Ông là người Mỹ gốc Việt đầu tiên đến Việt Nam (VN) thực hiện công việc của một nhà ngoại giao với tư cách là Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh từ tháng 8-2010. Ông tham gia ngành ngoại giao từ năm 1991 và đã sang các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn quốc, Malaysia, Singapore làm nhiệm vụ trước khi đến VN. Trong không khí chộn rộn của những ngày chuẩn bị đón Tết Quý Tỵ, chúng tôi đã được ông Tổng lãnh sự Lê Thành Ân dành cho cuộc trò chuyện thân mật.
Ông Lê Thành Ân |
Ông là người Mỹ gốc Việt đầu tiên đến Việt Nam (VN) thực hiện công việc của một nhà ngoại giao với tư cách là Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh từ tháng 8-2010. Ông tham gia ngành ngoại giao từ năm 1991 và đã sang các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn quốc, Malaysia, Singapore làm nhiệm vụ trước khi đến VN. Trong không khí chộn rộn của những ngày chuẩn bị đón Tết Quý Tỵ, chúng tôi đã được ông Tổng lãnh sự Lê Thành Ân dành cho cuộc trò chuyện thân mật.
* Thưa ông, thấm thoát đã gần 3 năm ông hiện diện trên đất mẹ với tư cách là nhà ngoại giao của một nước mà trong quá khứ đã để lại "ấn tượng khó phai" với VN, ông thấy mình đã thực hiện nhiệm vụ như thế nào?
- Tôi thấy đây giống như phần thưởng mà Chính phủ Hoa Kỳ đã dành cho tôi, một viên chức gốc Việt sau 45 năm xa quê hương. Trong hai năm rưỡi qua tôi đã đi được 29 tỉnh, thành trong tổng số 33 tỉnh, thành do tôi phụ trách. Thăm được nhiều nơi, hiểu nhiều về cuộc sống của người dân ở các vùng miền. Năm ngoái thương mại của 2 nước đã đạt mức 22 tỷ USD so với 500 triệu USD của những năm trước đó và hy vọng phải đẩy lên 25 tỷ USD vào những năm sắp tới. Bản thân tôi cũng đã nỗ lực giúp cho chính phủ hai bên hiểu nhau rõ ràng hơn. Một trong những công việc đóng góp cụ thể giúp chúng tôi thương thảo phát triển mối quan hệ giữa hai nước là giải quyết công việc tẩy rửa chất độc da cam ở Đà Nẵng và Biên Hòa. Quân đội giữa hai nước cũng có sự tăng cường quan hệ, đào tạo giữa hai bên. Ngoài ra còn có những hoạt động tìm kiếm hài cốt lính Mỹ trong chiến tranh VN và giúp VN phòng chống AIDS…
* Nhiệm kỳ của một tổng lãnh sự là 3 năm, phải mất thời gian tiếp cận, tìm hiểu, khi hiểu và quen thì cũng là lúc sắp hết nhiệm kỳ, Ông có chạy đua với thời gian vào lúc này?
- 3 năm trôi qua nhanh, tôi và vợ tôi rất vui với công việc. Tôi thì thực hiện “show” diễn không chỉ một mình mà dưới tôi còn có gần 60 cộng sự. Và công việc thì kế thừa của người tiền nhiệm, mình sẽ phát triển, mở rộng thêm. Cũng có thể có việc mình khởi xướng và người kế nhiệm sẽ thực hiện. Vợ tôi cũng thế, cô ấy đã đẩy mạnh các hoạt động từ thiện. Năm ngoái cô ấy đã cùng Câu lạc bộ các phu nhân tổng lãnh sự tổ chức hội chợ từ thiện thu được 90 ngàn USD và năm nay dù nền kinh tế có nhiều khó khăn nhưng vẫn thu được 121 ngàn USD từ hoạt động đó. Số tiền này đã giúp cho Hội hữu nghị, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo thực hiện chăm sóc mổ mắt cho người nghèo, tặng học bổng cho 100 trẻ em khiếm thính của 4 tỉnh: Tây Ninh, Tiền Giang, An Giang và Bến Tre.
* Nhân nhắc tới hoạt động của các quý phu nhân tổng lãnh sự, tôi xin hỏi, ông nghĩ về người đàn ông thành đạt ra sao?
- Tôi nghĩ, ông bà ta có câu “giàu vì bạn, sang vì vợ” cũng là đúc kết, chiêm nghiệm của những người đi trước. Hồi trước, vợ tôi cũng đang làm bên lĩnh vực giáo dục, bất động sản nhưng khi có con nhỏ cô ấy đành hy sinh công việc để chăm sóc các con dù khi mới gia nhập ngành ngoại giao, thu nhập của tôi không nhiều. Sau này khi tôi làm công việc ngoại giao thì cứ 3 năm từ nước này qua nước kia, vợ tôi không thể làm việc gì vì đi theo chồng nên vợ tôi đã hoạt động từ thiện ở những nước mà tôi đến công tác, tôi nghĩ như vậy cũng là một phần thưởng cho mình.
* Ông chia sẻ gì với các sinh viên VN đang muốn trở thành nhà ngoại giao?
- Tôi có nhiều cuộc tiếp xúc, nói chuyện với các em sinh viên và tôi nhận thấy sinh viên VN thiếu 3 yếu tố: Không dám phản biện, không dám đặt câu hỏi, khả năng diễn đạt yếu và ngoại ngữ cũng chưa tốt.
* Thời gian cho nhiệm kỳ không còn nhiều, ông hiện có những mối quan tâm gì?
- Thương thảo về Hiệp định thương mại Thái Bình Dương nhằm cải thiện quan hệ thương mại giữa 2 nước. Chúng tôi cũng thấy các công ty Hoa Kỳ có thể tham gia vào lĩnh vực y tế vì hàng năm người dân trong nước bỏ cả tỷ USD ra nước ngoài khám, chữa bệnh. Tôi cũng rất quan tâm đến sự học cho các học sinh, sinh viên nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Các em này thiếu thốn tài chính, điều kiện học tập, thiếu cả thông tin và không được học ngoại ngữ. Chúng tôi cũng đã thành lập Trung tâm tư vấn giáo dục cho sinh viên, tìm kiếm nguồn học bổng. Tổng lãnh sự cũng đã gởi nhiều giáo viên đến những vùng xa giúp đỡ việc dạy tiếng Anh. Quỹ Bill Gate cũng tài trợ kết nối Internet ở vùng sâu vùng xa… Tôi cũng hy vọng là khoảng 15 ngàn sinh viên ra nước ngoài du học hàng năm sẽ quay về phục vụ đất nước bằng kiến thức tích lũy được từ nước ngoài.
* Còn một bộ phận Việt kiều thì như thế nào, thưa ông?
- Tôi nghĩ VN phải có chính sách đối với Việt kiều để họ trở về, lực lượng này rất quan trọng, có khả năng đóng góp cho nền kinh tế và các lĩnh vực khác. Với số kiều hối gởi về đạt 7-8 tỷ USD/năm, nếu tính không chính thức nữa thì có thể lên tới 10 tỷ USD, nếu không tính cách nào cho hiệu quả thì 20 năm nữa VN sẽ mất số tiền này vì lúc đó lớp trẻ ở nước ngoài sẽ gởi về cho ai? Tôi cũng lo rằng thế hệ tôi khi được hỏi về quốc tịch, tôi nói là người Mỹ gốc Việt, nhưng lớp con cháu tôi sẽ nói “tôi là người Mỹ” ! Vậy mình phải có cách nào để níu giữ lớp trẻ này giữ được tình cảm với quê cha đất tổ với câu trả lời “Tôi là người Mỹ nhưng cha mẹ tôi là người Việt”? Thật tình tôi có sự lo lắng về thế hệ nối tiếp cũng như dòng tiền kiều hối chảy về VN có được như hiện tại!
Sản xuất mỹ phẩm và thực phẩm chức năng của Công ty Amway có vốn đầu tư của Hoa Kỳ tại Khu công nghiệp Amata - Biên Hòa. |
* Ở các chương trình Chuông vàng vọng cổ, người xem tivi thường thấy có sự xuất hiện của hai ông bà?
- Khi nào có thời gian là chúng tôi thường đến thưởng thức những buổi trình diễn ấy, khi nghe cải lương tôi lại nhớ về thuở ấu thơ của mình ở một tỉnh miền Tây sông nước. Dù 10 tuổi đã ra nước ngoài nhưng những câu ca cổ thì vẫn làm tôi vấn vương. Những ca từ của nhạc Trịnh cũng là niềm yêu thích của tôi và tôi nghiền ngẫm về nó …
* Ông bà chuẩn bị đón Tết cổ truyền như thế nào?
- Vợ tôi làm đủ các món và mời anh chị em trong cơ quan tổng lãnh sự cũng như một số thân hữu đến dự tất niên. Nhà tôi cũng có bàn thờ chưng Tết cúng ông bà tổ tiên. Tết thường là dịp mà chúng tôi được đón người thân từ Mỹ về. Năm nay mẹ tôi 89 tuổi, lần đầu tiên về ăn Tết tại VN, chúng tôi sẽ đưa cụ đi chơi ở biển.
* Xin cảm ơn ông!
Kim Loan