Báo Đồng Nai điện tử
En

Đi bộ cũng phải đúng luật

08:01, 18/01/2021

Lâu nay, tình trạng người đi bộ không đi đúng phần đường diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Những sai phạm thường thấy của người đi bộ như: bất ngờ sang đường, đi không đúng làn đường có kẻ sọc trắng dành cho người đi bộ, thiếu quan sát khi tham gia giao thông…

Lâu nay, tình trạng người đi bộ không đi đúng phần đường diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Những sai phạm thường thấy của người đi bộ như: bất ngờ sang đường, đi không đúng làn đường có kẻ sọc trắng dành cho người đi bộ, thiếu quan sát khi tham gia giao thông… Điều này đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do người đi bộ không chấp hành luật.

Từ năm 2018, tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được mở rộng phạm vi điều chỉnh. Trong đó, áp dụng cho cả người đi bộ sai luật, nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự (mức phạt cao nhất là 15 năm tù). Nội dung này quy định tại Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015 và nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội.

Đồng tình với quy định trên, nhiều người cho rằng, việc xử phạt hình sự người đi bộ sai luật là hoàn toàn hợp lý, bởi tất cả đối tượng tham gia giao thông đường bộ phải bình đẳng trước pháp luật, nếu ai gây ra hậu quả nghiêm trọng đều bị xử lý như nhau. Hơn hết, việc quy định xử phạt đến tội hình sự còn buộc người đi bộ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông. Từ đó có thể hạn chế các vụ tai nạn đáng tiếc mà nguyên nhân chính xuất phát từ đối tượng này.

Song đến nay, tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến, nhiều người chưa ý thức được vi phạm của mình. Việc các cơ quan chức năng thiếu quyết liệt trong giám sát, xử lý cũng phần nào khiến người đi bộ chưa có ý thức chấp hành. Không ít người điều khiển phương tiện khác thậm chí không nhường đường cho người đi bộ tại các vạch kẻ dành cho khách bộ hành.

Ngoài xuất phát từ nhận thức pháp luật giao thông của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông chưa cao còn có nguyên nhân cơ sở hạ tầng giao thông tại nhiều tuyến đường bất cập và không đảm bảo cho người đi bộ đi đúng phần đường. Nhất là những tuyến đường có vỉa hè nhỏ hẹp, lại bị chiếm dụng để mua bán, đậu xe hoặc một số cầu không có lề dành cho người đi bộ.

Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan chức năng cần tăng cường xử phạt để tạo “lề thông hè thoáng”, trả lại vỉa hè cho người đi bộ; thường xuyên kiểm tra hệ thống biển báo giao thông, vạch kẻ đường, cầu vượt dành cho người đi bộ…, nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người khi tham gia giao thông. Quan trọng hơn, ngoài việc nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân, các cơ quan chức năng cần có các giải pháp đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông sao cho đồng bộ và hoàn thiện nhất.

Hải Dương

Tin xem nhiều