Buổi chiều, khi cô con dâu chở đứa cháu trai từ nhà trẻ về, bà đang ngồi đọc sách, cuốn “Thành tích của ngành giáo dục địa phương”. Về hưu đã ba năm, bà vẫn quan tâm đến những gì diễn ra với cái nghề đưa đò mà bà theo đuổi từ năm hai mươi ba tuổi.
Buổi chiều, khi cô con dâu chở đứa cháu trai từ nhà trẻ về, bà đang ngồi đọc sách, cuốn “Thành tích của ngành giáo dục địa phương”. Về hưu đã ba năm, bà vẫn quan tâm đến những gì diễn ra với cái nghề đưa đò mà bà theo đuổi từ năm hai mươi ba tuổi.
- Con khoe nội đi nào, Trọng!
Thằng cháu trai nghe lời mẹ, đến đứng trước mặt bà. Nó khoanh tay “Chào nội con đi trẻ về” rồi chìa ra tờ phiếu bé ngoan. Bà xoa đầu cháu: “Cưng của nội ngoan lắm”.
Khi hai mẹ con thằng Trọng vào nhà, bà vẫn ngồi lại trước sân, mắt lại nhìn xuống trang sách đang đọc dở.
Bỗng trong đầu bà vụt qua một hồi ức. Mấy mươi năm làm việc, bà cũng từng được nhận không ít giấy khen, bằng khen của các cấp, từ Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục đến Ủy ban nhân dân tỉnh, đến Bộ Giáo dục. Cả đến Huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục” bà cũng có. Những phút giây sung sướng, hạnh phúc trong các buổi lễ tổng kết, lễ khen thưởng hiện ra trong thoáng hồi ức khiến bà thấy lâng lâng khó tả. Không dằn được, bà vào nhà, về phòng mình mở tủ lấy ra những khung kính bằng khen, giấy khen đặt cả lên giường mà ngắm nghía...
Chợt, bà nhớ đến tấm bằng khen “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh” đầu tiên của mình khi bà là giáo viên Trường trung học Quyết Tâm. Bà lục tìm trong những khung gỗ lộng kính, trên những hình ảnh và con dấu đỏ chót cùng tên bà và thành tích ghi bằng bút sắt, mực đen... Lạ quá! Không thấy tấm bằng khen ấy đâu cả?. Bà lục tìm thêm lần nữa, một cách thứ tự và khoa học hơn, nhưng vẫn hoài công. Bà tự hỏi: “Không biết mình để nó ở đâu rồi?”.
***
Đêm khuya. Bà nằm trằn trọc. Bà không cố ý nhớ nhưng chuyện về tấm bằng khen “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh” đầu tiên ấy vẫn cứ trở về. Năm ấy, “chỉ tiêu” của trường Quyết Tâm chỉ được hai chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Thầy hiệu trưởng đã có, nay đến lượt cô hiệu phó là hết một “chỉ tiêu”. Phần mấy chục giáo viên chỉ còn lại một. Và bà là một trong hai ứng cử viên sáng giá nhất. Người kia là thầy Tú, cùng tổ bộ môn với bà. Bên tám lạng, đằng nửa cân khiến hội đồng thi đua phải cân nhắc cẩn thận. Bà nghe nói trong một phiên họp, hội đồng đã đi đến nhất trí: khi thành tích, ưu điểm như nhau thì xét đến khuyết điểm, ai ít khuyết điểm hơn sẽ được.
Đó là những ngày khá căng thẳng với bà. Thực ra, nếu năm sau mới được xét công nhận thì với bà cũng chẳng sao. Tuổi bà còn kém thầy Tú đến gần chục. Có giáo viên trong hội đồng đã gợi ý bà nhường cho thầy Tú vì chỉ còn một năm học nữa thầy sẽ về hưu, cần được ưu tiên. Bà vui vẻ nói: “Mình thì sao cũng được” trong khi thực tâm, bà rất muốn được công nhận là Chiến sĩ thi đua tỉnh trong năm ấy. Cuối năm, con trai bà sẽ kết hôn và bà muốn vợ nó cũng là một giáo viên, là con dâu của một Chiến sĩ thi đua tỉnh chứ không chỉ là của một giáo viên lâu năm!
Rất bất ngờ khi thầy Tú tìm đến gặp bà. Thầy đưa cho bà xem một tờ đơn. Thầy nói: “Tôi đã viết kiến nghị được rút khỏi danh sách dự xét chiến sĩ thi đua tỉnh. Tôi sắp hưu rồi, có được công nhận cũng chỉ để cho vui thôi. Còn cô, tôi nghĩ nếu cô được công nhận sẽ có lợi cho tổ bộ môn hơn”. Ngừng một chút, giọng thầy trầm ngâm: “Vả lại, tôi chẳng muốn người ta moi móc những khuyết điểm của cả cô lẫn tôi ra để định giá từng người”.
Năm ấy, bà đã được lên bục hội trường nhận bằng khen “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh” trong một buổi lễ trang trọng, lòng thầm cảm phục thầy Tú. Bà ôm bó hoa mình vừa được nhận xuống tận chỗ người thầy già ngồi, trân trọng tặng lại thầy. Bà nói: “Em mong là sang năm, thầy sẽ được nhận vinh dự này”. Cả hội trường chứng kiến, vang lên một tràng pháo tay kéo dài...
***
- Má ơi! Năm giờ sáng rồi, má dậy còn chuẩn bị đi tập dưỡng sinh!
Tiếng của cô con dâu khiến bà giật mình choàng tỉnh. Đêm qua, chắc bà đã thức khuya lắm và chỉ thiếp đi vì mệt. Bà uể oải ngồi dậy:
- Bữa nay má nghỉ. Má thấy trong người không được khỏe lắm... Nhưng không sao, vợ chồng con cứ yên tâm đưa thằng Trọng đi nhà trẻ rồi đi làm. Má nghỉ ngơi một bữa là lại khỏe ngay thôi mà...
Cả buổi sáng hôm ấy, ở nhà một mình, bà lục tìm tấm bằng khen nhiều kỷ niệm của mình. Thật lạ! Nó vẫn biến đi đâu mất. Rồi bà nhớ lại chuyện đầu năm học sau, thầy Tú bị bệnh phải nhập viện điều trị hàng tháng, không đủ tiêu chuẩn xét Chiến sĩ thi đua nữa. Cuối năm ấy thì thầy về hưu.
Bà vào phòng của thằng cháu trai tìm cầu may. Trước mặt bà, những mảnh giấy nho nhỏ in dòng chữ “Phiếu bé ngoan” của thằng bé được dán thành nhiều hàng ngang ngay ngắn trên tường. Bà nhớ lại nét mặt của thằng Trọng mỗi khi nó khoe bà tấm phiếu bé ngoan, thật tự hào và vui vẻ khiến bà cũng vui lây vì tin là cháu mình thực sự là một đứa bé ngoan ngoãn.
Bà trở ra phòng khách, quyết định không tìm tấm bằng khen của mình nữa. Nó đã từng có mặt trên đời và bây giờ thì biến mất... Cái có thật trong lòng bà, cái sẽ chẳng bao giờ mất đi, là niềm tin rằng mình xứng đáng với tấm bằng khen.
Chỉ tiếc cho thầy Tú... Giá như thời gian đi ngược lại, và người làm đơn xin rút khỏi cuộc bình xét năm nào là bà chứ không phải là thầy...
Truyện của Khôi Vũ