Kể từ ngày 1-7-2021, theo quy định mới bắt buộc xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả lái xe) trở lên và xe đầu kéo đều phải lắp camera trên xe.
Kể từ ngày 1-7-2021, theo quy định mới bắt buộc xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả lái xe) trở lên và xe đầu kéo đều phải lắp camera trên xe.
Xe buýt tuyến số 1 (từ Bến xe ngã tư Vũng Tàu đi Trường đại học Công nghệ Đồng Nai, TP.Biên Hòa) đã lắp đặt hệ thống camera giám sát hiện đại. Ảnh: T.Hải |
Việc bắt buộc lắp camera cho xe khách và xe container là đúng với xu thế ứng dụng công nghệ trong quản lý hoạt động vận tải và nâng cao sự an toàn đối với hành khách.
* Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và đơn vị giám sát
Theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP (gọi là Nghị định 10) ngày 17-1-2020 của Chính phủ thay thế Nghị định 86/2014 quy định điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô quy định, ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.
Thời gian lưu trữ hình ảnh tại camera lắp trên xe tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500km và tối thiểu 72 giờ đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500km. Việc bổ sung nội dung này nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho hành khách, đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý nhà nước.
Ông Lại Xuân Hà, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hà Vân (TP.Biên Hòa) cho biết, là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và vận tải nên quy định trên phù hợp với thực tế. Camera giúp công ty quản lý nhân viên, phương tiện từ xa. Đối với những trường hợp xảy ra tranh chấp giữa hành khách với nhà xe được giải quyết thuận lợi nhờ dữ liệu được ghi lại đầy đủ.
Tương tự, ông Phạm Hoàng Minh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hoàng Hà
(TP.Biên Hòa) cho hay, đơn vị hiện có hơn 100 xe buýt, xe khách tuyến cố định và xe hợp đồng. Đến thời điểm này, phương tiện phải lắp camera theo quy định đã được thực hiện với số lượng cơ bản. Riêng tuyến xe buýt số 2 (từ Bến xe Biên Hòa đi H.Nhơn Trạch) đã hoàn chỉnh việc lắp camera từ lâu.
Anh V.T., nhân viên giám sát xe buýt tuyến số 2 chia sẻ, việc lắp camera trên xe mang lại nhiều tiện ích cho công tác kiểm tra, giám sát việc mua bán vé, kiểm soát lượng khách lên xuống xe cũng như đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên xe.
“Đơn cử như trường hợp xảy ra việc hành khách mua vé nhưng bị mất. Ngay sau đó, bộ phận giám sát sẽ trích xuất camera để kiểm tra. Hình ảnh, âm thanh đã được ghi lại bằng hình ảnh, giọng nói giữa nhân viên bán vé và khách. Lúc đưa ra hình ảnh thì cả hai bên đều đồng ý nên việc giải quyết nhanh gọn và đúng theo quy định” - anh T. nói.
* Còn nhiều băn khoăn
Thực hiện theo quy định mới của Nghị định 10, cả nước sẽ có khoảng 170 ngàn phương tiện (bao gồm 100 ngàn xe khách, 70 ngàn xe container và đầu kéo) phải lắp camera trên xe. Mặc dù thời gian để hoàn thành việc lắp đặt camera theo quy định không còn dài, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn còn nhiều điểm bất cập khiến doanh nghiệp, chủ xe chưa thể thực hiện đúng lộ trình.
Điểm đáng chú ý của Nghị định 10 là quy định, khi doanh nghiệp thực hiện lắp đặt camera trên phương tiện vận tải thì các dữ liệu này lưu trữ và cung cấp cho cơ quan công an, cơ quan thanh tra có thẩm quyền nếu được yêu cầu. |
Ông Bùi Ngọc Quang, Giám đốc Công ty TNHH Quang Phát (TP.Biên Hòa) cho rằng, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách tại Đồng Nai đều băn khoăn về quy chuẩn, vấn đề kinh phí lắp đặt camera, nhất là khi doanh nghiệp đang còn gặp khó khăn sau dịch bệnh Covid-19. Doanh thu của công ty ông đến nay chỉ đạt dưới 50% so với các năm trước. Với khoảng 60 đầu xe đang chạy, kinh phí để lắp đặt camera lên đến vài trăm triệu đồng, thực sự là gánh nặng đối với doanh nghiệp lúc này.
Được biết, hiện nay trên thị trường, một bộ thiết bị giám sát hành trình có chức năng ghi nhận và truyền dữ liệu hình ảnh có giá khoảng 4,5-5,5 triệu đồng, chi phí duy trì máy chủ và đường truyền dữ liệu khoảng 120 ngàn đồng/xe/tháng. Như vậy, chi phí lắp đặt camera đối với các phương tiện kinh doanh vận tải là không nhỏ.
“Dù quy định đã được đưa ra nhưng trong bối cảnh doanh thu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng thì Chính phủ, Bộ GT-VT nên cân nhắc, có thể lùi lại thêm một thời gian nữa. Bởi vì dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa biết khi nào mới được kiểm soát, các doanh nghiệp vận tải cần nhiều thời gian, điều kiện để đi vào hoạt động trở lại tốt hơn” - ông Quang nói.
Theo một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải, quy định vẫn còn có bất cập về quy chuẩn loại camera phải lắp đặt. Nhiều doanh nghiệp trước đây đã lắp camera nhưng theo quy định mới lại không phù hợp với quy chuẩn của Bộ GT-VT đưa ra. Vì vậy, để việc thực hiện đạt hiệu quả, bên cạnh việc ban hành quy chuẩn thiết bị, Bộ GT-VT cần có hướng dẫn, phương án hỗ trợ để các doanh nghiệp sớm thực hiện.
Ông Lê Văn Đức, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện Sở GT-VT phân tích, lắp đặt camera trên phương tiện vận tải đã được đưa ra từ trước và có lộ trình để thực hiện. Hiệu quả của việc này không chỉ hỗ trợ các cơ quan chức năng có nguồn dữ liệu để giải quyết các vấn đề đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự mà còn giúp các doanh nghiệp vận tải quản lý, giám sát về phương tiện, con người trong quá trình hoạt động.
Theo ông Đức, việc bắt buộc lắp camera cho xe khách và xe container là đúng với xu thế ứng dụng công nghệ trong quản lý hoạt động vận tải và nâng cao sự an toàn đối với hành khách. Mới đây, Sở GT-VT đã có văn bản yêu cầu các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh và các đơn vị kinh doanh vận tải đẩy mạnh việc lắp đặt camera trên phương tiện kinh doanh vận tải theo đúng quy định.
Thanh Hải