Mới đây, nhà ga hành khách cùng hạ tầng đường băng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã chính thức được khởi công. 2 hạng mục quan trọng nhất của đại dự án được triển khai đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (thứ 5, từ phải sang) cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương bấm nút khởi công nhà ga và đường cất - hạ cánh, sân đỗ máy bay, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: P.Tùng |
Chia sẻ niềm vui với Báo Đồng Nai, nhiều bạn đọc (BĐ) mong muốn dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thi công về đích đúng kế hoạch đề ra, sớm trở thành cảng hàng không quốc tế lớn nhất cả nước. Từ đó, tác động lớn tới phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai, vùng Đông Nam bộ nói riêng cũng như cả nước nói chung.
* Người dân phấn khởi
Chiều 31-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu đã bấm nút khởi công nhà ga và đường cất hạ cánh, sân đỗ máy bay dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. 2 hạng mục trên có tổng mức đầu tư 35 ngàn tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026.
Tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của hạ tầng giao thông đối với phát triển kinh tế - xã hội. Giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả…
Theo dõi thông tin về lễ khởi công, ông Trần Văn Hà (ngụ ấp Ngô Quyền, TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất) chia sẻ. “Thường xuyên cập nhật các thông tin về dự án Sân bay Long Thành nên tôi biết đây là công trình quan trọng, có giá trị lớn. Sau gần 1 năm "trượt" tiến độ so với kế hoạch, đến nay mới chính thức thi công trong sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, kỳ vọng một cảng hàng không hiện đại trong khu vực sớm hình thành. Từ đó, thúc đẩy sức cạnh tranh của ngành hàng không Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế”.
Cùng tâm trạng, ông Nguyễn Bảo Quốc (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) bộc bạch, khi 2 hạng mục nêu trên thi công hoàn tất, về cơ bản sân bay Long Thành đã nên hình nên dáng. Do đó, tôi thấy rất phấn khởi. Tại buổi khởi công, phát biểu của Thủ tướng đã nhận định rất sát thực tế về vai trò của hạ tầng hàng không ở nước ta hiện nay. Đó là vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng, phát triển của quốc gia và quốc tế. Nhiều sân bay đã trở nên "quá tải" cả trên bầu trời và dưới mặt đất, nhất là sân bay Tân Sơn Nhất quá tải 1,7 lần so với thiết kế. “Vì vậy, việc xây dựng sân bay Long Thành là cấp thiết; đặc biệt, 2 gói thầu quan trọng nhất là nhà ga hành khách và đường băng sân đỗ vừa được khởi công chính là dấu ấn, sự kiện quan trọng chào mừng Quốc khánh 2-9” - ông Quốc nói.
* Mong dự án sớm về đích đúng kế hoạch
Theo ông Quốc, khi một cảng hàng không có quy mô lớn như cảng hàng không quốc tế Long Thành hoàn thành, ngoài việc “chắp cánh” cho sự phát triển của ngành hàng không còn đem lại những lợi ích tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai, vùng Đông Nam bộ nói riêng cũng như cả quốc gia. Do đó, việc thi công công trình cần được tạo điền kiện tốt nhất để có thể hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng cao nhất.
Phối cảnh nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1 |
Tương tự, bình luận trên Facebook Báo Đồng Nai, nhiều BĐ mong muốn dự án về đích đúng tiến độ đề ra; đồng thời, quá trình thi công phải đảm bảo an toàn kỹ thuật. “Công trình có tổng mức đầu tư cao, phức tạp về mặt kỹ thuật… Vì vậy, chủ đầu tư đã phải chọn các đơn vị đứng đầu triển khai có năng lực, kinh nghiệm cao. Đồng thời, quá trình thi công, đơn vị tư vấn giám sát cần đảm bảo bên cạnh đôn đốc, theo dõi tiến độ dự án, phải kiểm soát thật tốt về mặt chất lượng” - tài khoản Facebook kimkim bình luận.
Bên cạnh mong muốn dự án về đích đúng tiến độ đề ra, việc đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình thi công là vấn đề được nhiều người dân quan tâm. Theo một số người dân ở khu vực kế cận công trường thi công sân bay, tình trạng ô nhiễm không khí khu vực xung quanh nơi thực hiện dự án hiện được cải thiện. Để không ảnh hưởng đến quá trình thi công của các gói thầu cũng như đời sống dân sinh vùng dự án, các đơn vị thi công cần thực hiện nghiêm các giải pháp cơ quan chức năng yêu cầu như: tăng cường tần suất tưới nước, thu gom đất đá rơi vãi trên tuyến đường vận chuyển, điều chỉnh giảm cường độ thi công và rà soát các biện pháp giảm thiểu bụi phù hợp hơn trong trường hợp có gió lốc, gió xoáy…
Kim Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin