Tôi vốn là một sĩ quan cấp tá quân đội. Khi chuyển ngành, tôi về tỉnh Đồng Nai làm báo, giai đoạn cuối thời kỳ còn bao cấp - năm 1985, công tác tại Ban Văn hóa - xã hội Báo Đồng Nai do nhà báo Đỗ Minh Dương phụ trách, theo dõi về mảng an ninh - quốc phòng và xây dựng Đảng.
Tôi vốn là một sĩ quan cấp tá quân đội. Khi chuyển ngành, tôi về tỉnh Đồng Nai làm báo, giai đoạn cuối thời kỳ còn bao cấp - năm 1985, công tác tại Ban Văn hóa - xã hội Báo Đồng Nai do nhà báo Đỗ Minh Dương phụ trách, theo dõi về mảng an ninh - quốc phòng và xây dựng Đảng.
Nhà báo Nguyễn Quốc Hoàn nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng tại Chi bộ Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh ngày 23-5-2016. |
Tỉnh Đồng Nai hồi ấy còn chung cả địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu. Địa bàn Đồng Nai khá rộng, dân cư đông và đa dân tộc, đa tôn giáo so với các tỉnh bạn. Đặc thù của tỉnh lúc ấy, không chỉ có đồng bằng, trung du mà còn có cả miền núi. Đặc biệt, tỉnh có bờ biển dài. Dọc bãi biển ấy, có những địa hình phức tạp, hiểm trở nên thuận lợi cho bọn tổ chức vượt biên trái phép trốn ra nước ngoài. Vì vậy, có thể nói tình hình an ninh trật tự hồi bấy giờ rất phức tạp và căng thẳng. Ở những khu vực trọng điểm, nhen nhóm các tổ chức kích động vượt biên, nên nhiệm vụ của bộ đội địa phương, dân quân du kích, mà nòng cốt là lực lượng biên phòng tỉnh hết sức vất vả, căng thẳng và nguy hiểm, có khi còn bị đe dọa cả tính mạng.
Vốn là một người lính đặc công được huấn luyện bài bản trong quân đội, lại trải qua những năm tháng ở chiến trường đánh Mỹ, làm nhiệm vụ quốc tế giúp các nước bạn Lào, Campuchia anh em và tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc tháng 2-1979, nên ít nhiều tôi kinh qua những kinh nghiệm thực tiễn. Tuy nhiên, bước sang hoạt động lĩnh vực báo chí, ít nhiều tôi cũng gặp những bỡ ngỡ, khó khăn. Nhưng tôi lại hăng hái thích vào những nơi nóng bỏng của cuộc sống. Vì vậy, nhiều lần tôi được cơ quan cử đi bám sát bộ đội biên phòng để viết bài phản ảnh về cuộc sống xây dựng, chiến đấu và công tác của họ. Không chỉ phục vụ chuyên mục an ninh - quốc phòng của báo tỉnh nhà, mà cho cả Báo Quân đội nhân dân và chương trình phát thanh Quân đội nhân dân của Đài Tiếng nói Việt Nam. Không những theo dõi và viết về các hoạt động trên đất liền, tôi còn được Ban Chỉ huy bộ đội biên phòng tạo điều kiện để đi cùng các ghe câu mực, đánh bắt hải sản của ngư dân cách bờ từ 10-15 hải lý, có chuyến đi tới 2-3 ngày. Được chứng kiến cuộc sống lao động của những ngư dân về sự bền bỉ, dẻo dai và can trường của họ, tôi càng thêm yêu mến, tự hào với những con người từ bao đời nay gắn bó với ngư trường. Họ không chỉ khai thác tài nguyên quý báu của biển cả, mà còn góp phần bảo vệ bình yên cho cuộc sống.
Tôi còn nhớ có lần chiếc ghe làm nghề câu mực khá bề thế của ông Hai Ngàn (ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc (cách chân núi Minh Đạm và vọng hải đài những 15 hải lý. Khi tài công nhổ neo cho ghe lần lượt đón các bạn chài chuẩn bị quay mũi vào bờ thì nhận được tín hiệu khẩn cấp từ đất liền. Thì ra có một chiếc ghe chở người vượt biên trái phép đang lao nhanh ra hướng biển rộng. Đêm tối, những đụn mây ùn ùn kéo đến báo hiệu sắp có cơn dông. Mặt biển mênh mông, nhận diện chỉ qua ánh đèn lờ mờ, có khi chìm khuất dưới cơn sóng bạc. Bất chấp nguy hiểm (bởi biết rõ trong ghe chở người trái phép ấy thường có cả bọn phản động trà trộn, được trang bị vũ khí sẽ chống lại để tìm cách chạy trốn), bác tài công luống tuổi vẫn khéo léo, gan dạ tăng tốc để kịp chặn đầu mũi ghe kia và buộc nó giảm tốc độ. Thật may, trong khi chúng chưa kịp hành động thì tàu của bộ đội biên phòng đã có mặt áp sát, phát loa kêu gọi và áp giải vào bờ. Sau khi thanh lọc, bao nhiêu tang chứng, vật chứng được phơi bày: nào là súng quân dụng, dao găm, lựu đạn, có cả thuốc nổ… nhằm đối phó khi bị truy đuổi. Tôi thực sự yêu mến, khâm phục những người dân hiền lành, chân chất mà ý chí can trường gắn bó với biển cả nhường ấy, bất chấp hiểm nguy.
Chiến công của bà con ngư dân xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc đã góp phần cùng bộ đội biên phòng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Là một phóng viên của báo đi sát thực tiễn, tôi đã ghi lại những hình ảnh sinh động và đưa lên mặt báo. Chỉ ít ngày sau đó, họ lấy làm phấn chấn bởi việc làm của mình lại được lan tỏa nhanh để toàn xã hội biết tới, tạo động lực thúc đẩy phong trào: Toàn dân góp phần bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng thời họ còn khuyến khích các nhà báo đi sát thực tiễn nhiều hơn nữa để chia sẽ niềm vui, nỗi buồn với cuộc sống của những người lao động.
Tôi ghi lại đôi dòng qua ký ức của mình một kỷ niệm vui những ngày công tác ở Báo Đồng Nai nhân 40 năm ra số đầu sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng.
NGUYỄN QUỐC HOÀN
Nguyên phóng viên Báo Đồng Nai