Hiện toàn tỉnh có trên 1 triệu người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, với hơn 60% lao động (LĐ) nữ. Việc chăm sóc sức khỏe LĐ nữ là vấn đề cần được quan tâm.
Bác sĩ phụ trách phòng y tế của một công ty gia công giày da trên địa bàn TP.Biên Hòa siêu âm tầm soát bệnh cho một nữ công nhân. Ảnh: Phương Liễu |
Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành quy định mới, đó là khi khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, LĐ nữ sẽ được khám thêm chuyên khoa phụ sản. Thông tin này được nhiều LĐ nữ phấn khởi, nhất là những người làm việc ở môi trường khói bụi, ẩm ướt, vệ sinh kém.
* Quy định kịp thời và nhân văn
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 09/2023/TT-BYT ngày 5-5-2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 6-5-2013 về hướng dẫn khám sức khỏe. Theo đó, kể từ ngày 20-6-2023, khi khám sức khỏe định kỳ, LĐ nữ sẽ được khám thêm chuyên khoa phụ sản.
Cụ thể, LĐ nữ được khám: phụ khoa, khám sàng lọc ung thư cổ tử cung, khám sàng lọc ung thư vú, siêu âm tử cung và phần phụ. Đặc biệt, trong sàng lọc ung thư cổ tử cung còn được làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung và xét nghiệm HPV (tìm virus gây ung thư cổ tử cung) khi có chỉ định của bác sĩ khám.
Theo nhận định của một số cơ sở y tế trong tỉnh, việc sửa đổi thông tư đã bổ sung, quy định cụ thể hơn về khám sản phụ khoa cho LĐ nữ. Đây là quy định kịp thời và rất nhân văn. Bởi, thực tế có một số trường hợp LĐ nữ bị các bệnh phụ khoa do làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiều khói bụi, ẩm ướt, ô nhiễm, điều kiện sống thiếu thốn, vệ sinh kém… Chưa kể tình trạng có không ít LĐ nữ chưa coi trọng việc tầm soát các bệnh liên quan đến sản phụ khoa, không muốn nghỉ ngày làm việc để đi khám… nên dễ bị viêm nhiễm phụ khoa kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
* Lao động nữ phấn khởi
Hiện nay, các bệnh liên quan đến sản phụ khoa đang trở thành bệnh lý ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nói chung và đến sức khỏe sinh sản của nữ giới nói riêng. Do đó, việc đi khám, tầm soát và điều trị kịp thời các bệnh lý sản phụ khoa là rất cần thiết.
Chị M.T.T. (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa, công nhân của một doanh nghiệp may mặc ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cho biết, do tính chất công việc nên chị phải ngồi nhiều và ngồi lâu, môi trường lại nhiều bụi vải, nóng nực nên chị và đồng nghiệp không ít lần bị viêm nhiễm phụ khoa.
Đồng Nai hiện có khoảng 600 ngàn LĐ nữ. Riêng tại các doanh nghiệp chuyên sản xuất giày da và may mặc, tỷ lệ LĐ nữ lên tới 80%. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, 6 tháng đầu năm 2023, trung tâm đã thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho hơn 5,7 ngàn LĐ nữ. |
“Nghỉ việc để đi khám thì mất buổi làm, mà trong khám sức khỏe định kỳ trước đây thì LĐ nữ không được khám phụ khoa, nên nhiều người không được chăm sóc về sức khỏe sinh sản. Nay được bổ sung khám thêm phụ khoa nữa thì chúng tôi rất phấn khởi, vì có cơ hội được thăm khám, nhất là tầm soát các bệnh ung thư” - chị T. cho hay.
Còn bà T.T.L. (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa), một người nhiều năm làm thợ hồ cho một công ty xây dựng ở TP.Biên Hòa tâm sự, làm nghề thợ hồ phơi người dưới trời nắng nóng, rồi cát bụi, vôi vữa, nhiều khi đang làm gặp mưa ướt hết người nhưng vẫn cứ phải mặc đồ ẩm ướt để làm việc nên bà thường xuyên bị viêm nhiễm phụ khoa. Theo bà Loan, nếu được khám phụ khoa vào mỗi đợt khám sức khỏe định kỳ thì rất hợp lý và cần thiết, đó mới là chăm sóc sức khỏe toàn diện cho LĐ nữ.
BS Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, qua thực tế cho thấy, phần lớn LĐ nữ tại các doanh nghiệp chủ yếu làm việc theo ca, nhiều người do kinh tế khó khăn nên ít có điều kiện tiếp cận các thông tin, dịch vụ liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ngoài ra, bệnh phụ khoa thường có những biểu hiện âm thầm nên nhiều chị em chủ quan, không đi khám định kỳ, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như: mang thai ngoài ý muốn, mắc bệnh lây qua đường tình dục, nạo phá thai không an toàn dẫn đến hệ lụy vô sinh...
Trao đổi về quy định mới đem lại nhiều ích lợi cho LĐ nữ trong công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, TS-BS Trần Minh Hòa cho biết, hiện có nhiều LĐ nữ làm việc tại các doanh nghiệp, nhà máy trong và ngoài khu công nghiệp, trong đó không ít người phải làm việc trong môi trường có yếu tố vi khí hậu chưa tốt như: không khí ô nhiễm, ẩm ướt, khói bụi… dẫn đến bị các bệnh lý liên quan đến sản phụ khoa. Sửa đổi các quy định sẽ tạo điều kiện cho LĐ nữ có cơ hội thăm khám, tầm soát và điều trị các bệnh lý liên quan đến sản, phụ khoa nhằm đảm bảo “nguồn vốn sức khỏe” cho sản xuất, kinh doanh, cũng như bảo đảm công tác nâng cao chất lượng giống nòi.
Phương Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin