Nhân kỷ niệm 70 năm truyền thống, 40 năm thành lập Báo Đồng Nai, Báo Đồng Nai xin giới thiệu lược sử hình thành và phát triển của báo, được tổng hợp từ Địa chí Đồng Nai, các thông tin của Báo Đồng Nai và những nguồn tư liệu khác.
Nhân kỷ niệm 70 năm truyền thống, 40 năm thành lập Báo Đồng Nai, Báo Đồng Nai xin giới thiệu lược sử hình thành và phát triển của báo, được tổng hợp từ Địa chí Đồng Nai, các thông tin của Báo Đồng Nai và những nguồn tư liệu khác.
Báo chí Đồng Nai kể từ năm 1859 đến năm 1945 gắn liền với sự hình thành và phát triển của báo chí Nam bộ. Trước đó, ở Nam bộ có ba tờ báo tiếng Pháp và chữ Hán: Le bulletin officiel de
L’ expédition de Conchinchine (1861-1888), Le bulletin des Communes (1862), Le courrier de SaiGon (1864), nhưng không mấy người đọc bởi chủ yếu in những công văn, thông tư, nghị định... của chính phủ. Năm 1859, tờ báo tiếng Việt đầu tiên ra đời ở Nam bộ là Gia Định báo. Hơn 40 năm sau, Bắc bộ và Trung bộ mới xuất bản báo.
Báo chí buổi đầu là một công cụ văn hóa nhằm thực hiện chính sách thống trị của thực dân Pháp. Từ Gia Định báo cho đến những tờ báo xuất bản giai đoạn cuối thế kỷ XIX, như: Phan Yên báo, Nam kỳ địa phận... hầu hết đều do người Pháp lập ra nhằm phục vụ cho chính sách xâm lược đất nước, nô dịch nhân dân ta. Trong những năm cuối thế kỷ XIX và 10 năm đầu thế kỷ XX, ở nước ta có khoảng 10 tờ báo tiếng Việt, trong lúc đó có trên 70 tờ báo tiếng Pháp do người Pháp xuất bản. Một số tờ báo tiếng Việt chỉ là bản dịch báo tiếng Pháp
Song ở một khía cạnh khác, người Việt Nam cũng bắt đầu làm quen với một phương tiện thông tin mới: báo chí. Từ đó, dần dần tiến lên sử dụng báo chí như một vũ khí đấu tranh. Thông qua báo chí, người Việt Nam tìm hiểu tình hình trong nước, thế giới, tìm hiểu âm mưu, thủ đoạn của thực dân và tay sai. Các nhà yêu nước Việt Nam đã thấy chữ quốc ngữ là công cụ rất tốt để tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước và giáo dục mở mang dân trí trong nhân dân.
Người Đồng Nai viết báo, làm báo
Báo chí ở nước ta từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) cũng tăng hơn nhiều. Để thi hành chính sách cải lương, thực dân Pháp không giữ độc quyền báo chí như trước nữa mà cho một số người thuộc tầng lớp trên trong xã hội nước ta được phép xuất bản báo chí. Cố nhiên là phải tuân theo pháp luật của chính quyền thực dân và phải chịu sự kiểm soát của chúng. Tất cả các tờ báo xuất bản công khai trong thời kỳ này đều hoặc tự nguyện, hoặc bị ép buộc phải phục vụ cho chính sách khai thác thuộc địa và chính sách cải lương của thực dân Pháp. Ngoài nét chung đó, mỗi tờ báo lại có nét riêng, phản ánh lợi ích của chủ báo là người trong giai cấp tư sản hoặc địa chủ. Một số người có thế lực và tiền đã xuất bản báo chí, dùng báo chí làm phương tiện để mua danh lợi. Trong nghề báo dần dần hình thành hai loại: người chủ báo và người viết báo. Nếu trong thời kỳ từ năm 1918 trở về trước, báo chí ở nước ta nói chung chỉ có một khuynh hướng duy nhất là khuynh hướng thực dân phong kiến, thì báo chí trong thời kỳ sau năm 1918 có nhiều khuynh hướng phức tạp hơn, phản ánh lợi ích của nhiều giai cấp và tầng lớp xã hội lúc bấy giờ.
Đoàn nhà báo tỉnh Đồng Nai trong một lần đi công tác ở Campuchia (năm 1980). |
Một sự kiện quan trọng đáng chú ý của thời kỳ này là sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga (năm 1917), việc thành lập Quốc tế cộng sản và những hoạt động của Quốc tế cộng sản đã tác động tích cực đến phong trào yêu nước ở Việt Nam. Báo chí cách mạng ra đời là một tất yếu khách quan nhằm đáp ứng yêu cầu của sự phát triển phong trào yêu nước trong thời kỳ mới. Báo Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, số đầu tiên ra ngày 21-6-1925 là tờ báo cách mạng đầu tiên ở nước ta. Sau khi báo xuất bản, nhiều tờ báo cách mạng khác kế tiếp nhau ra đời. Theo thống kê, trong khoảng 20 năm (từ khi Báo Thanh Niên ra đời đến Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi), có khoảng trên 550 tờ báo cách mạng đã được xuất bản và lưu hành trong cả nước ta.
Báo chí công khai lúc đó có những xu hướng sau:
- Báo chí của nhà cầm quyền Pháp, nội dung chống Đảng Cộng sản Đông Dương, nhất là khi có cuộc khởi nghĩa Nghệ Tĩnh. Đơn cử một số báo, như: Trường An Cận Tín (1930) của Phủ Thống sứ Trung kỳ, Thanh Nghệ Tĩnh tân văn (1930) của Phủ công sứ Vinh, Bình Phú tân văn (1930) của Phủ Thống sứ Trung kỳ... Những tờ báo này chỉ tồn tại không lâu. Riêng các tờ Lục Tỉnh tân văn (bộ mới 1907), Đông Dương Tây chí (1918), Nam Phong Tây chí (1925) đều có trợ cấp, nhưng sau đó cũng lần lượt chết, chỉ còn Lục Tỉnh tân văn là tờ công báo cuối cùng đến khi Nhật lật đổ Pháp ở Đông Dương thì tờ báo mới chết hẳn.
- Báo chí đối lập, nhất là phong trào Đông Dương đại hội (tiếng Việt, tiếng Pháp) đủ loại ra đời: Lao Động (1933), La Lutte (1935), Le Travail (1936), Nhành Lúa, Tin Tức, L’ Avant Garde, Le Peuple (1937), Dân Chúng (1938)...
Ngoài ra, còn có báo chí cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương phát hành trong bí mật. Đó là báo chí của Trung ương Đảng, Xứ ủy, Tỉnh ủy, cả báo trong nhà tù đế quốc: Hỏa Lò, Sơn La, Ban Mê Thuộc, Khám Lớn, Côn Đảo. Cộng với báo chí của các Đảng Cộng sản Pháp, Trung Hoa, Liên Xô cũng được chuyển từ Pháp, Trung Hoa, Liên Xô qua đường dây bí mật đến Việt Nam, đến các đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, đến nhân dân Việt Nam, đến nhân dân Đông Dương.
Giai đoạn này, Đồng Nai chưa có tờ báo riêng mang tính chất báo địa phương như các giai đoạn sau này. Tuy nhiên, người Biên Hòa - Đồng Nai (hoặc dâu, rể của Biên Hòa) đã tham gia làm báo, viết cho các tờ báo ở Sài Gòn, Hà Nội... thì không ít. Theo ông Hoàng Thơ, từ năm 1865 đến 1945 (tức 80 năm), người Đồng Nai đã tham gia làm báo và viết báo trên 21 tờ báo, tạp chí, chuyên san... Các tờ báo L’ Avant Garde, Le Peuple và Dân Chúng, trong ban biên tập có nhà báo Hồ Văn Lèo và vợ Nguyễn Thị Ánh tham gia. Cậu học trò Trương Gia Triều (tức nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng) ở Trường tiểu học Bình Hòa cũng tham gia viết báo. Năm 1940-1941, tờ báo tiếng Pháp Le Monéné của Tổng Hội sinh viên Đông Dương ra đời, được sinh viên, các giới trí thức, học sinh ưa thích, chủ bút là rể của Biên Hòa: ông Mai Văn Bộ. Nhiều báo, trong đó có Tiểu Thuyết Thứ Bảy có đăng văn của Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm, Lương Văn Lựu, thơ của Huỳnh Văn Nghệ. Ở Tuần báo Hạnh Phúc thỉnh thoảng cũng có bài của Phan Văn Hùm từ quận lỵ Tân Uyên gửi đến, tờ Thể thao Đông Dương thì có đăng thơ của Đinh Quang Dữa (Trường mỹ thuật trang trí Biên Hòa). Nổi tiếng, có các nàng dâu Biên Hòa: bà Nguyễn Háo Cá, là cộng tác viên của Báo Phụ nữ Tân Văn, viết các mục xã luận, gia chánh, làm thơ; bà luật sư Trịnh Đình Thảo, bà kỹ sư Lưu Văn Lang, bà giáo sư Trương Vĩnh Tống; các bà bác sĩ: Nguyễn Văn Nhã, Trần Văn Đôn, Nguyễn Văn Thinh...
Báo chí Đồng Nai - từ buổi đầu gian khó...
Sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, tại Biên Hòa, công tác tuyên truyền vận động quần chúng rất được chú trọng. Tỉnh ủy, UBND tỉnh phân công đồng chí Huỳnh Văn Hớn - Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách công tác tuyên truyền. Ban Tuyên truyền đầu tiên của tỉnh Biên Hòa gồm có: Mai Văn Bộ, Hoàng Trọng Quý, Lý Văn Sâm, Ngô Văn Long, Hoàng Thơ, Lương Văn Lựu, Nguyễn Thị Bông, Lê Ngọc Liệu...
Các nữ cán bộ, nhân viên Báo Đồng Nai (năm 1978) |
Công tác in ấn lúc này rất khó khăn do thiếu máy móc, thiết bị. Từ tháng 9-1945 đến cuối năm 1945, phương tiện làm việc của Ban Tuyên truyền chỉ độc một chiếc radio để bắt tin, chép tin, một bàn máy đánh chữ, nhưng ban đã làm được nhiều việc: tuyên truyền cổ vũ thanh niên tham gia trại du kích Vĩnh Cửu; vận động nhân dân quyên góp gạo thóc, tiền bạc ủng hộ kháng chiến; tuyên truyền cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa 1; phát hành báo chí từ Sài Gòn cổ vũ nhân dân tham gia cuộc kháng chiến; xây dựng nếp sống mới, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, mê tín, tệ nạn cờ bạc, rượu chè, xóa mù chữ, phát động nhân dân ra sức khai hoang phục hóa không bỏ ruộng hoang, sản xuất hoa màu...
Đầu năm 1946, Ban Tuyên truyền chưa về Tân Uyên (sau trở thành Chiến khu Đ) mà vẫn ở khu vực Gò Mọi (xã Tân Định). Sau đó quân Pháp tấn công vào Đồng Lách, Ban Tuyên truyền phải mang máy đánh chữ, radio chuyển về Hóc Bà Thức (xã Tân Phong, nay thuộc TP.Biên Hòa). Đồng chí Lưu Văn Văn (Chín Văn), một đảng viên trước Cách mạng tháng Tám, nguyên là nhân viên Dưỡng trí viện Biên Hòa (nay là Bệnh viện tâm thần Trung ương 2), đã đưa bộ phận tác chiến của Ban Tuyên truyền vào ở một gian nhà nằm trong khu vực dành cho nhân viên trong bệnh viện (nhà của người chị đồng chí Chín Văn). Bộ phận thường trực của Ban Tuyên truyền vừa làm nhiệm vụ ghi tin qua radio, vừa đánh máy, vừa in ấn các loại truyền đơn, các bản tin (in xu xoa) để phổ biến cho cán bộ, đảng viên, nhân dân. Đồng chí Tiêu Như Thủy (Mười Quang) đánh máy trên giấy than (carbon), đồng chí Chín Văn sau khi xem lại cho in bằng rau câu (rau câu do Chín Văn đổ, yêu cầu phải không có bọt và đổ đông đặc đảm bảo). Các bản tin, truyền đơn được anh Ấm, chị Tư Bông đưa đi phát hành.
Đề án ra tờ báo của tỉnh Đồng Nai năm 1976 |
Giữa năm 1946, Ty Thông tin Biên Hòa ra tờ báo Đồng Nai và Ban Chỉ huy Đội 10 ra tờ báo Tiếng Rừng. Đây là 2 tờ báo cách mạng đầu tiên ở Biên Hòa ra đời trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Báo Đồng Nai được in ronéo, mỗi kỳ chỉ có 2 trang với khổ 30x40cm, mỗi số in khoảng 300-500 tờ. Do báo in khổ lớn, máy chữ không có trục ru-lô dài vừa khổ giấy, Báo Đồng Nai phải viết bằng bút nhọn trên giấy sáp (stencil). Báo được in bằng một trục ru-lô gỗ tròn láng, một người đặt giấy, một người lăn trục. Những cây viết chính cho báo bấy giờ, gồm: Dương Minh Cưu, Nguyễn Trạc, Tiêu Như Thủy, Hoàng Thơ... và các cộng tác viên ở Chi đội 10, các cơ quan dân chính Đảng trong tỉnh.
Ngay từ khi mới ra đời, Báo Đồng Nai chính thức là cơ quan chiến đấu của Đảng bộ và quân dân Biên Hòa. Các mục thường xuyên trên báo thường có xã luận, tin tức trong tỉnh, ngoài tỉnh (chép từ radio hoặc từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Chi đội 10 cung cấp); các văn bản, chỉ thị phản ánh các phong trào yêu nước, kháng chiến của nhân dân trong tỉnh. Mục văn nghệ gồm truyện, ký, thơ... với những cây bút như: Phạm Thiều, Huỳnh Văn Nghệ, Bùi Cát Vũ, Lý Văn Sâm...
Từ năm 1947, tình hình kháng chiến ngày càng ác liệt. Đồng chí Hồ Tấn Trai về thay Dương Minh Cưu làm Trưởng ty Thông tin tuyên truyền Biên Hòa. Báo Đồng Nai vẫn ra, nhưng không đều, có khi 10-15 ngày hoặc lâu hơn mới ra được một số. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu giấy, mực in (các loại nguyên liệu này phải mua từ trong thành, tức vùng địch tạm chiếm).
Báo Tiếng Rừng do Chính trị viên Chi đội 10 Biên Hòa là Phan Đình Công chịu trách nhiệm xuất bản. Báo khổ nhỏ bằng quyển vở 100 trang, mỗi số từ 2-4 trang. Báo được đánh trên giấy sáp, in bằng xu xoa (rau câu). Báo được phát hành tới các đại đội, trung đội của chi đội. Ngoài ra, Chi đội 10 còn ra báo Sứ Mạng (cũng viết tay và in rau câu). Cả 2 tờ Tiếng Rừng, Sứ Mạng số lượng in không nhiều (từ 100-150 tờ/kỳ), nhưng nhờ bộ đội sinh hoạt tập thể, có kỷ luật, nên báo vẫn phổ biến xuống tới các chiến sĩ. Nội dung báo thường có tin chiến sự phản ánh chiến thắng của bộ đội, thất bại của thực dân Pháp; phong trào thi đua trong các đơn vị; thơ, văn thể hiện lòng yêu nước, tinh thần hy sinh, đoàn kết chiến đấu của quân dân ta, kêu gọi nhân dân ủng hộ kháng chiến.
Kế hoạch thực hiện số xuân 1976 |
Chính trên tờ báo Tiếng Rừng, bài thơ “Tiếng hát giữa rừng” của Huỳnh Văn Nghệ viết về tinh thần dũng cảm chịu đựng của một chiến sĩ Chi đội 10 bị thương phải cưa chân bằng cưa thợ mộc nhưng vẫn hát vang bài quốc ca, gây xúc động và thể hiện ý chí tinh thần của người chiến sĩ cách mạng; hay bài thơ “Nhớ Bắc” bất hủ:
Ai về Bắc ta theo với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long
Để cổ vũ phong trào huấn luyện, xây dựng đơn vị và chiến đấu, Ban Chỉ huy Chi đội 10 Biên Hòa phát động phong trào làm báo tường trong các đại đội, trung đội. Báo tường được in trên giấy manh. Báo thường mang tên như: Quyết Thắng, Chiến Thắng... Chủ đề, nội dung tập trung là ca ngợi lòng yêu nước, căm thù giặc, tình đồng đội, nghĩa đồng bào. Tin về chiến thắng như Bảo Chánh, Trảng Táo, Gia Huynh, Bàu Cá, La Ngà... đều được phản ánh kịp thời trên báo của chi đội và các báo tường. Có thể nói báo tường là một loại hình báo chí khá phổ biến, có ý nghĩa tuyên truyền nhanh, tính giáo dục cao.
Trên địa bàn tỉnh còn có Báo Tiền Đạo, một tờ báo của Bộ Tư lệnh khu miền Đông. Báo có khổ in như báo Sứ Mạng, số lượng mỗi kỳ từ 100-200 tờ/kỳ, chủ yếu phát hành trong các lực lượng vũ trang quân khu. Nhiều bài thơ do Huỳnh Văn Nghệ sáng tác cũng được in trên Báo Tiền Đạo thời kỳ này.
Báo chí của Biên Hòa thời kỳ này còn thô sơ cả về nội dung, hình thức và kỹ thuật in ấn, nhưng tính chiến đấu rất cao. Tháng 5-1948, Ty Thông tin đổi thành Ty Thông tin tuyên truyền, đồng chí Hoàng Tam Kỳ - Trưởng phòng Chính trị Trung đoàn 310 được cử làm Trưởng ty. Để hỗ trợ cho Ty, Phân sở thông tin tuyên truyền miền Đông đã cử anh Trọng Trương xuống Biên Hòa để hướng dẫn nghiệp vụ làm và in báo chữ chì. Máy in được đóng bằng gỗ, ống cán bằng gỗ được bào tròn, chữ chì được trên đưa xuống khoảng 100kg. Từ in stencil, xu xoa đến in báo chữ chì là một bước tiến lớn trong công tác báo chí ở Biên Hòa. Ty Thông tin tuyên truyền Biên Hòa đầu tiên đóng ở xã Mỹ Lộc, từ cuối năm 1948 chuyển về Đất Cuốc. Ty đã cho xuất bản hai tờ báo Biên Hòa và Thông tin Biên Hòa. Ban biên tập báo gồm: Hoàng Tam Kỳ, Nguyễn Trạc, Lê Minh Tiến, Mạc Đăng Thanh, Lê Như Huỳnh. Bộ phận ấn loát có các anh: Đàm, Minh, Đường, Tâm Hưởng và Đạt.
Tờ Thông tin Biên Hòa 3 ngày ra một số, tính chất như một tờ tin nhanh, số lượng in từ 500-600 tờ, chỉ có 2 trang khổ nhỏ bằng quyển vở học trò, nội dung phổ biến nhanh tin tức trong tỉnh, tin tức trong nước, phản ánh công cuộc kháng chiến và kiến quốc của nhân dân ta. Báo được phát hành trong tất cả các cơ quan, đoàn thể quân dân chính Đảng. Trong lực lượng vũ trang phổ biến xuống đến cấp trung đội. Nhờ kỹ thuật ấn loát chữ chì, báo ra nhanh, tương đối phản ánh kịp thời tình hình kháng chiến, có tác dụng động viên cổ vũ tinh thần cán bộ chiến sĩ, nhân dân trong lao động và chiến đấu.
Báo Biên Hòa có khổ in 30x40cm, in 4 trang, 10 ngày ra một số với số lượng in từ 500-600 tờ/kỳ. Báo Biên Hòa là cơ quan kháng chiến của Đảng bộ và quân dân Biên Hòa. Mỗi số ngoài xã luận (thường do đồng chí Hoàng Tam Kỳ viết), còn có các mục tin tức, thời sự, phóng sự, khẩu hiệu cổ động kháng chiến, sản xuất, thơ, văn... do cộng tác viên là cán bộ các cơ quan gởi về. Báo Biên Hòa không chỉ lưu hành trong vùng căn cứ, mà còn được cơ sở bí mật chuyển vào vùng tạm chiếm để phục vụ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân vùng địch kiềm kẹp ra sức ủng hộ kháng chiến.
Cuối năm 1948 và trong năm 1949, Ty Thông tin tuyên truyền còn giúp cho Mặt trận Việt Minh tỉnh Biên Hòa ra tờ báo Địch Vận viết bằng tiếng Pháp, do anh Đoàn Văn Sinh làm chủ biên, cộng tác còn có một hạ sĩ quan Pháp (cấp thượng sĩ) đã thoát ly về với kháng chiến. Ngoài ra Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy còn ra tập san Xây dựng (mỗi tháng một số) để hướng dẫn công tác Đảng trong các cơ quan quân dân chính Đảng.
Tháng 5-1951, tỉnh Thủ Biên thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa. Ty Thông tin tuyên truyền Biên Hòa thành Ty Thông tin tuyên truyền Thủ Biên, do đồng chí Hoàng Tam Kỳ làm Trưởng ty. Ty đảm nhận công tác thông tin tuyên truyền trong tỉnh, có bộ phận ấn loát riêng, và thực chất đảm nhiệm vai trò Ban biên tập Báo Thông tin Thủ Biên (từ tờ Thông tin Biên Hòa chuyển thành). Đến cuối năm 1951, đồng chí Hoàng Tam Kỳ chuyển về Đội Vũ trang tuyên truyền TX.Biên Hòa, đồng chí Tô Văn Của thay thế làm Trưởng ty. Cuối năm 1952, sau khi học xong lớp Trường Chinh khóa 2 ở Đồng Tháp, đồng chí Lê Đình Nhơn (Chín Lê) về làm Trưởng ban Tuyên huấn kiêm Trưởng ty Thông tin tuyên truyền và phụ trách tờ Thông tin Thủ Biên.
Nhà in Ty Thông tin tuyên truyền Thủ Biên được tăng cường thêm cán bộ và tiệm ấn loát gồm một máy in typo pédal với 200kg chữ chì. Nhà in đóng tại Suối Đĩa do đồng chí Nguyễn Đình Thu phụ trách.
Tờ báo Thông tin Thủ Biên là cơ quan chiến đấu của Đảng bộ và quân dân tỉnh Thủ Biên. Báo có khổ in 30x40cm, 3 ngày ra một số, số lượng 500-600 tờ với 4 trang. Nội dung báo có xã luận, tin tức trong tỉnh, trong nước, quốc tế, văn nghệ...
Từ cuối năm 1951 đến đầu năm 1953, do nhiều nguyên nhân, nhất là sau cơn bão lụt Nhâm Thìn 1952, tỉnh Thủ Biên gặp rất nhiều khó khăn cả về vũ khí, lương thực và các loại văn phòng phẩm như giấy, mực in... Trước khó khăn đó, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ban Tuyên huấn, tờ Thông tin Thủ Biên đổi măng-sét (manchette) thành Báo Thủ Biên, giảm bớt cả số lượng, khổ báo và trang in. Báo thu gom lại chỉ còn khổ nhỏ như quyển tập 100 trang, 3 ngày ra một số, chỉ có 2 trang, số lượng in từ 400-500 tờ. Việc giảm số lượng, khổ báo để đảm bảo báo có thể ra đều kỳ.
Song song với tờ Thủ Biên, tập san Xây dựng, cơ quan của Đảng bộ Thủ Biên vẫn ra hàng tháng, gồm các bài viết mang tính chất lý luận, tổng kết các vấn đề về công tác Đảng, công tác quần chúng; các kinh nghiệm qua thực tiễn kháng chiến, kiến quốc...
Báo Thủ Biên đã góp phần tuyên truyền đường lối kháng chiến, cổ vũ, củng cố lòng tin cho nhân dân cả vùng căn cứ giải phóng và vùng tạm chiếm. Từ cuối năm 1953, Báo Thủ Biên tập trung tuyên truyền, phản ánh chiến thắng của bộ đội ta trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 do Trung ương lãnh đạo. Tin thắng trận ở các chiến dịch Hạ Lào, Tây nguyên, Hòa Bình, Điện Biên Phủ mang đến cho quân dân trong tỉnh một niềm tin chiến thắng.
Báo chí Biên Hòa - Đồng Nai trong kháng chiến chống Pháp đã đi từ không đến có, từ kỹ thuật thô sơ như in xu xoa, stencil, in khuôn gỗ tiến lên in chữ chì... Đội ngũ làm báo không chuyên nhưng nhiệt tình, báo ra không thường kỳ, khổ báo lại thường thay đổi do khó khăn về phương tiện làm báo. Báo Biên Hòa đã làm được nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng vì độc lập dân tộc.
...Đến kháng chiến chống Mỹ ác liệt
Sau Hiệp định Genève 1954, khi tập kết chuyển quân (tháng 8-1954), một số cán bộ lãnh đạo của tỉnh và cán bộ dân chính Đảng của tỉnh Biên Hòa được bố trí ở lại để tiếp tục cùng nhân dân đấu tranh. Máy in của tỉnh được chôn lại ở Chiến khu Đ. Cán bộ Ban Tuyên huấn Biên Hòa cùng bộ phận nhà in (gồm có một máy quay ronéo tự chế tạo, một bàn in bằng gỗ, một máy đánh chữ) từ Chiến khu Đ chuyển về đứng chân ở Thái Hòa (Tân Biên) để gần dân, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền theo chỉ đạo của Tỉnh ủy.
Về công tác tuyên truyền, Tỉnh ủy chủ trương phải làm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân quán triệt Hiệp định Genève 1954 về tình hình nhiệm vụ mới. Tài liệu sử dụng chủ yếu là các nghị quyết của Trung ương, Xứ ủy, báo chí công khai xuất bản tại Sài Gòn, nhằm vạch trần bản chất, âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ, bản chất tay sai của chính quyền Sài Gòn; hướng dẫn và lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống khủng bố, bảo vệ quyền dân sinh dân chủ cho dân.
Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy lúc này phụ trách cả nhà in của tỉnh (chỉ có một máy đánh chữ và một máy in giấy sáp). Nhiệm vụ chủ yếu là in truyền đơn, tài liệu học tập cho đảng viên, đoàn viên, cán bộ. Tuy chưa phải là thể loại báo chí, nhưng những truyền đơn phục vụ cho các cuộc đấu tranh đòi hiệp thương, tổng tuyển cử, truyền đơn binh vận kêu gọi binh lính chế độ Sài Gòn, lên án vụ thảm sát Phú Lợi (tháng 12-1958)... kịp thời cổ vũ tinh thần đấu tranh của quần chúng.
Tháng 9-1960 đến tháng 6-1961, hai tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa sáp nhập thành tỉnh Thủ Biên. Đồng chí Lê Quang Chữ được cử làm Bí thư kiêm Trưởng ban Tuyên huấn; Tiêu Như Thủy, Phó ban. Phụ trách nhà in của tỉnh là đồng chí Bảy Trổ (người xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu). Nhà in đặt ở gần suối Tân Lợi (xã Tân Lợi).
Tháng 1-1961, khi các tướng tá ở Sài Gòn làm đảo chính Ngô Đình Diệm, Tỉnh ủy chủ trương ra Báo Thủ Biên. Báo viết tay in giấy sáp có 4 trang, khổ 20x30cm với các nội dung: xã luận, tin tức về phong trào Đồng Khởi và các cuộc tiến công của cách mạng miền Nam và địa phương nhằm mục đích đánh đổ chính quyền tay sai Sài Gòn.
Có thể nói Báo Thủ Biên là tiền thân của Báo Đồng Nai trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Từ tháng 3-1963 đến tháng 12-1964, tỉnh Biên Hòa và tỉnh Bà Rịa có một lần nhập, tách. Do đó tờ báo của tỉnh cũng 2 lần thay đổi manchette: từ Báo Đồng Nai đến Báo Giải Phóng (tỉnh Bà Biên) và trở lại Báo Đồng Nai cho đến cuối năm 1967.
Tháng 6-1961, tỉnh Biên Hòa được lập lại do đồng chí Nguyễn Văn Trị (Năm Kiệm) làm Bí thư kiêm Trưởng ban Tuyên huấn. Cơ sở in ấn của tỉnh Thủ Biên được phân chia về cho 2 tỉnh Biên Hòa và Phước Thành. Bộ phận in của tỉnh Biên Hòa chuyển về đặt ở Trảng Bom do đồng chí Ba Tùng phụ trách (chỉ còn lại một máy in ronéo).
Đây là giai đoạn cách mạng miền Nam và Biên Hòa chuyển sang một thời kỳ mới: kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, nhằm mục tiêu trước mắt là đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Để phục vụ nhiệm vụ chính trị này, đồng thời cổ vũ phong trào đấu tranh của nhân dân trong tỉnh, Tỉnh ủy Biên Hòa chủ trương ra Báo Đồng Nai.
Báo Đồng Nai do Ban Tuyên huấn tỉnh phụ trách. Số báo ra đầu tiên ngày 25-1-1962, khổ in 30x40 cm, và vì ra đúng dịp Tết nên có đến 38 trang (không kể bìa), số lượng phát hành là 3.000 tờ. Trang bìa của Báo Đồng Nai in 2 màu trắng đen, vẽ tranh một đoàn quần chúng đi biểu tình với khí thế sôi nổi quyết tâm, mang theo 2 băng-rôn với khẩu hiệu: “Chấm dứt việc dồn dân đuổi làng” và “Đế quốc Mỹ cút khỏi miền Nam Việt Nam”. Bên trái phía trên trang bìa là manchette báo gồm có 3 dòng chữ: dòng trên cùng là hàng chữ Độc lập - Dân chủ - Hòa bình - Trung lập (cỡ chữ 12); dòng giữa là Đồng Nai (cỡ chữ 48); dòng dưới là Cơ quan thông tin của Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Biên Hòa (cỡ chữ 12). Góc bên phải phía dưới trang bìa là dòng chữ “Số đặc biệt Xuân Nhâm Dần 1962”.
Mở đầu số báo đầu tiên cũng là số Xuân, Báo Đồng Nai dành hơn 2 trang cho bài xã luận nhan đề “Năm mới, nhân dân Đồng Nai phấn khởi, vững vàng tiến lên giành thắng lợi lớn”. Bài xã luận đã điểm lại tình hình thắng lợi một năm qua của nhân dân miền Nam trong phong trào Đồng Khởi. Đặc biệt Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời đã lãnh đạo và thúc đẩy phong trào cách mạng miền Nam vững bước đi lên, làm đế quốc Mỹ và tay sai Sài Gòn càng thất bại nặng nề; khẳng định quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc của Đảng bộ và quân dân miền Nam. Trang 3 và 4 là thư chúc Tết đồng bào miền Nam của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Bài viết “Mùa xuân phấn khởi và dũng mãnh” của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tỉnh Biên Hòa khẳng định quyết tâm của quân và dân tỉnh nhà: “Chúng ta quyết giành lại một mùa xuân tươi thắm, huy hoàng, đem lại độc lập, hòa bình, trung lập, tiến tới thống nhất đất nước”.
Báo còn đăng thư của Mặt trận tỉnh Biên Hòa chào mừng một sự kiện trọng đại của cách mạng miền Nam, đó là sự kiện Đảng Nhân dân Cách mạng Miền Nam ra đời (1-1-1962). Thư khẳng định sự tín nhiệm đối với Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam cũng như đã từng tín nhiệm “những người theo chủ nghĩa Mác - Lênin trong Đảng Cộng sản Đông Dương và Đảng Lao động Việt Nam trước kia đã đem lại Cách mạng tháng Tám thành công và cuộc kháng chiến 9 năm thắng lợi”.
Báo Đồng Nai cũng điểm lại những nét lớn tình hình thế giới, tình hình phong trào miền Nam, phong trào cách mạng tỉnh Biên Hòa năm qua; tuyên bố của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, nguyên Chủ tịch Phong trào hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn.
Để điểm tô thêm cho mùa xuân, báo dành các trang còn lại cho các mục văn hóa, văn nghệ. Bài bút ký Mùa xuân trên đất Đồng Nai của Văn Thạch đã thể hiện được những nét đẹp tâm hồn và truyền thống lao động, văn hóa của nhân dân địa phương từ thuở cha ông đi mở đất. Các chuyện ngắn Cây thánh giá của Văn Thanh; sớ Táo quân; trang thơ Vườn ươm văn nghệ Đồng Nai của những cán bộ, chiến sĩ đang chiến đấu trên các chiến trường, thanh niên còn sống ở những vùng địch tạm chiếm... những bài thơ của những cây bút quen thuộc như Hoàng Bến, Bảy Trang, Huỳnh Hùng Hoa, Chính Nghĩa, bài vọng cổ Lời sông núi của Thanh Hải... cũng góp mặt trên số báo này.
Báo Đồng Nai số đầu tiên, cũng là số Xuân Nhâm Dần 1962 với 38 trang là một nỗ lực lớn của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Biên Hòa, với sự cộng tác của nhiều cây bút mở đầu cho thời kỳ mới trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của quân dân Đồng Nai. Báo Đồng Nai không chỉ là cơ quan thông tin của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Biên Hòa, mà còn là cơ quan của nhân dân địa phương nói lên được chính nghĩa của cuộc đấu tranh; nguyện vọng của đồng bào Đồng Nai trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Từ tháng 3 đến tháng 12-1966, 3 tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa, Long Khánh sáp nhập thành tỉnh Bà Biên. Tỉnh ủy Bà Biên quyết định ra Báo Giải Phóng, là cơ quan đấu tranh của nhân dân tỉnh Biên Hòa - Bà Rịa - Long Khánh. Báo in khổ 30x40cm, số trang báo từ 8-12 trang, số lượng phát hành mỗi kỳ từ 500-5.000 số. Riêng số Xuân có đến 26-30 trang. Nội dung báo thường kỳ có các mục: xã luận; tổng kết thành tích chiến đấu của quân dân Biên Hòa - Bà Rịa - Long Khánh hàng tháng, hàng quý hoặc năm; bình luận; trang văn nghệ (truyện ngắn, bút ký, thơ, nhạc...); tin tức về quân dân miền Bắc vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, tin chiến thắng của quân dân miền Nam... Với số Xuân, nội dung báo phong phú hơn và luôn có thư chúc Tết của Bác Hồ, của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, của Mặt trận tỉnh...
Ngoài những tin tức thắng lợi trên các mặt chiến đấu, lao động của quân dân miền Nam năm 1966, báo còn có mục Thế giới ủng hộ chúng ta phản ánh dư luận thế giới phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở miền Nam, kêu gọi ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của quân dân miền Nam Việt Nam.
Trang văn nghệ, ngoài những vần thơ, những bài ca dao, báo đăng chập hát bộ Kiểm thảo cuối năm, dựa theo tích tuồng cổ Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê để động viên thanh niên miền Nam tòng quân đánh Mỹ. Bút ký Giữ đất của Huy Thắng làm nổi bật tinh thần, tính cách của những người nông dân chất phát, kiên quyết bám đất, giữ làng trước âm mưu gom tát dân của Mỹ và chính quyền tay sai.
Ra đời trong phong trào kháng chiến chống Mỹ, các Báo Đồng Nai, Giải Phóng có đặc điểm như manchette không ổn định do tùy thuộc vào đặc thù từng giai đoạn. Tuy nhiên, Báo Đồng Nai, Báo Giải Phóng trong tiến trình hình thành và hoạt động luôn có tính kế thừa, là tiếng nói, là công cụ đấu tranh rất đắc lực của Đảng bộ, Mặt trận và của quân dân địa phương trên mặt trận văn hóa, chính trị, tư tưởng. Báo luôn giữ vững mục tiêu, tôn chỉ của mình là đoàn kết đấu tranh vì sự nghiệp “Độc lập, dân tộc, hòa bình, trung lập” như Cương lĩnh của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đề ra khi thành lập ngày 20-12-1960. Báo luôn bám sát thực tiễn kháng chiến và định hướng chỉ đạo của cấp ủy địa phương, nhằm tuyên truyền giải thích đường lối kháng chiến; cung cấp thông tin, tình hình trong nước và quốc tế, những thành tựu của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; tiến công địch trên mặt trận binh vận bằng hình thức văn nghệ khá phong phú; vạch trần bản chất xâm lược của Mỹ và tay sai bán nước; đề ra được những nhiệm vụ trước mắt, cấp thời để hướng dẫn, kêu gọi và cổ vũ cán bộ, chiến sĩ chiến đấu, vận động nhân dân vùng giải phóng cũng như vùng địch tạm chiếm tham gia và ủng hộ kháng chiến.
Trong những điều kiện thông tin khó khăn, phương tiện in ấn lạc hậu, khâu phát hành hạn chế, nhưng với những nỗ lực cao nhất, Báo Đồng Nai luôn thể hiện rõ tính chiến đấu cao với nhiều bài viết rất kịp thời, phản ánh các thông tin mang tính thời sự trên các mặt trận chính trị, tư tưởng, quân sự, binh vận, văn hóa...; những bài xã luận, bình luận khá sắc bén vạch trần âm mưu xâm lược, tội ác đế quốc và tay sai gây ra cho nhân dân; định hướng chiến đấu cho các lực lượng cách mạng trong tỉnh; có nhiều tin, bài tường thuật, phóng sự, phỏng vấn kịp thời về chiến đấu và chiến thắng của quân dân trong tỉnh.
Tất cả các số Báo Đồng Nai xuất bản đều có trang văn nghệ gồm truyện ngắn, bút ký, thơ, sáng tác ca khúc, sớ Táo quân (báo xuân), những bài vọng cổ... thể hiện được nguyện vọng, tình yêu đất nước, quê, hương, tình yêu lứa đôi, tình đồng chí, đồng bào, lòng căm thù giặc cướp nước và tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng của những người con Biên Hòa. Tiêu biểu như những truyện ngắn: Cây thánh giá, Cuộc gặp trên đồi Hoa mai (Tư Mai), Ánh sáng đời em (Văn Thanh), Xuân đến với lòng em (Phương Thảo), Lệ thắm góc rào (Chính Nghĩa); Bút ký Giữ đất (Huy Thăng), Một tấc không đi, một ly không rời...
Do điều kiện chiến tranh ác liệt, địch thường xuyên càn quét, đánh phá, nguồn giấy và vật tư (giấy sáp, mực in...) để in báo phải mua từ ngoài vùng địch tạm chiếm, do đó số lượng báo phát hành, số kỳ báo xuất bản cũng không ổn định. Chiến trường càng ác liệt, nguồn vật tư bị hạn chế, do đó số trang báo cũng bất thường, có số báo chỉ 4 trang, 8 trang, 12 trang nhưng cũng có số đến 38 trang như số báo Tết. Số lượng báo phát hành từng kỳ cũng bị ảnh hưởng như trên, nhưng số phát hành thấp nhất là 500 tờ và số cao nhất đến 6.000 tờ. Thời hạn ra báo có khi mỗi tháng một số (như từ năm 1962 đến 1965), nhưng cũng có khi phải 2 tháng mới ra được một số (như năm 1966, 1967).
Công tác phát hành báo phải dựa vào hệ thống giao bưu của tỉnh để phát hành về Trung ương, Khu miền Đông, các huyện các đơn vị quân đội, các chi bộ và cơ sở, vào các vùng địch tạm chiếm...
Năm 1968, chuẩn bị cho cuộc tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, Trung ương Cục miền Nam quyết định tổ chức lại chiến trường. Chiến trường Đồng Nai bấy giờ gồm có U1 (TX.Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu và huyện Trảng Bom); Phân khu 4 (bao gồm các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, khu vực cao su Bình Sơn, An Viễn, huyện Thủ Đức, quận 9; tỉnh Bà Rịa - Long Khánh).
Nhà in khu miền Đông giải thể, các phương tiện ấn loát như máy in (bằng gỗ), chữ chì, mực in, giấy in... được phân chia về cho các đơn vị nhà in của U1, Phân khu 4, Bà Rịa - Long Thành.
Theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, tất cả mọi lực lượng, mọi khả năng đều tập trung vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân để giành thắng lợi quyết định. Các cán bộ tuyên huấn, nhà in... đều ra mặt trận, đều tham gia xuống đường chiến đấu, tải thương, tải gạo, đạn dược cho các mặt trận.
Trong thời gian diễn ra cuộc tiến công Xuân Mậu Thân 1968, Báo Đồng Nai không ra được. Sau đó, do địch phản công nên việc tìm mua mực in, giấy in từ ngoài vùng tạm chiếm rất khó khăn. Bộ phận nhà in phải gói chữ chì thành từng gói nhỏ để bảo quản, hoặc giấu xuống các hầm bí mật. Máy in lớn không thể giữ vì cồng kềnh mang theo khó khăn. Bộ phận nhà in U1 Biên Hòa phải cải tiến, đóng bàn in bằng gỗ, chỉ có thể in khổ nhỏ bằng quyển tập 100 trang.
Chiến trường ác liệt là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho các Báo Đồng Nai, Giải Phóng phải ngưng xuất bản. Mãi đến ngày 15-9-1968, Báo Giải Phóng - cơ quan đấu tranh của nhân dân tỉnh Bà Rịa - Long Khánh mới ra lại. Báo cũng in khổ 30x40cm, mỗi số từ 8-12 trang in, số lượng phát hành từ 600-2.000 tờ/kỳ tùy theo tình hình cung cấp giấy in, mực in.
Số Báo Giải Phóng kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh ra ngày 15-9-1968. Những số báo sau đó, Báo Giải Phóng đều bám sát phong trào chống phá bình định của nhân dân địa phương, đấu tranh tố cáo tội ác của Mỹ và chính quyền tay sai trong việc tàn phá xóm làng, nhà cửa, tài sản nhân dân bằng bom pháo và chất độc hóa học.
Báo Đồng Nai ra đời và tiếp nối truyền thống
Ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, Ban Tuyên huấn miền Đông, Ban Tuyên huấn tỉnh Biên Hòa tiếp quản các cơ quan thông tấn, báo chí của chính quyền Sài Gòn tại Biên Hòa. Một thời kỳ mới cho báo chí cách mạng của tỉnh được mở ra và với nhiệm vụ mới: thống nhất nước nhà, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cán bộ, nhân viên Báo Đồng Nai một thời (Đức Việt, Phi Châu, Ngọc Tuấn... - năm 1986) |
Sau ngày giải phóng miền Nam 30-4-1975, các phóng viên của Thông tấn xã Giải Phóng Khu Đông Nam bộ do đồng chí Trịnh Yến phụ trách vẫn bám sát tình hình Đồng Nai để thông tin kịp thời các mặt hoạt động, ổn định tình hình an ninh chính trị, giữ vững thành quả cách mạng của Đồng Nai ra cả nước.
Chỉ một tuần sau đó, Khu ủy miền Đông quyết định xuất bản số báo đầu tiên của tỉnh Biên Hòa và giao cho các đồng chí Trần Văn Lực, nguyên Trưởng Phân xã miền Đông và các đồng chí: Trần Trác, Vũ Khánh, Lữ Sĩ Sinh, Đoàn Ngọc Giao... xoay xở từ khâu viết tin, bài đến in ấn cho ra mắt tờ Báo Biên Hòa,
ghi dấu ấn khó quên trong lòng nhân dân Biên Hòa - Đồng Nai đang rạo rực niềm vui của miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất. Cũng trong thời gian này, đồng chí Lê Quang Thành, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy xây dựng phương án trình Thường vụ cho xuất bản tờ báo mang tên Đồng Nai do Ban Tuyên huấn quản lý. Sau khi xuất bản được 32 số, thi hành nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, từ số 33 ra ngày 15-10-1976, Báo Đồng Nai chuyển thành cơ quan của Đảng bộ Đồng Nai, gồm 8 trang và xuất bản hàng tuần.
Cán bộ, nhân viên Báo Đồng Nai (năm 1988) |
Ban lãnh đạo báo Đồng Nai theo quyết định của Thường vụ Tỉnh ủy lúc đó gồm các đồng chí: Lê Quang Thành, chủ nhiệm; Lê Tư Huyền, Tổng biên tập và Đoàn Ngọc Giao, Phó tổng biên tập kiêm Thư ký tòa soạn. Song song đó, đài Đồng Nai, hệ thống đài truyền thanh cơ sở và hơn một chục tờ tin của các huyện, thành phố, một số đoàn thể, cùng tờ Văn nghệ Đồng Nai (thuộc Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) cũng ra đời. Báo chí Đồng Nai trong giai đoạn này tập trung tuyên truyền việc khôi phục sản xuất, ổn định tình hình đời sống nhân dân, bảo vệ chính quyền cách mạng; khắc phục hậu quả thiên tai, kêu gọi toàn dân, toàn quân dồn sức để bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc; nêu những biện pháp tháo gỡ khó khăn; ủng hộ các biện pháp, nỗ lực bung ra tìm các mô hình làm ăn mới trong công nghiệp, nông nghiệp để giữ vững sản xuất, vượt qua khủng hoảng.
Sau thời kỳ bao cấp, năm 1986 trong bối cảnh cả nước và Đồng Nai đang khởi động đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, báo chí Đồng Nai cũng tích cực chủ động đổi mới và được tiếp sức bằng những bài báo có tiêu đề “Những việc cần làm ngay” của tác giả N.V.L và sau đó là Chỉ thị 15 của Ban Bí thư đã tạo điều kiện cho báo chí, trong đó có báo chí Đồng Nai đổi mới ngày càng mạnh mẽ. Báo Đồng Nai đã sớm đi vào lĩnh vực gai góc là đấu tranh chống tiêu cực, vạch trần các hiện tượng lãi giả lỗ thật, nêu đích danh các cán bộ tham ô lãng phí, mất dân chủ. Cuộc chiến đấu trên lĩnh vực này của báo chí Đồng Nai hết sức gian nan, bị phản ứng quyết liệt của các đối tượng, thậm chí có phóng viên bị chụp mũ, bị tạm giữ nhưng được sự lãnh đạo sát sao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nên báo chí trong cuộc đấu tranh này vẫn giữ đúng định hướng và đạt hiệu quả.
Báo Đồng Nai, về chức năng, nhiệm vụ là đơn vị sự nghiệp của Tỉnh ủy Đồng Nai, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; có chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh; là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
Trong những năm gần đây, Báo Đồng Nai có nhiệm vụ tổ chức xuất bản Báo Đồng Nai (bản in) và Đồng Nai điện tử; từng bước tăng kỳ, mở rộng thêm các đầu báo in và tăng cường quy mô của báo điện tử nhằm thực hiện những nhiệm vụ thông tin tuyên truyền do Tỉnh ủy Đồng Nai giao phó.
Trong 40 năm xây dựng và phát triển, tờ báo đã có những bước phát triển theo xu thế chung của báo chí cả nước. Báo Đồng Nai hiện có 2 ấn phẩm, gồm: Báo Đồng Nai, khổ 29x42cm, 16 trang (kèm phụ trương quảng cáo có giấy phép riêng), phát hành 4 kỳ/tuần (thứ hai, thứ ba, thứ năm, thứ bảy); Đồng Nai điện tử (được chính thức phát lên mạng internet ngày 20-12-2001 và được truy cập theo địa chỉ: baodongnai.com.vn. Ngày 26-4-2005, Báo Đồng Nai đã nâng cấp Báo Đồng Nai điện tử và có thêm phần tiếng Anh…).
Báo in từ chỗ mỗi tuần 1 kỳ trong những năm đầu; đến 2 kỳ, 3 kỳ và từ năm 2010 đến nay là 4 kỳ/tuần. Cùng với việc đảm bảo tôn chỉ, mục đích của một tờ báo Đảng địa phương, Báo Đồng Nai đã từng bước đổi mới về nội dung lẫn hình thức. Nội dung tuyên truyền của báo ngày càng bám sát hơn thực tiễn cuộc sống, bám sát hơn những vấn đề thời sự mà bạn đọc quan tâm; đồng thời phản ánh được nhiều hơn những tâm tư, nguyện vọng của người dân, của bạn đọc. Từ năm 2013 đến nay, Báo Đồng Nai đã mở thêm nhiều chuyên trang, chuyên mục; tin bài được xử lý tốt hơn theo hướng báo chí hiện đại. Trong các đợt tuyên truyền lớn, như tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2015-2020), bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, hoặc các đợt tuyên truyền về Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... Báo Đồng Nai đã mở các tuyến bài tập trung, tạo được hiệu quả thông tin cao. Tuy còn nhiều khó khăn khách quan, nhưng số lượng phát hành của Báo Đồng Nai vẫn ổn định và trong một số thời điểm có tăng. Đặc biệt, ngoài việc phát hành qua hệ thống đặt báo dài hạn, báo còn phát hành qua đại lý bán lẻ và được đông đảo công chúng đón nhận. Đây là điểm khác biệt và ưu thế của tờ Báo Đồng Nai so với nhiều tờ báo Đảng địa phương về phương thức phát hành, đưa báo đến với công chúng rộng rãi...
Quyết định về việc từ 1-10-1976 báo thuộc Đảng bộ tỉnh. |
Những năm gần đây, Báo Đồng Nai có tác phẩm đoạt giải báo chí quốc gia và nhiều giải chuyên ngành trung ương, địa phương. Những tác phẩm báo chí đoạt giải là những đề tài từ thực tiễn địa phương nhưng mang ý nghĩa và vấn đề phản ánh thực trạng chung của cả nước. Trong định hướng phát triển, tờ báo nâng cao chất lượng thông tin của báo in, phát triển Báo Đồng Nai điện tử với nhiều chức năng tích hợp các loại hình báo chí. Tờ báo điện tử trong tương lai sẽ là hướng phát triển để hỗ trợ báo in tiếp tục mở rộng, thu hút công chúng độc giả đến với tờ báo và cũng là nguồn kinh tế chủ lực của tờ báo.
Về tổ chức bộ máy, Báo Đồng Nai hiện có 56 cán bộ, phóng viên, nhân viên (bao 26 biên chế, 30 hợp đồng dài hạn và NĐ 68). Trong đó, đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên trực tiếp làm chuyên môn, nghiệp vụ là 30 người, hầu hết đều có trình độ chuyên môn đại học trở lên và trình độ chính trị từ trung cấp trở lên, trong đó có 9 cao cấp chính trị, 4 thạc sĩ. Ban Biên tập có 3 người. Báo Đồng Nai hiện có 3 phòng (Phòng Tòa soạn, Phòng báo điện tử và Phòng Tổ chức - hành chính), 4 Ban (Ban Kinh tế, Ban Pháp luật - đời sống, Ban Văn hóa - xã hội, Ban Bạn đọc) và Trung tâm dịch vụ - quảng cáo báo chí.
Các tổ chức đảng, đoàn thể gồm có: Chi bộ có 23 đảng viên với Ban Chi ủy có 5 người; Công đoàn có 57 đoàn viên; Chi hội Nhà báo có 27 hội viên và Chi đoàn có 19 đoàn viên.
Những năm gần đây, tình hình kinh tế chung của cả nước có nhiều khó khăn, thách thức, trong đó Báo Đồng Nai cũng đã đối mặt với không ít khó khăn, như: nhiều doanh nghiệp làm ăn giảm sút dẫn đến việc thu hút quảng cáo không thuận lợi; tình hình cạnh tranh khai thác thông tin trên địa bàn tỉnh ngày càng quyết liệt, trong đó có nhiều phụ bản báo “lá cải” của các tờ báo bộ, ngành Trung ương (chỉ tập trung vào nội dung cướp, hiếp, giết…) đã gây sức ép về số lượng phát hành báo in của Báo Đồng Nai.
Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, khen thưởng đi đôi với việc sắp xếp, phân công hợp lý nguồn nhân lực trong toàn cơ quan, Báo Đồng Nai đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao và có sự tăng trưởng về số lượng lẫn chất lượng. Báo Đồng Nai là một trong số rất ít tờ báo Đảng địa phương có tới 30-40%/ tổng số báo in ra được phát hành rộng rãi ra bạn đọc bên ngoài, nhờ vậy nguồn thu quảng cáo của Báo Đồng Nai khá ổn định.
Thông tri về việc mua Báo Đồng Nai |
Trong những năm gần đây, đặc biệt là kể từ sau khi thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào thi đua yêu nước, Báo Đồng Nai đã kiện toàn và củng cố lại phong trào thi đua trong toàn cơ quan để trở thành động lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị. Đặc biệt, Ban biên tập khuyến khích, cổ súy tinh thần thi đua nhạy bén trong việc khai thác, đưa tin, viết bài. Ban biên tập tạo điều kiện cho các Ban phóng viên và từng phóng viên khai thác sâu thế mạnh của mỗi tập thể, cá nhân để đề xuất tổ chức các tuyến bài, loạt bài có thể gây tiếng vang và thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Nhiều phóng viên Báo Đồng Nai đã kịp thời có mặt mọi nơi, mọi lúc khi có sự kiện phát sinh hoặc thường xuyên bám sát các địa bàn vùng sâu, vùng xa để phản ánh đời sống, sản xuất của người dân. Phóng viên Báo Đồng Nai đã mở rộng phạm vi tác nghiệp. Nhiều sáng kiến, cải tiến công tác tuyên truyền bám sát thực tiễn sinh động và các nhiệm vụ chính trị của tỉnh đã được thực hiện.
Với truyền thống 70 năm, cùng 40 năm hình thành và phát triển, Báo Đồng Nai đã hòa mình vào nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ và đã có những đóng góp tích cực, xứng đáng là công cụ tư tưởng văn hóa quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam, và là tiếng nói của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Hà Lam (tổng hợp)