Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà thiết kế Minh Hạnh: Được sống với nghề mình yêu quý là hạnh phúc

02:02, 05/02/2013

Trong giới thiết kế thời trang Việt Nam, Minh Hạnh là một tên tuổi đã tạo được dấu ấn sau 20 năm dấn thân với nghề. Tên của chị đã vượt qua không gian quốc gia để có mặt ở những nước được coi là kinh đô thời trang thế giới, như: Pháp, Ý, Anh, Hoa Kỳ. Năm 2012, chị là nhà thiết kế Việt Nam duy nhất được mời tham dự lễ hội quốc tế về dệt may đặc biệt (FITE) tổ chức tại Pháp từ ngày 12 đến 16-9-2012. Lễ hội được UNESCO tài trợ và Bộ Văn hóa - truyền thông nước Cộng hòa Pháp chứng nhận “Triển lãm vì lợi ích quốc gia”. Chị cho biết, năm 2013 lễ hội về ngành dệt may thế giới sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng chị trong không khí chộn rộn của mùa Xuân mới lại về…

Trong giới thiết kế thời trang Việt Nam, Minh Hạnh là một tên tuổi đã tạo được dấu ấn sau 20 năm dấn thân với nghề. Tên của chị đã vượt qua không gian quốc gia để có mặt ở những nước được coi là kinh đô thời trang thế giới, như: Pháp, Ý, Anh, Hoa Kỳ. Năm 2012, chị là nhà thiết kế Việt Nam duy nhất được mời tham dự lễ hội quốc tế về dệt may đặc biệt (FITE) tổ chức tại Pháp từ ngày 12 đến 16-9-2012. Lễ hội được UNESCO tài trợ và Bộ Văn hóa - truyền thông nước Cộng hòa Pháp chứng nhận “Triển lãm vì lợi ích quốc gia”. Chị cho biết, năm 2013 lễ hội về ngành dệt may thế giới sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng chị trong không khí chộn rộn của mùa Xuân mới lại về…

CẦN CÓ ĐỦ “NỘI LỰC”

* Thời khủng hoảng thì dường như người ta vẫn đầu tư thời gian và tiền bạc cho “thời trang", chị có nghĩ như vậy không?

- Điều nguy hiểm nhất của thời trang đó chính là phần hình thức. Điều này dẫn đến sự ngộ nhận của đa số về thời trang. Bản chất của thời trang chính là sự thay đổi cuộc sống của con người, làm cho con người mới hơn, đẹp hơn và thoải mái hơn mỗi ngày. Muốn làm được điều này thì chúng ta cần phải biết được điều cốt lõi của cuộc sống, thích nghi được với sự thay đổi và dự báo được sự phát triển của cuộc sống. Vì vậy, thời khủng hoảng cũng chính là lúc mà thời trang xuất hiện như một phần tham gia làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn mỗi ngày trong sự khó khăn vốn có.

Các người mẫu Pháp với các mẫu thiết kế của Minh Hạnh trong buổi biểu diễn khai mạc Lễ hội quốc tế dệt may đặc biệt tại Bảo tàng Bagion-Clemont Ferrand (Pháp) ngày 13-9-2012.  ( Ảnh do nhà thiết kế  Minh Hạnh cung cấp).
Các người mẫu Pháp với các mẫu thiết kế của Minh Hạnh trong buổi biểu diễn khai mạc Lễ hội quốc tế dệt may đặc biệt tại Bảo tàng Bagion-Clemont Ferrand (Pháp) ngày 13-9-2012. ( Ảnh do nhà thiết kế Minh Hạnh cung cấp).

* Vậy khủng hoảng có ảnh hưởng gì đến giới thiết kế thời trang như chị?

- Khủng hoảng đến và chưa biết lúc nào sẽ đi, việc ảnh hưởng tất nhiên là có và những nhà thiết kế cũng vất vả với những chuyển biến này. Việc đầu tiên là cần phải lao động gấp 5 lần với tư duy của một nhà thiết kế và người làm nghiên cứu thị trường.

* Chị nghĩ gì về sự “xâm lăng” của văn hóa, thời trang các nước?

- Thế giới bây giờ đã trở nên "phẳng" rồi, việc du nhập và ảnh hưởng văn hóa của những đất nước nào khác là điều dễ hiểu. Điều đáng nói ở đây là chúng ta cần có đủ "nội lực" để giữ được những vốn quý của mình mà vẫn biết cách tiếp nhận những điều tốt đẹp nhất từ văn hóa các nước. Nếu không, chúng ta dễ dàng bị mất hút trong những ánh hào quang tưởng như là sự văn minh nhưng thực chất là sự lạc hậu. Điều chúng ta tưởng rằng đó là thời trang thì chính là sự lai căng, sao chép. Khi đứng trước những thách thức mang tính thời đại thì chỉ có bản sắc và tri thức thời đại mới giúp chúng ta vượt qua được khó khăn này.

Về ngành dệt may thế giới năm 2013 được tổ chức tại Việt Nam, tôi nghĩ đây là dịp để Việt Nam nhìn rõ hơn về vị thế của Việt Nam trong thế giới thời trang đa sắc màu, sự gắn kết giữa quá khứ - hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại, giữa Đông và Tây… Và quan trọng là một chiến lược phát triển đúng đắn thì sẽ có đội ngũ cho ngành thời trang hôm nay và ngày mai. Được như vậy thì mới có thể nói đến vai trò của thời trang trong thời đại, giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống - vốn quý của mỗi dân tộc - trong sự kết nối với cộng đồng thế giới, tạo nên sự cân bằng giữa văn hóa và kinh tế trong môi trường phát triển bền vững.

* Còn người mẫu Việt Nam, hình như họ nổi tiếng về các scandal hơn là làm nghề thật sự, chị chia sẻ về góc nhìn này như thế nào?

- Đó cũng là trào lưu của cuộc sống hiện nay. Có những trào lưu làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn và cũng có những trào lưu đi ngược lại. Đối với những đất nước đang phát triển thì điều này càng bộc lộ một cách rõ nét hơn. Đây được coi là sự hạn chế trong quá trình phát triển của một ngành nghề và cũng làm chậm sự phát triển chung của xã hội.

* Phải chăng người mẫu Việt Nam chuyên nghiệp dường như còn hiếm?

- Những năm gần đây, tôi thấy đã có những bạn trẻ đủ tiêu chuẩn là một người mẫu chuyên nghiệp. Nhưng thật tình mà nói con số này còn ít lắm và ít hơn mỗi ngày bởi những người muốn làm nghề thật sự chuyên nghiệp không thể vượt qua được những “bức tường lửa” và cũng không ít người đã gục ngã vì những cạm bẫy mang hình danh vọng.

* Theo chị thì đã có sự tiến bộ nào về ngành thời trang Việt chưa?

- Khi nói về thời trang của Việt Nam, chúng ta cần nói đến ngành công nghiệp thời trang của một đất nước đã có hơn 30 năm phát triển bằng may mặc. Thật sự đến giờ này, Việt Nam vẫn chưa có một ngành công nghiệp thời trang đúng nghĩa. Là một ngành mới mà là một ngành tưởng như có nhiều "danh vọng và tiền tài", vì thế nên rất nhiều bạn trẻ muốn khám phá. Sự phát triển của một người hay một nhóm thiết kế khó được xem là sự tiến bộ của một ngành nghề. Cá nhân của từng nhà thiết kế đã có những tiến bộ rõ rệt, nhất là việc chinh phục thị trường thời trang nội địa. Nhưng thời trang của một đất nước có gần 88 triệu dân cần được coi là một ngành kinh tế mũi nhọn. Và như vậy cần phải có chiến lược mang tầm quốc gia.

*  Làm gì để có những người mẫu chuyên nghiệp và ngành thời trang ra thời trang, mang bản sắc Việt?

- Là cần phải làm nghề một cách bình tĩnh và chuyên nghiệp nhất.

LÀM NGHỀ THỜI TRANG - VẤT VẢ CẢ ĐỜI

* Dự báo tình hình kinh tế năm 2013 vẫn chưa cải thiện như mong đợi, chị nghĩ gì về xu thế thời trang năm 2013?

- Với áp lực của cuộc suy thoái kinh tế nhiều năm liền như hiện nay, những nhà nghiên cứu và tâm lý học trên thế giới mong muốn cuộc sống vẫn chuyển động trong sự bình yên và nhẹ nhàng. Chính vì vậy gam màu nhẹ trung gian tạo cảm giác thanh thoát, thân thiện sẽ được yêu chuộng cùng với chất liệu tự nhiên và sự chủ động của con người trong việc bảo vệ môi trường sống cũng được đặt ra với những giải pháp tích cực thể hiện qua thời trang. Những giá trị truyền thống tiếp tục được tôn vinh.

* Và những nhà thiết kế vẫn như con ong cần mẫn qua từng mẫu thiết kế của mình?

- Đời sống của những nhà thiết kế luôn ở trong trạng thái “ngược”. Khi thu - đông đến thì phải sống trong cảm giác xuân - hè vì sống mùa này nhưng phải có ý tưởng thiết kế sản phẩm cho mùa sau. Cứ như những cuộc hẹn hò định sẵn: xuân - hạ - thu - đông, các bộ sưu tập ra mắt trong Tuần lễ thời trang Việt Nam hàng năm hay những cuộc trình diễn, lễ hội trong và ngoài nước  mà mình tham gia. Nói đến thiết kế là nói đến sáng tạo, muốn sáng tạo phải có ý tưởng, có kiến thức sâu về văn hóa, lịch sử và cũng phải “update” thông tin mới từ cuộc sống. Vinh dự khi được công nhận là Nhà thiết kế nhưng lao động cống hiến cho nghề cũng đòi hỏi sự tâm huyết, sáng tạo, bền bỉ và nhiều lúc cũng lắm nhọc nhằn. Tuy nhiên, được sống bằng nghề mình yêu quý cũng là hạnh phúc mà mình phải nhọc công mới mong đạt được.

* Chúc chị và các nhà thiết kế cùng ngành thời trang Việt sẽ tiếp tục khởi sắc, có nhiều tín hiệu vui trong năm mới.

Kim Loan (Thực hiện)

 

 

 

Tin xem nhiều