Trong năm 2016, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đề ra mục tiêu giảm tai nạn giao thông (TNGT) từ 5-10% trên cả 3 tiêu chí về: số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT, giảm 20% số vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Trong năm 2016, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đề ra mục tiêu giảm tai nạn giao thông (TNGT) từ 5-10% trên cả 3 tiêu chí về: số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT, giảm 20% số vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Theo đó, tất cả các địa phương phải tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông, cũng như đẩy mạnh hoạt động điều tra, xử lý vi phạm nhằm thực hiện tốt mục tiêu đề ra.
Kẹt xe nghiêm trọng xảy ra trên đường Bùi Văn Hòa (TP.Biên Hòa). |
Trong năm 2015, Đồng Nai đã kéo giảm gần 8% số vụ tai nạn, gần 16% người chết và gần 8% người bị thương do TNGT, nhưng vẫn còn các địa phương có số vụ TNGT tăng, như: huyện Định Quán, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa.
* Nâng cấp đường sá phải đi cùng chất lượng
Đồng Nai hiện có hơn 1,8 triệu phương tiện cơ giới đường bộ (đứng thứ 3 cả nước), trong đó lượng xe máy chiếm hơn 90%. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại, phương tiện đăng ký mới của người dân tăng khá nhanh (trung bình 7,7%/năm). Xe máy vẫn là phương tiện di chuyển chính nên nhiều tuyến giao thông quan trọng qua địa bàn tỉnh, như: quốc lộ 1, quốc lộ 51 và một số đường tỉnh luôn trong tình trạng mật độ lưu thông đông đúc, phức tạp. Vì vậy, áp lực giao thông vô cùng lớn, trong khi cơ sở hạ tầng, đường sá tuy có đầu tư, sửa chữa và nâng cấp, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu.
Trong năm 2015, tai nạn đường bộ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ, làm chết 9 người, bị thương 2 người (xảy ra tại TP.Biên Hòa và huyện Trảng Bom); TNGT rất nghiêm trọng 22 vụ, làm chết 35 người và 36 người bị thương. Đây là những con số đau lòng và thương tâm khi nhiều người trong một gia đình mãi mãi không thể trở về nhà vì TNGT.
Dư luận xã hội không chỉ lên án người gây ra tai nạn, mà còn bức xúc đối với các cơ quan chức năng chưa làm tốt trách nhiệm đảm bảo an toàn công trình giao thông sau khi đưa vào sử dụng. Trong đó, phổ biến nhất là tình trạng kỹ thuật mặt đường thiếu an toàn, như: để các ao nước đọng, thiếu biển báo, không sơn vạch kẻ đường… Ngoài ra, quá trình thi công, nhiều chủ đầu tư, nhà thầu còn coi thường việc đảm bảo ATGT cho người và phương tiện khi lưu thông qua đây.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng Đồng Nai là một trong những địa phương đầu tư tốt cho hạ tầng giao thông. Các tuyến quốc lộ quan trọng đi qua địa bàn tỉnh thời gian qua tiếp tục được đầu tư, sửa chữa và nâng cấp. Hệ thống đường giao thông nông thôn được đầu tư bài bản, cơ bản bê tông hóa trên 85%, nhưng TNGT vẫn còn cao là điều không thể chấp nhận được. “Mật độ giao thông cao, tổ chức lưu thông chưa khoa học dẫn đến khó khăn đối với việc tuyên truyền, tác động đến tinh thần, ý thức tự giác tuân thủ pháp luật giao thông của người dân. Vì vậy, đầu tư cơ sở hạ tầng phải đi cùng chất lượng, kịp thời bổ sung hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông trên tất cả các tuyến đường” - đồng chí Vĩnh nhấn mạnh.
* Xóa các “điểm đen” tai nạn giao thông
Thời gian qua, công tác tổ chức quản lý, bảo vệ công trình, hành lang ATGT, ngăn chặn việc mở đường nhánh trái phép, xử lý kịp thời các “điểm đen” về TNGT được chú trọng giải quyết. Tỉnh đã chi gần 100 tỷ đồng để xử lý 91 “điểm đen” thường xảy ra tai nạn và những vị trí tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Tổ chức kiểm tra chất lượng của 152 công trình giao thông, lắp đặt thêm 24 hệ thống đèn tín hiệu và sơn vạch kẻ đường trên 7 tuyến đường tỉnh với mục đích tạo thuận lợi cho việc lưu thông của người đi đường.
Trong khi các địa phương khác đạt những kết quả khả quan trong việc kéo giảm TNGT thì TP.Biên Hòa vẫn để xảy ra 137 vụ tai nạn, tăng 6 vụ so với năm 2014, khiến 102 người chết và 90 người bị thương. TNGT khu vực thành phố thường chiếm khoảng 50% số vụ tai nạn toàn tỉnh, năm 2015 lại xuất hiện thêm 6 “điểm đen” mới về TNGT. Đó là các “điểm đen” trên quốc lộ 1, đoạn trước cổng Bệnh viện đa khoa Thống Nhất; đoạn từ ngã tư Vũng Tàu đến cầu Đồng Nai; trên đường Võ Nguyên Giáp, đoạn qua xã Phước Tân; đường Bùi Văn Hòa, đường Đồng Khởi đoạn gần vòng xoay Tân Phong…
Ùn tắc giao thông tại TP.Biên Hòa xảy ra ngày càng nhiều. Bên cạnh nguyên nhân do tổ chức, phân luồng giao thông tại một số điểm chưa hợp lý, thì hệ thống thoát nước ở một số tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. |
Theo ông Phan Chí Cường, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, công tác đảm bảo trật tự ATGT luôn được địa phương thực hiện quyết liệt. TP.Biên Hòa đã đưa vào hoạt động hệ thống camera giám sát trên các trục đường chính nhằm nâng cao năng lực giám sát, điều khiển giao thông. Tuy nhiên, TNGT vẫn ở mức cao là do ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân chưa tốt, tình trạng xe tải ben vi phạm ở khu vực mỏ đá Tân Cang (xã Phước Tân) gây nhức nhối, bức xúc trong dư luận, lượng xe lưu thông trên quốc lộ 1 qua địa bàn thành phố vẫn còn cao… “Năm qua, TP.Biên Hòa nổi lên tình trạng kẹt xe, ùn tắc trên các tuyến giao thông trong nội thành và các nút giao tại ngã tư Amata, cầu vượt ngã tư Vũng Tàu… Sau khi thành phố xóa được 4 “điểm đen” về kẹt xe thì lại “mọc” thêm 4 “điểm đen” khác. Lưu thông lộn xộn vào giờ cao điểm, phương tiện tập trung đông đúc là nguy cơ dẫn đến việc TNGT liên tục xảy ra trong thời gian qua” - ông Cường nói.
Để tiếp tục kéo giảm TNGT trong năm 2016, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh chỉ đạo phải kiểm tra lại kết cấu hạ tầng giao thông ở các địa phương và có biện pháp khắc phục kịp thời các “điểm đen” gây tai nạn. Công tác bảo đảm trật tự lòng lề đường, trật tự đô thị phải được tăng cường xử lý quyết liệt hơn nữa. Các đơn vị làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT phải tăng cường công tác điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT.
Thanh Hải