Báo Đồng Nai điện tử
En

Bóng gỗ - môn thể thao mới tại Đồng Nai

02:02, 05/02/2013

Gần đây, nhiều người dân đến tập luyện thể thao tại khu vực Trung tâm TDTT tỉnh rất đỗi tò mò khi nhìn thấy một số người đang chơi một môn thể thao lạ và độc đáo. Môn thể thao gì lại sử dụng những cây gậy gỗ để đánh vào những trái bóng bằng gỗ và có hình thức chơi na ná với môn đánh golf. Và đó chính là môn bóng gỗ.

 

Gần đây, nhiều người dân đến tập luyện thể thao tại khu vực Trung tâm TDTT tỉnh rất đỗi tò mò khi nhìn thấy một số người đang chơi một môn thể thao lạ và độc đáo. Môn thể thao gì lại sử dụng những cây gậy gỗ để đánh vào những trái bóng bằng gỗ và có hình thức chơi na ná với môn đánh golf. Và đó chính là môn bóng gỗ.

Du nhập vào Việt Nam

Môn thể thao bóng gỗ ra đời vào năm 1990 tại Đài Loan, do một tay golf người Đài Loan (Trung Quốc) Ming Hui Weng sáng tạo. Với ý tưởng ban đầu là tạo ra một môn thể thao gần giống như golf nhưng có chi phí rẻ hơn để bất cứ ai cũng có thể tham gia luyện tập.

Các thành viên Câu lạc bộ bóng gỗ Trung tâm TDTT tỉnh tập chơi môn bóng gỗ.
Các thành viên Câu lạc bộ bóng gỗ Trung tâm TDTT tỉnh tập chơi môn bóng gỗ.

Ngay từ khi ra đời, bóng gỗ đã gây sự tò mò và hấp dẫn nhiều người tham gia tập luyện khi sử dụng luật chơi, cách tính điểm của môn golf pha trộn với phong cách ghi bàn trong bóng đá. Trong môn bóng gỗ, đích của bóng là cầu gôn gỗ có chiều dài hai cạnh 25cm thay vì ở môn golf là lỗ.

Người đưa bóng gỗ vào Việt Nam là ông Hà Khả Luân - nguyên Phó giám đốc Sở TDTT Hà Nội, hiện đang là Chủ tịch Liên đoàn Bóng gỗ Việt Nam. Ông Luân cũng chính là người có công rất lớn trong việc đưa môn cầu mây vào nước ta, môn thể thao đã đem lại cho Việt Nam rất nhiều thành công vang dội trên đấu trường quốc tế.

Tuy mới du nhập vào Việt Nam từ năm 2009, nhưng bóng gỗ Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Từ chỗ ban đầu chỉ có một câu lạc bộ (CLB) tại Hà Nội, do ông Hà Khả Luân thành lập, đến nay cả nước đã có nhiều tỉnh, thành phố có CLB hoạt động (Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Vũng Tàu, Gia Lai, Phú Thọ), trong đó có những đơn vị phát triển rất mạnh như Công ty hóa chất 21, thu hút sự tham gia của hàng trăm gậy thủ. Và mới đây nhất, môn bóng gỗ đã có mặt tại Đồng Nai.

Bước đầu, bóng gỗ Việt Nam cũng đã gặt hái khi giành được 1 HCV, 5 HCĐ ở Giải vô địch bóng gỗ thế giới lần thứ 5 tại Malaysia, có trên 200 VĐV đến từ 13 nước và lãnh thổ tham dự.

Trải qua 20 năm thăng trầm, bóng gỗ đã dần từng bước nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo người dân trên toàn thế giới. Hiện đã có trên 40 nước luyện tập và thi đấu. Tại Đông Nam Á, 6 quốc gia đã có môn bóng gỗ, trong đó Thái Lan là nước phát triển mạnh nhất. Tại nhiều đại hội thể thao quốc tế, bóng gỗ được chọn làm môn thi đấu chính thức. Cụ thể, vào năm 2016, bóng gỗ sẽ trở thành môn thi đấu chính thức tại Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 5 do Việt Nam đăng cai.

Đưa bóng gỗ về Đồng Nai

Với mong muốn phát triển thêm môn thể thao mới ở Đồng Nai, được sự hỗ trợ của ông Hà Khả Luân, Trung tâm TDTT tỉnh đã chính thức thành lập CLB bóng gỗ đầu tiên tại Đồng Nai vào ngày 10-12-2012. CLB bóng gỗ này trực thuộc Trung tâm TDTT tỉnh có khoảng 20 thành viên sẽ do Phó giám đốc thường trực Trung tâm TDTT tỉnh Nguyễn Xuân Thanh trực tiếp điều hành. Riêng về chuyên môn sẽ do HLV Phan Văn Dũng đảm trách hướng dẫn cho các hội viên.

Dụng cụ chơi môn bóng gỗ. Ảnh: A.HUY
Dụng cụ chơi môn bóng gỗ. Ảnh: A.HUY

Do chưa có nơi tập luyện, CLB đã cải tạo một bãi đất trước nhà tập bóng bàn để có nơi tập luyện cũng như làm quen với môn thể thao mới này. Cứ vào buổi chiều, sau khi hoàn tất công việc, các thành viên của CLB bóng gỗ Trung tâm TDTT tỉnh bắt đầu buổi tập luyện và làm quen môn thể thao mới độc đáo này. Dụng cụ để chơi môn bóng gỗ gồm: 1 gậy, bóng, khung gỗ (thay cho lỗ của golf).

Bước đầu, qua những buổi tập luyện của các thành viên CLB đã gây sự tò mò, chú ý của những người đến tập luyện thể thao tại khu vực nhà thi đấu về môn thể thao mới này. Trong thời gian tới, hy vọng sẽ có thêm nhiều người biết đến và đăng ký tham gia thử sức tập luyện môn này. Với cách làm này, hy vọng bóng gỗ Đồng Nai cũng sẽ thành công như đã từng làm được ở môn cầu mây trước đây.

Hình thức chơi như golf

Nếu như ở golf là lỗ thì bóng gỗ, đích của bóng là cầu gôn gỗ có chiều dài hai cạnh 25cm.

Sân chơi có nhiều loại địa hình khác nhau và được chia làm nhiều đường đánh (12, 24, 36 hoặc 72 đường). Mỗi đường đánh có chiều dài từ 30-130m, chiều rộng từ 3-10m và có một cầu gôn.

Nhiệm vụ của người chơi là phải đưa bóng qua các đường trên (không cần theo thứ tự) cho đến cầu gôn cuối cùng.

Thời gian cho một trận đấu kéo dài từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ, tùy theo số lượng đường đánh và kỹ thuật của từng người.

Người chơi cũng phải dùng sức và căn chỉnh làm sao cho chính xác không kém gì so với golf.

Mỗi lần đánh bóng qua vạch phân cách sẽ bị cộng thêm “1 gậy”, kết thúc trận đấu, người nào có số lượng gậy ít nhất là người giành chiến thắng.

Nói về hướng phát triển của CLB bóng gỗ trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Thanh cho biết: “Bước đầu, CLB đã được trang bị các dụng cụ chơi môn bóng gỗ cũng như cải tạo để làm một sân tập luyện ngay tại Trung tâm TDTT tỉnh. HLV Văn Dũng sẽ hướng dẫn cho các thành viên CLB làm quen và tập chơi, qua đó cũng tuyển thêm những người đam mê bộ môn này. Sau đó, nếu số người tham gia tập luyện, chơi môn này nhiều hơn, CLB cũng chọn ra một số thành viên xuất sắc cử tham dự các giải đấu do Liên đoàn Bóng gỗ tổ chức để tích lũy kinh nghiệm thi đấu, thậm chí là gửi đi tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn...”.

Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hoàng Ngọc Khôi cho biết: “Việc du nhập và phổ biến môn thể thao mới này giúp người dân trong tỉnh có thêm một lựa chọn mới để rèn luyện sức khỏe, phù hợp với tiêu chí hội nhập của thể thao Việt Nam. Ngành thể thao cũng hy vọng bóng gỗ Đồng Nai có thể gặt hái được những thành quả như môn cầu mây đã từng có được trước đây”.

Anh Huy

Tin xem nhiều