Tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh trong năm 2015 đã được kéo giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.
Tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh trong năm 2015 đã được kéo giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Trong đó, địa bàn nông thôn với mật độ tham gia giao thông thưa thớt, không có các tuyến quốc lộ đi qua, nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao với 67,7% số vụ TNGT, gần 300 vụ, khiến 224 người chết.
Đường nông thôn được nâng cấp nhưng vẫn xảy ra tai nạn, nguyên nhân một phần vì người đi đường không nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ khi tham gia lưu thông trên đường.
* Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng
Khoảng 11 giờ 50 ngày 7-11, trên tuyến đường Tôn Đức Thắng (đoạn qua ấp 3, xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch) đã xảy ra một vụ va chạm giữa xe tải và xe máy, khiến 2 người chết tại chỗ.
Trong khi 2 xe tải di chuyển ngang nhau, nhiều người chạy xe máy vẫn bất chấp nguy hiểm vượt lên. |
Trước đó, anh Trần Văn Sơn (30 tuổi, quê tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) điều khiển xe máy chở anh Vũ Đình Bôn (quê tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đi trên đường Tôn Đức Thắng, hướng về trung tâm huyện Nhơn Trạch. Khi đến đoạn thuộc ấp 3, xã Phú Thạnh, bất ngờ xe máy của anh Sơn bị xe tải do Nguyễn Tuấn Khải (22 tuổi, ngụ xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch) điều khiển đi cùng chiều phía sau tông vào. Cú tông mạnh khiến xe máy ngã xuống đường, 2 anh Sơn và Bôn bị xe tải cán chết. Nguyên nhân tai nạn được xác định do tài xế xe tải vượt lên đã va vào xe máy đi phía trước.
Cũng tại tuyến đường này, khoảng 22 giờ 30 ngày 27-10, anh Trương Tiến Cường (24 tuổi, ngụ xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch) đi xe máy đến đoạn thuộc ấp Đất Mới, xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) thì tông vào xe máy do Võ Văn Sơn (23 tuổi, quê tỉnh Quảng Ngãi) điều khiển đi theo chiều ngược lại. Sau cú tông mạnh, cả 2 xe ngã xuống đường, anh Cường chết tại chỗ, anh Sơn bị thương rất nặng, còn 2 chiếc xe máy bị hư hỏng hoàn toàn.
Tại huyện Vĩnh Cửu, dù không có quốc lộ đi qua nhưng địa bàn huyện có rất nhiều tuyến đường liên xã phức tạp về tình hình an toàn giao thông. Từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu đã xảy ra nhiều vụ TNGT. Trong đó, đường Đồng Khởi đoạn qua xã Thạnh Phú luôn trong tình trạng mật độ lưu thông đông đúc. Tại đây có nhiều công ty hoạt động kinh doanh - sản xuất nên mật độ dân cư cũng tăng lên nhanh chóng, lượng xe cộ lưu thông qua đây rất nhiều.
Mặt đường hẹp, lượng xe tải và container di chuyển liên tục nên nền đường ở khu vực này đã xuống cấp. Vào các buổi chiều tối, khi công nhân tan ca tình hình giao thông khá lộn xộn, lượng xe máy đông nên rất dễ xảy ra va chạm giao thông.
Khoảng 18 giờ 30 ngày 7-4, tại nút giao giữa đường Đồng Khởi với đường tỉnh 768 (đoạn qua ấp 1, xã Thạnh Phú) đã xảy ra vụ đối đầu giữa 2 xe máy với nhau. Theo đó, xe máy do ông Dương Quang (ngụ xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) điều khiển lưu thông hướng Thạnh Phú đi TP.Biên Hòa đã va chạm vào xe máy do Hồ Hoàng Sơn (quê tỉnh Sóc Trăng) điều khiển, chở anh Phạm Quốc Tính lưu thông hướng theo ngược lại. Do chạy với tốc độ cao và không chú ý quan sát, cả 2 xe đã đâm mạnh vào nhau khiến ông Quang chết tại chỗ, còn anh Sơn lâm vào tình trạng nguy kịch.
* Thiếu ý thức khi tham gia giao thông
Hiện nay, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư tốt nên đường đẹp và rộng rãi, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Không ít người chạy xe máy thấy đường trải bê tông phẳng lì nên cố ý phóng nhanh vượt ẩu, dẫn đến tai họa. Nhiều vụ TNGT thương tâm làm chết một lúc 2-3 người đã xảy ra, nguyên nhân chủ yếu do 2 xe đụng trực diện nhau vì người điều khiển chạy quá tốc độ quy định.
Khảo sát của phóng viên tại các tuyến đường nông thôn thường xảy ra TNGT cho thấy, các con đường này thường nhỏ hẹp lại quanh co, thiếu biển cảnh báo giao thông nên rất nguy hiểm nếu người điều khiển phương tiện không làm chủ tốc độ, lơ là tay lái. Ở những khu vực này có nhiều khu công nghiệp với lượng công nhân hàng chục ngàn người hàng ngày đi lại, làm cho tình hình giao thông thêm phức tạp. Các ngày cuối tuần, không ít thanh niên, công nhân phóng xe ra đường trong tình trạng say xỉn, chở 3-4 người, chạy lạng lách làm mất an toàn giao thông.
Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong năm 2015 toàn tỉnh đã xảy ra 445 vụ TNGT, làm chết 343 người, bị thương 311 người. Trong đó, TNGT xảy ra ở địa bàn nông thôn chiếm tỷ lệ cao, với gần 300 vụ (chiếm 67,7%), khiến 224 người chết và 212 người bị thương. Thời gian xảy ra tai nạn nhiều từ 12-18 giờ, chiếm 31,7% và 18-22 giờ, chiếm 41,6%. Nguyên nhân gây TNGT được xác định chủ yếu do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông, như: thiếu quan sát, chuyển hướng không báo tín hiệu, vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn… |
Ngoài ra, tại các tuyến đường dẫn vào các mỏ khai thác vật liệu xây dựng, nguy cơ TNGT rất cao khi xe máy phải len lỏi giữa những chiếc xe tải ben hạng nặng. Không ít vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra giữa xe chở đất đá với xe máy, khiến người dân vô cùng bức xúc. “Đường nâng cấp chưa kịp mừng thì liên tục xảy ra tai nạn. Xe tải ben chở đá phóng bạt mạng, coi thường tính mạng của người đi đường” - ông Đào Văn Trị (ngụ xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) ngán ngẩm nói.
Ông Nguyễn Bôn, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, lý giải: “Đường giao thông được nâng cấp, hoàn chỉnh về hạ tầng lẽ ra sẽ giảm nguy cơ mất an toàn giao thông, nhưng tai nạn thời gian qua vẫn cao. Ngoài nguyên nhân do đường chật hẹp, thiếu các biển cảnh báo, chủ yếu xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia lưu thông chưa cao, chạy xe mà coi thường tính mạng của bản thân và những người khác”.
Để kéo giảm TNGT trên các tuyến đường giao thông nông thôn, nhiều người dân kiến nghị bên cạnh việc lực lượng chức năng tăng cường xử phạt các trường hợp vi phạm do không chấp hành pháp luật giao thông, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật giao thông trong dân, cũng cần khẩn trương thực hiện bổ sung các biển báo, như: hạn chế tốc độ, quy định tốc độ…
Thanh Hải