Báo Đồng Nai điện tử
En

Lòng dân - sức mạnh của một dân tộc!

03:02, 07/02/2013

Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, sau tên Nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi rõ ba tiêu chí quan trọng: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. 

Bác Hồ

Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, sau tên Nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi rõ ba tiêu chí quan trọng: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.  

Có lẽ đó là những tiếng Tự do - Hạnh phúc lần đầu tiên người dân Việt Nam được nghe một cách công khai, được hô to từ lồng ngực khát khao hạnh phúc mà hàng trăm năm qua ông cha họ, và chính họ nữa, đã bị chế độ phong kiến, thực dân đè nén, bóc lột.

Độc lập chỉ có ý nghĩa khi đi liền với Tự do, Hạnh phúc, và Bác Hồ nói: “Nếu được độc lập mà người dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Rất nhiều lần, rất nhiều lần, Người đã nói đến nhiệm vụ phải chăm lo hạnh phúc cho nhân dân, đó chính là điều quan tâm trước nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt nhân dân trong mọi suy nghĩ và hành động của mình. Bác nói:

“Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm, Đảng và Chính phủ có lỗi”.

Đó chính là giá trị nhân văn cao cả, là ý thức trách nhiệm sâu sắc và tình thương yêu, quý trọng của người lãnh đạo đối với nhân dân  mình.

Chúng ta đều biết, xã tắc hình thành từ nhân dân, có nhân dân mới có đất nước. Từ hàng ngàn năm trước, tri thức của loài người đã đúc kết là “Dĩ dân vi bản”. Dân là gốc của Nước. Chế độ chính trị nào vì nhân dân, chăm lo cho đời sống của nhân dân thì chế độ ấy thịnh trị và ngược lại sẽ bị nhân dân lật đổ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế gian không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Người suốt đời gần gũi với nhân dân, quý trọng nhân dân, học hỏi nhân dân. Tác phong gần gũi với nhân dân là nét tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người luôn sống giản dị, hòa mình vào đời sống của nhân dân, lúc nào cũng nghĩ đến hạnh phúc của nhân dân. Một chiếc áo bông mặc đã nhiều năm, áo đã sờn vai, bạc màu, anh chị em ở văn phòng đề nghị Bác thay áo khác, Bác nói: “Nhiều cụ già ở nông thôn có được chiếc áo này là quý lắm đấy, các chú ạ”. Một lần khác, Bác nói: “Chủ tịch nước mặc áo vá là cái phúc của dân, sao các chú lại dám bỏ cái phúc ấy đi”. Và Bác nói, khi nhân dân còn thiếu thốn, mà mình ăn mặc xa hoa, ăn uống lãng phí là vô đạo đức.

Thủ tướng Phạm văn Đồng đã viết:

“Luận điểm về con người của Hồ Chí Minh là luận điểm về các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân lao động, tin ở dân, dựa vào dân, bồi dưỡng sức dân, phát huy năng lực của dân. Lực lượng cách mạng theo Hồ Chí Minh là lòng dân, có lòng dân là có tất cả, mất lòng dân là mất hết”.

Trong bản Di chúc thiêng liêng của mình gửi lại cho những thế hệ sau, Bác viết:

“Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bốc lột, lại phải kinh qua nhiều năm chiến tranh.

Tuy vậy nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng.

Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong bản Di chúc của mình, Bác đã 17 lần nhắc đến chữ “Nhân dân”. Và trong Di chúc của Người, những chữ “Nhân dân” Bác đều gạch dưới.

Một lần, trong một cuộc họp bàn về chống đói. Bác nói: “Các chú biết không, người xưa nói “Dân dĩ thực vi thiên”. Có đồng chí tưởng Bác nói nhầm, bèn nói “Thưa Bác, dĩ thực vi tiên chứ ạ”. Bác cười và giải thích, ngày xưa Lục Sinh nói với Hán Cao Tổ: “Nhà vua lấy dân làm trời, dân thì lấy cái ăn làm trời”. Vì thế, Bác luôn luôn lo đến đời sống của dân, Bác nói để dân đói là Đảng có lỗi.

* * *

Mỗi lần nói đến nhân dân là Bác nói đến vấn đề chăm lo cho đời sống của nhân dân.

Bác không nói đến những lý luận cao xa về chủ nghĩa xã hội, mà Bác nói một cách giản dị, dễ hiểu:

“Nói một cách tóm tắt, mộc mạc thì chủ nghĩa xã hội trước hết là làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một cuộc đời hạnh phúc” (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 10 - trang 17).

“Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, người già không lao động được thì được nghỉ ngơi...” (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 10 - trang 556).

Đáng chú ý là trong hai câu nói ngắn gọn về chủ nghĩa xã hội này của Bác, đã có những từ: “Một cuộc đời hạnh phúc... ngày càng sung sướng”. Nghĩa là theo Bác, chủ nghĩa xã hội phải đem đến cho nhân dân một cuộc sống vật chất ngày càng tăng và tinh thần ngày càng tốt.

Bác Hồ chỉ rõ: Bệnh quan liêu, xa dân, không tôn trọng nhân dân là nguy cơ của một Đảng cầm quyền. Hiện nay, nhiều nơi cán bộ còn cửa quyền, ngại tiếp xúc với dân, thiếu quan tâm đến cuộc sống của người dân, không tuyên truyền, giáo dục, động viên... mà chỉ thiên về mệnh lệnh. Thậm chí có nơi còn có hành động đi ngược lại lợi ích của đa số nhân dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Cán bộ lãnh đạo đến địa phương thì nhiều, nhưng chỉ gặp cán bộ lãnh đạo còn gặp dân thì ít, không tìm hiểu được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng. Những vấn đề đi học, chữa bệnh... còn là nỗi lo lắng của nhân dân. Nạn suy thoái đạo đức, lối sống, nạn tham nhũng, hối lộ, lãng phí... làm mất niềm tin của nhân dân.

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi.
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi.

Khi nói về cán bộ, Bác viết:

“Cán bộ muốn xứng đáng thì phải làm được việc. Muốn làm được việc thì phải được dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn được dân tin, dân phục, dân yêu thì cán bộ phải tự mình... siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng. Nếu không thực hành được 4 điều đó mà muốn được lòng dân thì cũng như bắc dây leo trời!”.

Tư tưởng vì nhân dân là một nội dung quan trọng trong tư tưởng cách mạng vĩ đại Hồ Chí Minh. Thật là cảm động khi chúng ta nghe Thủ tưởng Phạm Văn Đồng kể lại: “Những ngày cuối đời, khi sắp sửa phải từ biệt chúng ta, một trong những điều day dứt của Bác là làm sao nâng cao hơn nữa đời sống của nhân dân”.

Nâng cao đời sống nhân dân, khoan thư sức dân, cũng chính là kế sâu rễ, bền gốc để giữ nước của ông cha ta. Lòng dân là sức mạnh của một dân tộc.

Mùa xuân này nhớ Bác, nhớ những lời dạy của Người, gắn bó máu thịt với nhân dân chính là sức mạnh của Đảng, sức mạnh làm nên Mùa Xuân đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ của nhân dân, “Người cha già dân tộc” yêu quý và gần gũi của nhân dân. Nhân dân là của Người, và Người là của nhân dân vĩ đại!

Bùi Công Bính

 

 

Tin xem nhiều