Việc nâng cao nhận thức pháp luật về các hành vi xâm hại (bạo lực, xâm hại tình dục) trong học sinh đóng vai trò rất quan trọng giúp các em tự phòng tránh các hành vi xâm hại từ sớm, tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra.
Luật sư phát tài liệu tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục cho học sinh tại xã La Ngà (H.Định Quán). Ảnh: Đ.PHÚ |
Theo Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Lê Quang Y, trong quá trình thực hiện chương trình đưa pháp luật về cơ sở, đơn vị rất quan tâm tới việc tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về vấn đề này cho học sinh và phụ huynh.
* Tuyên truyền cách phòng ngừa
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ việc xâm hại đối với trẻ em gây phẫn nộ dư luận.
Điển hình như vụ Vũ Duy Linh (36 tuổi, ngụ xã Phú Tân, H.Định Quán, nguyên cán bộ Công an xã Phú Tân) nhiều lần hiếp dâm, dâm ô 3 bé gái tại trụ sở làm việc.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh, tháng 3-2022, 3 bé gái từ 13-15 tuổi đến Công an xã Phú Tân trình báo bị một tài khoản Facebook đe dọa tung các hình ảnh, video nhạy cảm lên mạng và Linh được lãnh đạo công an xã phân công thụ lý vụ việc này. Tuy nhiên, từ tháng 3 đến tháng 5-2022, Linh đã nhiều lần gặp các bé gái, dụ dỗ vào phòng ngủ trong trụ sở công an hoặc các nhà nghỉ trên địa bàn để hiếp dâm, dâm ô. Ngày 27-6-2023, TAND tỉnh đã tuyên phạt Linh 18 năm tù về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi và 3 năm tù về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
Ngoài ra, tình trạng bạo lực học đường cũng xảy ra với việc đánh hội đồng và quay clip tung lên mạng xã hội. Cụ thể như vụ một học sinh lớp 8 của Trường THCS Tân Thành (xã Bàu Cạn, H.Long Thành) bị nhóm học sinh khác đánh vì mâu thuẫn cá nhân rồi tung lên mạng vào ngày 28-6-2022.
Trước thực trạng đó, vào năm học mới 2023-2024, Đoàn Luật sư tỉnh đã phối hợp với các trường học, chính quyền địa phương tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục cho học sinh và phụ huynh các xã: La Ngà, Phú Cường, Thanh Sơn… (H.Định Quán).
Luật sư Lê Quang Y cho biết, theo yêu cầu của các trường học, chính quyền địa phương, Đoàn Luật sư tỉnh đã chuẩn bị đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm và tài liệu tuyên truyền phù hợp để chia sẻ với học sinh. Từ đó, trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân trước các hành vi bị bạo hành, xâm hại tình dục.
“Phải truyền thông kịp thời mọi hành vi, tình huống mà các em có khả năng gặp phải trong thực tế cuộc sống để nhận diện, cách ứng phó, phòng ngừa, lẫn giải pháp yêu cầu hỗ trợ, giúp đỡ từ phụ huynh, nhà trường, thầy cô giáo” - luật sư Lê Quang Y cho biết thêm.
Theo giáo viên Nguyễn Thị Mai, Trường THCS Nguyễn Trãi (xã Phú Cường, H.Định Quán), do nhận thức và hoàn cảnh của từng học sinh khác nhau nên bản thân các em khó lường trước hết những tác hại tiêu cực xảy ra trên đường đi học về, trong sinh hoạt, vui chơi giải trí, xây dựng mối quan hệ thân thiết cá nhân… Vì vậy, nhà trường luôn mong muốn các luật sư sẽ trao đổi các vấn đề, góc cạnh thiết thực và phù hợp với nhận thức, tâm sinh lý học sinh THCS và đối tượng là học sinh chuẩn bị bước vào bậc THPT trong năm học này.
* Nâng cao nhận thức về bạo hành
Tại buổi tuyên truyền ở xã La Ngà (H.Định Quán), nhiều học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo thắc mắc về việc cần phải làm gì để ngăn bạn bị người khác đánh và quay clip tung lên mạng để bêu xấu?
Em ĐẶNG NGUYỄN XUÂN TRƯỜNG (học sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Trãi, xã Phú Cường, H.Định Quán) bày tỏ, các luật sư đã chỉ cho em cách thức nhận biết các hành vi bạo lực, xâm hại để tự bảo vệ bản thân một cách cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu. Đây là kiến thức rất bổ ích. |
Luật sư Nguyễn Đình Hải (Đoàn Luật sư tỉnh) phân tích, đánh nhau là hành vi bạo lực học đường, ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe của người khác; vi phạm đạo đức, an ninh trật tự ở trường học hoặc nơi công cộng. Do đó, pháp luật khuyến khích học sinh có hành động can ngăn trong khả năng của mình. Riêng việc người khác chứng kiến học sinh đánh nhau hoặc bị đánh nhưng không có hành vi can ngăn hợp lý mà còn quay clip đưa lên mạng để vui đùa là vi phạm pháp luật.
Luật sư Hải lưu ý, trong trường hợp và hoàn cảnh không cho phép các em vào can ngăn thì có thể thông báo cho những người lớn gần đó biết để họ can ngăn, hoặc có quyền quay clip lại để làm bằng chứng cung cấp cho thầy cô giáo, nhà trường, người có thẩm quyền như: cán bộ bảo vệ trẻ em, công an, phụ huynh khi họ cần trong việc giải quyết. Học sinh không được quay clip rồi tung lên mạng nhằm mục đích thông tin, thông báo cho nhà trường, cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết. Làm như vậy vô tình gây ảnh hưởng tới tâm lý, danh dự, nhân phẩm của người bị đánh.
Riêng hành vi quấy rối tình dục đối với học sinh, luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) lưu ý, không cần người khác có hành động đụng chạm, xâm phạm vào cơ thể các em mới được cho là quấy rối tình dục. Hành vi quấy rối tình dục có thể là ánh mắt nhìn chằm chằm vào những chỗ nhạy cảm hoặc có lời nói, thái độ khiếm nhã, khiêu khích, kích động tình dục… Đây là những trường hợp các em hay gặp phải nhất trong quá trình học tập, vui chơi, sinh hoạt tập thể hoặc ở nhà một mình. Tốt nhất các em nên tránh xa những người có hành vi trên và kịp thời tâm sự với thầy cô giáo mình tin tưởng, phụ huynh để có biện pháp, giải pháp phù hợp với những người này. Các em không nên cam chịu, im lặng để hành vi trên liên tục tái diễn sẽ gây hậu quả khó lường cho bản thân và xã hội.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin