Thời gian qua, trên nhiều tuyến đường thường xuất hiện nhóm xe mô tô phân khối lớn, xe ô tô lưu thông với tốc độ cao. Mỗi khi những chiếc xe này chạy là gây ầm ĩ đường phố vì tiếng pô xe gầm rú.
Thời gian qua, trên nhiều tuyến đường thường xuất hiện nhóm xe mô tô phân khối lớn, xe ô tô lưu thông với tốc độ cao. Mỗi khi những chiếc xe này chạy là gây ầm ĩ đường phố vì tiếng pô xe gầm rú.
Chiếc pô xe ô tô được “độ” lại nhằm tăng âm thanh lớn. Ảnh: C.T.V |
Thực tế, có không ít vụ việc vì tiếng nẹt pô lớn khiến người đi đường giật mình dẫn đến tai nạn. Do đó, rất cần các ngành chức năng vào cuộc xử lý nghiêm hành vi này.
* Giật mình vì tiếng pô xe
Những năm trở lại đây, khi lưu thông trên các tuyến đường, không khó để bắt gặp những chiếc xe mô tô có bề ngoài đồ sộ phát ra tiếng ồn lớn từ pô xe gây đinh tai, nhức óc. Điều đáng nói là tiếng nổ từ pô xe làm không ít người đi đường giật mình khiến tay lái loạng choạng không đảm bảo an toàn khi lưu thông.
Đặc biệt, vào các dịp cuối tuần, tình trạng những nhóm thanh niên sử dụng xe mô tô phân khối lớn chạy thành đoàn trên các tuyến đường vừa nẹt pô vừa rú còi inh ỏi khiến nhiều người bức xúc. Thậm chí trong khu dân cư, vẫn thường có các xe mô tô phân khối lớn đi vào, nẹt pô ầm ĩ ảnh hưởng đến giờ giấc nghỉ ngơi của người dân.
Việc “độ” pô xe mô tô sẽ vi phạm Luật Giao thông đường bộ năm 2008 khi tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, tại Điểm c, Khoản 5, Điều 30 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 800 ngàn đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6-4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe. |
Ông Lưu Văn Dân (ngụ xã Quang Trung, H.Thống Nhất) cho biết, trong đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, có đoàn xe mô tô phân khối lớn chạy ầm ầm qua nhà tạo những âm thanh kinh khủng. Bức xúc nhất là những tay lái điều khiển xe chạy rất nhanh, đánh võng nên rất nguy hiểm cho người đi đường.
“Có hôm tôi chở đứa cháu đi bằng xe 2 bánh, nghe tiếng pô xe từ xa là tôi hoảng hồn tấp xe vào lề để nhường đường cho họ chạy. Nhìn cả đoàn xe ầm ầm chuyển bánh mà tôi lạnh cả gáy, vì họ chạy quá nhanh, nếu đụng vào phương tiện khác thì sẽ gây ra hậu quả lớn” - ông Dân kể.
Ghi nhận từ thực tế, không chỉ những xe mô tô phân khối lớn mới gắn những chiếc pô “khủng” để thị uy người đi đường mà một số người điều khiển các loại ô tô thể thao (hoặc siêu xe) cũng thường dùng pô “độ” nhằm tạo ra tiếng kêu lớn. Việc loại xe này phát ra âm thanh to hơn mức bình thường mà nhà sản xuất chế tạo khiến nhiều người ức chế, khó chịu. Mâu thuẫn xảy ra nhẹ thì dẫn đến va chạm giao thông, nghiêm trọng hơn thì có thể gây thương tích cho nhau.
Rạng sáng 9-5, 2 anh T. và L. đi xe hơi hiệu BMW mua đồ ăn tại một quán ăn ở gần khu vực thuộc Q.Bình Thạnh (TP.HCM). Khi cả 2 lái đến quán ăn thì xảy ra mâu thuẫn với một nhóm người đang ngồi nhậu tại quán với lý do là pô xe nổ kêu to.
Sau khi mua đồ ăn xong, 2 anh T. và L. lái xe đi về thì có một nhóm (khoảng 4-5 người) dùng đá ném xe hơi. Khi cả 2 xuống xe thì bị nhóm người này xịt hơi cay, lấy dao rượt chém xối xả khiến 2 người bị thương nhiều chỗ trên người, phải đưa đi bệnh viện cấp cứu, điều trị.
Cần xử lý nghiêm minh
Có thể nói, ống pô và vị trí lắp đặt do nhà sản xuất thiết kế sẵn phù hợp với từng loại xe. Dù vậy, không ít chiếc xe mô tô, ô tô được người sử dụng “độ” lại để tăng âm thanh theo sở thích. Chủ nhân của những chiếc xe có tiếng kêu “khủng” này lý giải, đây vừa là đam mê vừa “nâng cấp”, lên đời cho phương tiện nhằm thể hiện cá tính và “đẳng cấp” của bản thân.
Tại các nhóm, hội chơi xe trên Facebook, nhiều người thường xuyên chia sẻ cách để “độ” những chiếc pô vào xe cũng như gắn các thiết bị tăng, giảm âm thanh nhằm tránh bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt. Giá của những thiết bị này từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng tùy thuộc vào chất lượng mặt hàng.
Để tránh xảy ra những phiền toái và sự cố đáng tiếc từ tiếng pô xe có tiếng kêu “khủng” gây ra, chủ sở hữu các xe này phải hạn chế nẹt pô xe khi ra đường, vào các khu dân cư để không gây ức chế cho mọi người xung quanh, đảm bảo an toàn giao thông. Bên cạnh đó, với hành vi này, cơ quan chức năng cần xử phạt nặng những ai cố tình vi phạm, gây nguy hiểm cho người đi đường. Lực lượng cảnh sát giao thông khi phát hiện trường hợp lạm dụng tiếng pô xe “độ” để tạo ra âm thanh lớn cần xử lý nghiêm.
Đại diện Đội Cảnh sát giao thông số 2 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh) cho biết, để xử lý tình trạng này lực lượng chức năng gặp khó khăn bởi khi đi qua chỗ có công an, họ chạy rất nghiêm túc. Nếu phát hiện phương tiện gắn pô xe không đúng với thiết kế của nhà sản xuất mới xử lý. Trong khi đó, mức phạt của pháp luật hiện nay còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Bên cạnh thường xuyên làm công tác tuần tra, kiểm soát trên đường, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với nhau để tăng cường kiểm tra, xử lý những cơ sở, tiệm sửa chữa xe máy mua bán những thiết bị dùng để “độ” pô xe. Trong đó, cần xử lý theo hướng phạt nặng về mặt hành chính để cả người muốn “độ” pô lẫn chủ tiệm xe không dám vi phạm.
Thanh Hải