Báo Đồng Nai điện tử
En

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: Nhiều góp ý sửa đổi, bổ sung các quy định

Đoàn Phú
08:29, 23/08/2023

Bộ luật Tố tụng hình sự (viết tắt BLTTHS) năm 2015 qua 7 năm có hiệu lực thi hành bên cạnh những mặt ưu việt vẫn tồn tại những hạn chế, vướng mắc cần điều chỉnh cho phù hợp, trong đó có một số bất cập ảnh hưởng đến hoạt động của luật sư.

Luật sư Nguyễn Thị Ngà (Đoàn Luật sư tỉnh) đóng góp ý kiến tại hội nghị lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 do Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức ngày 12-8. Ảnh: Đ.Phú
Luật sư Nguyễn Thị Ngà (Đoàn Luật sư tỉnh) đóng góp ý kiến tại hội nghị lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 do Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức ngày 12-8. Ảnh: Đ.Phú

Tại hội nghị lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung BLTTHS do Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức ngày 12-8, các chuyên gia pháp lý và giới luật sư nêu ra nhiều điểm, khoản, điều trong BLTTHS qua thực tiễn áp dụng gặp vướng mắc, khó khăn.

* Vướng mắc khi bảo vệ cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố

Điều 83 BLTTHS quy định, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố là người được người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có thể là: luật sư, bào chữa viên nhân dân, người đại diện, trợ giúp viên pháp lý.

Luật sư Phạm Tiến Dũng (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, do luật sư tham gia với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố nên vai trò của luật sư lúc này không được điều chỉnh bởi Điều 72 và Điều 74 của BLTTHS, tức là không phải tham gia với tư cách người bào chữa, không phải đăng ký bào chữa.

“Đây chính là lỗ hổng cần bổ sung trong luật để thuận lợi cho giới luật sư, lẫn người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố khi họ có nhu cầu nhờ luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp” - luật sư Dũng bày tỏ.

Đồng quan điểm trên, luật sư Huỳnh Hữu Nam (Đoàn Luật sư tỉnh) phân tích, hiện không có quy định nào trong BLTTHS quy định về thủ tục đăng ký hoặc cấp giấy chứng nhận cho luật sư khi tham gia với vai trò người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Chính vì thiếu thủ tục đăng ký hoặc giấy chứng nhận việc luật sư tham gia với vai trò người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố một cách “danh chính, ngôn thuận” nên luật sư gặp nhiều khó khăn trong tiếp nhận, thực hiện quyền của mình theo Khoản 3, Điều 83 BLTTHS với cơ quan, người có thẩm quyền trong giai đoạn “tiền tố tụng”. Chẳng hạn như: đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; có mặt khi lấy lời khai người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; có mặt khi đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố…

Luật sư Nam đề xuất, BLTTHS cần bổ sung thêm quy định về thủ tục đăng ký hoặc cấp giấy chứng nhận cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiến nghị khởi tố là người được người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và người thân thích yêu cầu để thuận lợi hơn trong hoạt động của luật sư.

* Cần tăng quyền cho luật sư bào chữa trong thu thập chứng cứ

“Tại Điều 100 BLTTHS không quy định cụ thể trường hợp có 2 kết luận giám định về cùng một nội dung nhưng khác nhau về kết quả giám định thì xử lý ra sao. Do đó, cần bổ sung nhằm quy định cụ thể nội dung này trong điều luật để áp dụng trong thực tiễn, đảm bảo tính thống nhất” - luật sư HÀ MẠNH TƯỜNG (Chánh Văn phòng Đoàn Luật sư tỉnh) kiến nghị.

Do đặc thù nghề nghiệp, luật sư thực hiện bảo vệ quyền lợi cho người phạm tội nên phải chủ động phát huy năng lực thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ theo cách riêng của mình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng.

Luật sư Nguyễn Trọng Yến, giảng viên Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp) cho hay, chứng cứ được thu thập bằng nhiều nguồn khác nhau, theo trình tự, thủ tục tố tụng. Hoạt động thu thập chứng cứ phải bảo đảm tính khách quan, toàn diện, hợp pháp. Các chứng cứ được thu thập phải có giá trị chứng minh và được lưu giữ, bảo quản trong quá trình tố tụng nhằm đảm bảo việc lưu giữ những thông tin có giá trị chứng minh có hay không có sự việc phạm tội.

Luật sư Yến chia sẻ thêm, thực tiễn hoạt động thu thập chứng cứ của luật sư có thể tạm chia thành 2 phương thức tiếp cận chứng cứ. Thứ nhất, luật sư chủ động tiếp xúc với bị can, bị cáo mà mình bào chữa, người bị hại, người làm chứng và những người khác (kể cả các cơ quan nhà nước) biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án... Thứ hai, luật sư tiếp xúc, thu thập chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, do các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập được. Tuy vậy, khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ chính đáng này, luật sư vẫn bị không ít rào cản làm hạn chế vai trò của mình.

“Chẳng hạn, khi tham gia vào việc lấy lời khai của người bị tạm giữ, bị can, luật sư chỉ được hỏi khi điều tra viên đồng ý. Các hoạt động điều tra khác như: đối chất, nhận dạng, khám xét, thực nghiệm điều tra, khám nghiệm hiện trường, thu thập vật chứng... vai trò của luật sư rất mờ nhạt” - luật sư Yến bày tỏ.

Đồng quan điểm với luật sư Yến, luật sư Vy Thị Nhung (Đoàn Luật sư tỉnh) đề xuất, cần sửa đổi bổ sung Khoản 1, Điều 73 BLTTHS theo hướng: người bào chữa được tham gia tất cả các buổi hỏi cung, lấy lời khai kể từ thời điểm tham gia bào chữa. Những biên bản ghi lời khai kể từ thời điểm tham gia bào chữa nếu không có sự tham gia của người bào chữa thì không có giá trị chứng cứ. 

Đoàn Phú

Tin xem nhiều