* Bác sĩ ơi, cho em hỏi bé gái nhà em năm nay 7 tuổi mà thường xuyên bị bón thì phải làm sao ạ? Ngày nào em cũng bắt bé đi tiêu nhưng có ngày đi được có ngày không. Có khi 2-3 hôm mới đi một lần ạ. Cháu bị bón từ bé tới giờ mặc dù em có cho bé ăn rau, trái cây, sữa chua... Bác sĩ tư vấn giúp em với ạ. Em cảm ơn bác!
(Chị Hồ Thị Hải, ngụ H.Long Thành)
Trả lời:
Chào chị!
Táo bón là tình trạng trẻ đi tiêu không thường xuyên (ít hơn 3 lần/tuần) hoặc đi tiêu khó khăn, đau đớn, khó chịu gây căng thẳng cho chính bản thân trẻ và gia đình.
- Táo bón sẽ được xác định nếu có ít nhất 2 trong số các tiêu chí sau:
+ Có <3 lần/tuần đi tiêu hoặc số lần đi tiêu không thường xuyên so với bình thường;
+ Phân to, cứng hoặc phân rất to, có thể làm nghẹt toilet;
+ Trẻ khó chịu và căng thẳng mỗi khi đi tiêu;
+ Phân cứng cộng với gắng sức rặn làm chảy máu hậu môn;
+ Từng bị táo bón trước đây;
+ Tiền sử hoặc đang bị nứt hậu môn, đau và chảy máu do phân cứng.
Nguyên nhân trẻ bị táo bón:
- Nguyên nhân thực thể (chiếm khoảng 5%): do các bệnh lý như cường giáp, phình đại tràng bẩm sinh, đái tháo đường, các bệnh liên quan đến thần kinh như bại não, chậm phát triển…
- Nguyên nhân chức năng (chiếm khoảng 95%):
+ Thường gặp nhất là tình trạng trẻ nhịn không chịu đi ngoài, nhịn càng lâu thì phân trong ruột càng to, việc đi ngoài gặp khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân của chứng táo bón mãn tính;
+ Trẻ bị thiếu nước hoặc mất nước cũng sẽ bị táo bón;
+ Chế độ ăn thiếu hụt chất xơ từ các loại rau củ quả.
Dấu hiệu táo bón ở trẻ em:
- Đau bụng;
- Biếng ăn, ăn không ngon miệng, không hấp thụ được dưỡng chất dẫn đến chậm phát triển thể chất và trí tuệ;
- Khó chịu, thay đổi hành vi, không vui vẻ, hay cáu gắt;
- Hay sốt ruột, bồn chồn cần phải đi vệ sinh;
- Có thể có biểu hiện ngứa ở hậu môn, khi đi đại tiện thấy máu tươi trong phân;
- Són phân, ị đùn.
Khi nào cần gặp bác sĩ? Táo bón thường chỉ xảy ra trong ngắn hạn, bố mẹ có thể giải quyết bằng cách chăm sóc trẻ đúng cách. Tuy nhiên, nếu táo bón kéo dài và trẻ xuất hiện các triệu chứng dưới đây, bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được can thiệp xử trí kịp thời:
- Táo bón kéo dài;
- Táo bón kết hợp đau bụng, ói, đầy bụng, chướng bụng;
- Táo bón kèm đi phân máu.
Như vậy, trường hợp của cháu 7 tuổi bị táo bón kéo dài như vậy thì chị cần cho bé lên bệnh viện chuyên khoa nhi để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, có thể cần thực hiện một số cận lâm sàng như siêu âm hoặc X-quang để xác định chẩn đoán và có hướng điều trị cụ thể cho bé.
BS-CKII Nguyễn Văn Sửu,
Phó giám đốc Y khoa, Bệnh viện Âu Cơ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin