Báo Đồng Nai điện tử
En

Cấp cứu ngoại viện: Cần được trang bị như kỹ năng sống

Phương Liễu
08:44, 19/09/2023

Nhiều người cho rằng, cấp cứu người bị thương chỉ dành cho nhân viên y tế. Tuy nhiên thực tế, khi những ca tai nạn xảy ra tại các nơi ngoài bệnh viện như: công sở, trường học, nhà máy hay các khu vui chơi, giải trí... nếu được sơ cấp cứu đúng cách, kịp thời có thể giảm được nguy cơ tổn thương nặng, thậm chí cứu được tính mạng nạn nhân trước khi đến bệnh viện.

Giáo viên một trường mầm non ở TP.Biên Hòa được bác sĩ hướng dẫn thực hành thủ thuật vỗ lưng ấn ngực cho trẻ nhỏ bị hóc dị vật. Ảnh: BVCC

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, ThS-BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, cấp cứu ngoại viện rất quan trọng và rất cần trở thành kỹ năng sống của mỗi người dân.

* Cần hiểu cấp cứu ngoại viện như thế nào cho đúng, thưa ông?

- Cấp cứu ngoại viện hay còn gọi là cấp cứu ngoài cộng đồng, tức là nạn nhân khi bị nạn sẽ được hỗ trợ bởi người gần mình nhất, người chứng kiến sự việc và có kỹ năng cấp cứu ban đầu. Mục tiêu của cấp cứu ban đầu là can thiệp càng sớm càng tốt, nhằm duy trì chức năng sống của nạn nhân ở tình trạng ổn định nhất có thể cho đến khi đến được bệnh viện.

* Theo ông, cấp cứu bệnh nhi khác gì so với cấp cứu người lớn?

- Cấp cứu trẻ em và người lớn có những điểm khác nhau. Thứ nhất: Mô hình bệnh tật ở trẻ em khác với người lớn. Ví dụ: Người lớn bị ngưng thở, ngưng tim thường là do đột quỵ, nhưng ở trẻ em ngưng tim, ngưng thở phần lớn là do hóc dị vật hoặc ngạt nước. Điểm khác thứ hai là thao tác cấp cứu trên bệnh nhi sẽ khác so với cấp cứu ở người lớn; điểm khác thứ ba ở những thiết bị, dụng cụ cấp cứu nhi phải là của chuyên nhi chứ không thể dùng thiết bị, dụng cụ y tế của người lớn.

“Cấp cứu bệnh nhi, 5 phút “vàng” nếu thao tác đúng cách và kịp thời sẽ ngăn được tình trạng chết não. Do đó, khi tập huấn, chúng tôi cho mọi người biết trong 5 phút “vàng” ấy thì nên làm gì và không nên làm gì; điều gì làm trước, điều gì làm sau để việc cấp cứu mang lại hiệu quả cao nhất” - BS NGUYỄN TRỌNG NGHĨA cho biết.

* Vậy theo ông, đội ngũ cấp cứu chuyên nhi tại các bệnh viện hiện nay như thế nào?

- Gần 25 năm làm công tác cấp cứu nhi, tôi rất trăn trở khi đội ngũ nhân viên y tế làm công tác cấp cứu nhi hiện rất “mỏng”. Ngay tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai hiện có hơn 100 bác sĩ nhưng cũng mới có khoảng 10 bác sĩ chuyên cấp cứu nhi. Còn tại các bệnh viện tuyến huyện, trung tâm y tế thì bác sĩ chuyên khoa nhi cũng chỉ có 1-2 người. Nhưng riêng bác sĩ “rành” về cấp cứu nhi thì rất hiếm, thậm chí có những cơ sở y tế không có bác sĩ chuyên cấp cứu nhi. Do đó, với những ca bệnh nhi nặng, đa phần phải chuyển viện. Không chuyên cấp cứu kịp thời, lại mất thời gian chuyển viện lên tuyến trên, bệnh nhi sẽ bị mất cơ hội vàng trong điều trị.

* Thời gian vàng trong cấp cứu nhi là rất quan trọng. Vậy cần phải có giải pháp gì cho vấn đề này, thưa ông?

- Thấy được những hạn chế trong công tác cấp cứu nhi tại tuyến dưới nên nhiều năm nay, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cũng đã tổ chức các buổi tập huấn cho nhân viên y tế các bệnh viện tuyến huyện, trung tâm y tế. Nhưng sau này chúng tôi thấy rằng, ngoài việc tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế thì phổ cập kiến thức, trang bị kỹ năng sơ cấp cứu ngoại viện cho người dân trong cộng đồng sẽ mang lại hiệu quả hơn. Bởi khi trẻ bị nạn thì người cấp cứu cho trẻ lúc đó không phải là nhân viên y tế mà là người dân, người thân ở bên trẻ.

* Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai mới tổ chức Chương trình truyền thông, tập huấn, phổ cập kiến thức cấp cứu ngoại viện trong cộng đồng. Xin ông cho biết cụ thể về chương trình này?

- Đặc điểm của cấp cứu là xảy ra bất ngờ, đột ngột, đôi khi tai nạn xảy ra ở rất xa cơ sở y tế…, nếu người tại chỗ không có kỹ năng, không có sự chuẩn bị sẽ lúng túng và sẽ không cứu được nạn nhân. Rõ ràng, sơ cấp cứu ngoại viện trong cộng đồng là rất quan trọng. Trên cơ sở đó, từ đầu năm 2023, bệnh viện đã tổ chức hoạt động phổ cập cấp cứu ngoại viện trong cộng đồng, tập trung nhiều vào các tháng hè. Bệnh viện có một nhóm gồm 3 BS và 5 điều dưỡng - là những người rất “rành” về cấp cứu nhi - phụ trách chương trình này.

Chương trình có 2 kênh tiếp cận: một là bệnh viện phối hợp với ngành GD-ĐT và thứ hai là truyền thông, tập huấn theo nhu cầu của các đơn vị, trong đó nhiều nhất là các trường mầm non. Nội dung tập huấn gồm 2 phần: trang bị kiến thức về cấp cứu ngạt nước, dị vật đường thở và cấp cứu chấn thương; hướng dẫn thao tác thực hành trên mô hình theo kiểu cầm tay chỉ việc.

* Ông đánh giá thế nào về kiến thức và sự am hiểu của người dân, giáo viên khi tham gia tập huấn cấp cứu người bị nạn?

- Qua tiếp cận với những người tham gia tập huấn, đa phần họ có chút kiến thức về sơ cấp cứu người bị nạn, nhưng thao tác thực hành phần lớn làm sai. Vì vậy, khi tập huấn, chúng tôi nhấn mạnh việc gì nên làm và không nên làm khi cấp cứu trẻ bị nạn. Bởi thực tế có nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra là do không được cấp cứu đúng cách, kịp thời. Chẳng hạn như cấp cứu trẻ ngạt nước thì phải hô hấp nhân tạo ngay lập tức, chứ không phải vác nạn nhân dốc đầu xuống đất theo kiểu dân gian; khi trẻ hóc dị vật phải biết cách xốc bụng để dị vật bật ra; hay cho người tập huấn biết sơ cấp cứu đúng cách là làm những gì, rồi đưa ngay vào cơ sở y tế gần nhất chứ không phải lo đưa người bệnh đi hàng giờ lên bệnh viện tuyến trên.

* Vậy thời gian tới, chương trình có mở rộng, đa dạng đối tượng truyền thông, phổ cập cấp cứu ngoại viện không?

- Chúng tôi đang tập trung tập huấn cho giáo viên, phụ huynh các trường mầm non, tiểu học. Sắp tới sẽ mở rộng kỹ năng này cho học sinh THCS và THPT với hy vọng càng nhiều em có được kỹ năng cấp cứu đúng cách càng tốt. Chẳng hạn như khi các em đi chơi một nhóm, chẳng may một bạn bị nạn thì các em khác có thể sơ cấp cứu trong khi nhân viên y tế không có mặt, còn cơ sở y tế thì ở xa.

* Xin cảm ơn ông!

Phương Liễu (thực hiện)

Tin xem nhiều