộ luật Dân sự năm 2015) trong trường hợp có tranh chấp giữa những người giám hộ quy định tại Điều 52, Điều 53 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tòa án chỉ định người giám hộ.

Thực tiễn giải quyết vụ án hình sự có liên quan đến người chưa thành niên cho thấy, có trường hợp tòa án phải chỉ định người giám hộ cho người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi nhưng thời hạn điều tra, truy tố, xét xử đã hết. Về nguyên tắc, khi thời hạn điều tra, truy tố, xét xử đã hết, cơ quan tiến hành tố tụng trong mỗi giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sẽ tạm đình chỉ điều tra hoặc tạm đình chỉ vụ án để chờ tòa án có thẩm quyền chỉ định người giám hộ cho người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, đối chiếu quy định tại Khoản 1, Điều 229; Khoản 1, Điều 247 và Khoản 1, Điều 281 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì việc tạm đình chỉ điều tra hay tạm đình chỉ vụ án không có trường hợp chờ tòa án chỉ định người giám hộ.

Tại Khoản 4, Điều 51 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, người giám sát việc giám hộ có quyền và nghĩa vụ như: theo dõi, kiểm tra người giám hộ trong việc thực hiện giám hộ. Xem xét, có ý kiến kịp thời bằng văn bản về việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự quy định tại Điều 59 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giám hộ xem xét thay đổi hoặc chấm dứt việc giám hộ, giám sát việc giám hộ.

Trợ giúp viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) Đặng Bửu Trọng chia sẻ: “Pháp luật có quy định về việc tòa án chỉ định người giám hộ nhưng lại không có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục để tòa án chỉ định người giám hộ cho người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi. Từ đó phát sinh khó khăn cho tòa án trong việc chỉ định người giám hộ.

* Giám sát việc giám hộ cần có chế tài

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh) phân tích, pháp luật cho phép cha, mẹ hoặc ông, bà cùng giám hộ cho con, cháu nhưng nếu một trong 2 người được giám hộ đó mâu thuẫn với nhau trong việc giám hộ thì người giám sát việc giám hộ có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giám hộ xem xét thay đổi hoặc chấm dứt việc giám hộ (Điểm c, Khoản 4, Điều 51 Bộ luật Dân sự năm 2015).

“Vậy khi người giám sát vi phạm quyền và nghĩa vụ của mình hoặc cản trở việc giám hộ thì bị chế tài ra sao? Hiện tại, Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa quy định vấn đề này nên khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự năm 2015 cần đưa vấn đề này vào nhằm bảo vệ tốt nhất quyền của người được giám hộ, người giám hộ” - luật sư Định kiến nghị.

Luật sư Vũ Duy Nam (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết thêm, tại Khoản 1, Điều 47 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định, người chưa thành niên được giám hộ khi có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ. Vậy “thế nào là cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con?”.

Cũng theo luật sư Nam, hiện pháp luật không có quy định cụ thể vấn đề này nên dựa vào quy định không rõ ràng đó, người giám sát trong giám hộ có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thay đổi người giám hộ. Như vậy, sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của người giám hộ, quyền của người được giám hộ. Do đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 nếu sửa đổi, bổ sung thì cũng phải làm rõ cụm từ “cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con”.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều