Cuối năm 1975, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, đồng chí Lê Quang Thành, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ký văn bản tách một bộ phận của Ban Tuyên giáo thành lập Báo Đồng Nai, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh.
Cuối năm 1975, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, đồng chí Lê Quang Thành, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ký văn bản tách một bộ phận của Ban Tuyên giáo thành lập Báo Đồng Nai, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh.
Bộ khung của báo bấy giờ do đồng chí Lê Quang Thành làm chủ nhiệm; đồng chí Lê Tư Huyền, Phó trưởng Ban Tuyên giáo kiêm hai chức vụ Tổng biên tập Báo Đồng Nai và Giám đốc Đài phát thanh Đồng Nai, với mục đích chỉ đạo trực tiếp công tác nhân sự và triển khai nhiệm vụ chính trị hai cơ quan báo giai đoạn đầu. Đồng chí Đoàn Ngọc Giao là Phó tổng biên tập, trực tiếp phụ trách Báo Đồng Nai.
Khi thành lập báo, nhân sự nòng cốt về Báo Đồng Nai có một số cán bộ thuộc các cơ quan Dân chính Đảng trong kháng chiến, bộ đội chuyển ngành chỉ có tôi, chưa người nào có kinh nghiệm về làm báo thời kỳ mới. Phải thừa nhận, anh Giao khi đó là người năng động, giàu kinh nghiệm trong thời điểm “vừa chạy vừa xếp hàng” để có đội ngũ làm báo, có cơ sở vật chất bảo đảm để Báo Đồng Nai xuất bản liên tục từ số đầu.
Để có nhân sự cho báo, một cuộc tuyển dụng rộng rãi phóng viên là học sinh đã học xong cấp 3 có năng khiếu viết ở tỉnh Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh và cả các tỉnh miền Tây Nam bộ; còn có cuộc thi tuyển phóng viên chung cho cả báo và đài tại địa điểm Trường THPT Ngô Quyền hiện nay.
Tòa soạn bấy giờ ở rải rác nhiều căn nhà tiếp quản tại hẻm 100 quốc lộ 1, nay là đường Hà Huy Giáp, TP.Biên Hòa. Anh Giao quan hệ xin được toàn bộ số máy in typo, chữ chì của nhà in Trung ương Đoàn tại TP.Hồ Chí Minh, cả bộ khung công nhân kỹ thuật lành nghề. Nhà in đặt tại số 100/30.
Một điều thú vị là bằng mọi cách, Báo Đồng Nai phải ra được số đầu, vừa tiếp tục tuyển người, xin tăng thêm cơ sở vật chất, củng cố tổ chức bộ máy. Thời điểm đó việc thành lập bộ khung của các báo phía Nam chẳng ai giống ai, riêng Báo Đồng Nai được đồng chí Lưu Quý Kỳ, Cục trưởng Cục Báo chí và đồng chí Ba Trí, Vụ phó Vụ Báo chí thường xuyên quan tâm đến thăm và hỗ trợ.
Ngày về Báo Đồng Nai, anh Ba Giao phân công tôi làm tổ trưởng Tổ Nhiếp ảnh và Bí thư Chi đoàn. Ngày ấy các bộ phận chuyên môn gọi là tổ, sau đổi tên là ban, tiểu ban, đến năm 1980 Ban Tổ chức Tỉnh ủy quy định là các phòng. Chi đoàn thanh niên của báo khi thành lập tôi là Bí thư, chỉ có hai đoàn viên là Lữ Sĩ Sinh và Vũ Khánh. Chi đoàn thuộc Đoàn cơ sở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Những năm tiếp theo chi đoàn Báo Đồng Nai phát triển liên tục về số lượng, là cánh tay đắc lực của chi bộ và cơ quan về “săn tin” viết bài, về “làm rẫy cứu đói”, tham gia nhiều đợt lao động công ích, như: làm thủy lợi ở Vĩnh Cửu, nạo vét hồ Biên Hùng…
Nhà báo Đỗ Trung Tiến (bên phải) và bộ đội Đồng Nai trên tuyến biên giới Tây Nam năm 1978. |
Làm Báo Đồng Nai cuối những năm của thập niên 70 đầu 80, có lúc quân số của báo, cả nhà in đến 100 người. Ai cũng làm việc quên mình, làm rất hiệu quả nhiều việc cho cơ quan, tờ báo.
Lúc đầu Báo Đồng Nai ra tuần 1 số 4 trang, sau 8 trang, mỗi số in đến 10 ngàn bản. Hàng tuần, tôi được giao nhiệm vụ lái chiếc xe ô tô Renault cổ lỗ của Pháp cùng một nhân viên phát hành, giao báo đến tất cả các ban thông tin xã, phường tuyến Long Thành, Nhơn Trạch, Bà Rịa, Vũng Tàu, Long Đất, Xuyên Mộc. Trên đường đi giao báo gặp đề tài tôi dừng xe lại để lấy tin, chụp ảnh. Chiếc xe phát hành báo quá cũ nát, những lúc dừng xe phải hô hào bà con xúm vào đẩy bộ cả trăm mét xe mới nổ được máy. Phát hành báo tuyến Biên Hòa, Thống Nhất, Xuân Lộc, Tân Phú do anh Giang Bảo, Tổ trưởng Văn - xã lái chiếc Volkswagen con cóc của Đức cũng phương thức phát báo như vậy. Thời kỳ thiếu thông tin, uy tín tờ báo đẩy lên cao nhờ phát hành nhiều, sâu rộng, tuy nhiên rất tốn kém về xăng, chưa kể cán bộ xã bán báo không thu được tiền, nhân viên phát hành chịu vạ lây. Đến năm 1978, bưu điện có văn bản nhận phát hành báo, tuy nhiên ai mua báo thì đến bưu điện đăng ký, nên số lượng phát hành tụt giảm.
Những năm trước đổi mới, Báo Đồng Nai nhiều lần thay đổi manchette, khổ báo, tăng trang, tăng kỳ phát hành. Nội dung và hình thức tờ báo thời kỳ này được tăng lên, do sự trưởng thành của đội ngũ phóng viên qua đào tạo ngắn hạn, thay đổi công nghệ từ in typo sang in offset. Tin, bài ngày đó chủ yếu là thông tin, tuyên truyền và cổ động. Khi chưa tách tỉnh, phóng viên đi công tác ở địa bàn rộng bao gồm cả Bà Rịa - Vũng Tàu nên rất vất vả, cả tòa soạn có chiếc xe Honda 67 công vụ, còn lại chủ yếu đi công tác bằng xe đạp, hoặc “đánh đu” trên xe ô tô chạy bằng than. Thời tem phiếu, phóng viên đi công tác phải mang theo gạo hoặc tem phiếu, nhưng khi đến cơ sở người ta không nhận mà còn tiếp rất chu đáo. Phải mất đến 2 năm làm báo không biết nhuận bút là gì, nhưng ai cũng rất vui khi hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tôi là một trong những người giúp việc các đời tổng biên tập vào những thời kỳ khó khăn nhất: chú Lê Tư Huyền và anh Đoàn Ngọc Giao có công gây dựng nền móng tờ báo; anh Nguyễn Nam Ngữ (khoảng 1 năm) tiếp tục củng cố tổ chức, xây dựng quy chế làm việc; chú Lê Tân nâng cao chất lượng nội dung; anh Nguyễn Thiện Nhựt suốt 20 năm làm Tổng biên tập, từ đầu thời kỳ đổi mới đất nước nên chịu nhiều áp lực về cải tiến nội dung thông tin hai chiều và hạch toán tờ báo.
Nhà báo Đỗ Trung Tiến trao cờ lưu niệm Giải bóng đá U11 - đây là sự kiện được Báo Đồng Nai tổ chức hàng năm. |
Tôi là người được Chi bộ cơ quan giao nhiệm vụ vai trò Bí thư suốt giai đoạn 1986-2010, kể cả khi anh Nhựt nghỉ chế độ, nhà báo Trần Huy Thanh làm Tổng biên tập, nên thấu hiểu mọi sự thuận lợi, khó khăn trong quá trình hình thành và phát triển của báo. Chi bộ Đảng của báo thời kỳ đổi mới, không chỉ xây dựng tổ chức, phát triển đảng viên làm nòng cốt cho báo, còn phải trong sạch, vững mạnh để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ. Khi bắt đầu công cuộc đổi mới, anh Nhựt bàn với tôi về việc đổi mới công tác quản lý và nội dung tờ báo, đưa vào nghị quyết để lãnh đạo thực hiện. Anh Nhựt cho rằng làm báo mà cứ xin tiền ngân sách 100% thì làm sao đổi mới nội dung cho hay được, báo chí không chỉ tuyên truyền đổi mới, mà còn phải làm gương về tự đổi mới. Ý tưởng này xem ra phù hợp, được cả cơ quan đồng lòng. Đương nhiên quá trình thực hiện cũng không dễ, phải mở rộng phát hành, thu hút quảng cáo, chi tiết kiệm nhưng hợp lý, đời sống người làm báo luôn được cải thiện. Kết quả từ những năm đầu đổi mới, Báo Đồng Nai là một trong số ít những tờ báo Đảng có doanh thu, có những năm cơ bản tự chủ được tài chính, chất lượng tờ báo, cơ sở vật chất, công nghệ làm báo hiện đại ngày càng nâng lên.
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập báo, câu chuyện quá trình hình thành và làm báo ở Báo Đồng Nai thời kỳ sơ khai có thể khó tin, nhưng có thật. Tôi cho rằng từ truyền thống này, các đồng nghiệp tiếp tục phát huy thế mạnh đang có, để xây dựng Báo Đồng Nai ngày càng phát triển.
Đỗ Trung Tiến
Nguyên Phó tổng biên tập Báo Đồng Nai