Báo Đồng Nai điện tử
En

Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự

Đoàn Phú
08:35, 28/08/2023

Tranh chấp dân sự là những tranh chấp về quyền, nghĩa vụ giữa các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự như: tranh chấp hợp đồng, quyền tài sản (động sản, đất đai), hôn nhân và gia đình…

Các luật sư, luật gia Hội Luật gia tỉnh (phải) tư vấn cho người dân (xã Cây Gáo, H.Trảng Bom) về quyền khởi kiện tại buổi tuyên truyền kết hợp với tư vấn pháp luật tại xã Cây Gáo. Ảnh: Đ.Phú
Các luật sư, luật gia Hội Luật gia tỉnh (phải) tư vấn cho người dân (xã Cây Gáo, H.Trảng Bom) về quyền khởi kiện tại buổi tuyên truyền kết hợp với tư vấn pháp luật tại xã Cây Gáo. Ảnh: Đ.Phú

Luật sư Nguyễn Xuân Thanh (Hội Luật gia tỉnh) cho hay, để khởi kiện vụ án tranh chấp dân sự, người khởi kiện phải đảm bảo các điều kiện khởi kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

* Có được “thích” kiện là kiện?

Bà L.S.V. (ngụ xã Cây Gáo, H.Trảng Bom) được em chồng là ông C.V.Q., ngụ cùng địa chỉ ủy quyền (có chứng thực của văn phòng công chứng) đi kiện ông L.V.B., hàng xóm của ông Q. về việc xây tường rào lấn sang đất nhà ông Q. Nguồn gốc thửa đất này là của cha mẹ ông Q. để lại cho anh em ông. Tuy nhiên vào năm 2015, anh em ông Q. đã thống nhất phân chia tài sản và thửa đất này đã được tách thửa và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) riêng cho từng người. Do đó, bà V. thắc mắc liệu bà có được ký và nộp đơn khởi kiện thay ông Q.?

Hay như trường hợp của ông D.R. (ngụ xã Long Tân, H.Nhơn Trạch) cho biết, cha mẹ của ông có 2 người con gồm: ông và người em trai tên D.V.M. (định cư ở nước ngoài từ năm 1976). Năm 1978, cha mẹ ông qua đời có để lại căn nhà và đất ở P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) với diện tích 400m2 (không có di chúc) nên hiện tại vợ chồng ông đang quản lý và sử dụng. Nay người em trai từ nước ngoài về tranh chấp đất và nhà trên đối với vợ chồng ông.

Ông R. thắc mắc, người em trai không đòi chia thừa kế (vì theo pháp luật hiện hành thì yêu cầu chia thừa kế không còn thời hiệu) mà đòi khởi kiện tranh chấp về QSDĐ giữa 2 anh em. Việc khởi kiện như vậy có đúng hay không?

* Điều kiện khởi kiện dân sự

Với các trường hợp trên, theo luật sư Nguyễn Xuân Thanh (Hội Luật gia tỉnh) thì bà V. muốn thay mặt ông Q. khởi kiện ông B. thì các bên khởi kiện (tức nguyên đơn) phải đáp ứng các điều kiện sau: phải là người có quyền khởi kiện (Điều 69 và Điều 186, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015); còn trong thời hiệu khởi kiện (Điều 154 và 155 Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015); vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án (các điều: 26, 28, 30, 32 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015); sự việc chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định của tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật (Khoản 1, Điều 192, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).

“Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tuy vậy, tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ” - luật sư NGUYỄN VĂN NAM (Đoàn Luật sư tỉnh) hướng dẫn.

Luật sư Nguyễn Xuân Thanh giải thích, bà V. không có quyền khởi kiện ông B. vì bà không có liên quan gì tới việc tranh chấp đất đai giữa ông Q. và ông B.; cũng không được pháp luật trao quyền này, cho dù ông Q. có làm giấy tờ ủy quyền hợp pháp cho bà thay mặt ông tham gia vụ kiện với vai trò là người đại diện theo ủy quyền. Ngoài ra, theo Điểm a, Khoản 2, Điều 189, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, pháp luật quy định cá nhân phải tự mình ký vào đơn khởi kiện mà không được nhờ người khác ký thay. Do vậy, tuy người khởi kiện có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện nhưng phải tự mình ký vào đơn khởi kiện đó.

Riêng trường hợp ông R., nếu ông M. khởi kiện ông R.về tranh chấp QSDĐ thì chỉ thực hiện được khi ông R. thừa nhận với ông M. đó là tài sản chung của cha mẹ chết để lại mà các bên chưa chia. Ngược lại nếu ông R. không thừa nhận đó là tài sản chung chưa chia và yêu cầu tòa án áp dụng thời hiệu trong phân chia di sản thừa kế thì ông M. không có cơ sở đòi chia đất và nhà trên với ông R.

“Việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp giữa ông R. với ông M. là chia thừa kế hay là tranh chấp QSDĐ có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi tranh chấp về thừa kế đối với đất đai, nhà ở là 30 năm, còn tranh chấp về QSDĐ là không tính thời hiệu” - luật sư  Nguyễn Xuân Thanh lưu ý.

Luật sư Nguyễn Văn Nam (Đoàn Luật sư tỉnh) lưu ý, theo Điều 187, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì các nhóm chủ thể sau mới có quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước như: cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em. Hội LHPN Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình. Tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Đoàn Phú

Tin xem nhiều