Biết bao mùa Xuân đã đi qua, kể từ ngày 3-2-1930, có một từ giản dị đã trở nên thân thiết với mỗi người Việt Nam chúng ta, đó là từ “Đảng”!
Biết bao mùa Xuân đã đi qua, kể từ ngày 3-2-1930, có một từ giản dị đã trở nên thân thiết với mỗi người Việt Nam chúng ta, đó là từ “Đảng”!
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, lịch sử Việt Nam đã viết những trang đẹp nhất vào thế kỷ thứ 20. Từ một nước nô lệ, Việt Nam đã trở thành một xứ sở: nước độc lập, dân tự do, và đang tiến nhanh trên con đường đổi mới của mình. Từ một đất nước không có tên trên bản đồ thế giới, Việt Nam ngày nay đã ở một tầm cao mới, sánh vai với các dân tộc trên toàn cầu, không những thế bạn bè còn ca ngợi: Việt Nam là một tấm gương của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, một đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời, với những con người thông minh, dũng cảm và lạc quan.
Nói về những năm tháng lịch sử ấy, nhân dân ta thường nhắc đến những cụm từ: Một cuộc đổi đời - Một bước ngoặt kỳ diệu - Một sự nghiệp vĩ đại... Vâng, điều đó không phải chỉ chúng ta nói, mà bạn bè thế giới đã nói.
* * *
Mùa Xuân Canh Ngọ năm 1930, nhận được liên lạc của Đảng, Bác Hồ của chúng ta đã từ một vùng quê ở Thái Lan, đáp xe lửa đi Bangkok, rồi từ đó đi tàu thủy đến Singapore, tại đây Người chuyển sang một con tàu khác đi Hong Kong.
Kể từ ngày 5-6-1911, khi bước xuống con tàu “Đô đốc La-tút-sơ Trêvin” ở cảng Nhà Rồng, thế là đã 18 năm bôn ba đất khách quê người, đây là lần đầu tiên Bác Hồ lại được nhìn thấy bờ biển của Tổ quốc thấp thoáng nơi chân trời qua cánh cửa con tàu. Nỗi nhớ nước, thương nhà, làm tim Người thắt lại! Chỉ một tháng trước đó, ngày 11-11-1929, Tòa án Nam Triều tại Vinh, theo lệnh thực dân Pháp đã kết án tử hình vắng mặt Người. Và cũng tháng đó, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Người cũng đã qua đời!
Nỗi đau riêng của gia đình hòa trong nỗi đau chung của cả một dân tộc - một nỗi đau mà Tố Hữu đã viết trong thơ:
“Ôi nhớ những năm nào thuở trước
Xóm làng ta xơ xác héo hon
Nửa đêm thuế thúc, trống dồn
Sân đình máu chảy, đường thôn lính đầy...”.
Trong đêm dài nô lệ ấy, biết bao sĩ phu yêu nước đã tập hợp nhân dân, giương cao ngọn cờ chống giặc ngoại xâm. Nhưng những cuộc nổi dậy ấy đều bị dìm trong biển máu... Và trách nhiệm lịch sử nặng nề ấy đã đặt lên vai những người cộng sản. Ba tổ chức cộng sản ở Bắc, Trung, Nam đã được thành lập. Song yêu cầu bức thiết của Cách mạng Việt Nam lúc này, là phải có một Đảng Cộng sản thống nhất trong cả nước.
Nhận sứ mệnh của Quốc tế Cộng sản, ngày 23-12-1929, Bác Hồ của chúng ta đã trở lại Hong Kong. Các đồng chí Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn đã ra tận cảng biển đón Bác. Sau khi bàn bạc, Bác và các đồng chí của mình đã quyết định sẽ họp Hội nghị thành lập Đảng vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Ở Trung Quốc cũng như Việt Nam, Tết Nguyên đán là ngày Tết lớn nhất và thường kéo dài suốt mấy ngày liền. Chính trong dịp này, những đại biểu tham gia hội nghị có thể đi khỏi đất nước mà không ai để ý. Còn ở Cửu Long, thì một cuộc họp mặt như vậy cũng sẽ có nhiều thuận lợi.
Và thế là ngày 3-2-1930, đúng ngày mùng 5 Tết Canh Ngọ, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp tại Cửu Long (Trung Quốc). Đảng ta đã ra đời, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử vĩ đại của Cách mạng Việt Nam. Ngày 7-2-1930, ngày cuối cùng của hội nghị, một hội nghị có tầm vóc lịch sử như một đại hội thành lập Đảng, Bác Hồ tổ chức một bữa liên hoan nhỏ ngay tại phòng ở của mình. Khi các đại biểu đã ngồi xung quanh bàn, Người xúc động nói: “Các đồng chí! Hôm nay là ngày lịch sử của chúng ta. Lênin vĩ đại đã nói: Chỉ Đảng nào có được một lý luận tiên phong mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong. Bây giờ, chúng ta đã có một Đảng như thế rồi - Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Nhân dân ta từ xưa có truyền thống đấu tranh anh dũng, nhưng suốt những năm tháng ấy, nhân dân ta thiếu người cầm lái sáng suốt. Giờ đây, Đảng của chúng ta phải gánh lấy vai trò này và tôi tin rằng, Đảng ta sẽ dẫn dắt nhân dân ta đến thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc thân yêu”.
Như vậy là ngay trong những ngày đầu tiên thành lập Đảng, trong lời phát biểu ngắn gọn ấy, Bác đã 3 lần nhắc đến “nhân dân ta”.
Bùi Công Bính