Báo Đồng Nai điện tử
En

“Bệnh viện” trực thăng

03:02, 05/02/2013

Khu vực sửa chữa máy bay như một bệnh viện. “Bệnh nhân” nào vào đây cũng phải trải qua các công đoạn: khám lâm sàng, siêu âm, chụp X-quang để tìm bệnh. Các “bác sĩ” được chia theo chuyên khoa thực hiện việc “chữa bệnh”, như: sửa chữa kết cấu (khung máy bay) và phục hồi tuổi thọ cho những chiếc trực thăng đã hết giờ bay.

 

Khu vực sửa chữa máy bay như một bệnh viện. “Bệnh nhân” nào vào đây cũng phải trải qua các công đoạn: khám lâm sàng, siêu âm, chụp X-quang để tìm bệnh. Các “bác sĩ” được chia theo chuyên khoa thực hiện việc “chữa bệnh”, như: sửa chữa kết cấu (khung máy bay) và phục hồi tuổi thọ cho những chiếc trực thăng đã hết giờ bay.

Từ vá cánh máy bay thời chiến...

“Trong thời chiến, các chuyên gia máy bay Liên Xô phải “khiếp” anh em kỹ sư Việt Nam. Những chiếc máy bay chiến đấu bị dính đạn thủng cánh, thay vì phải thay hoặc bỏ, chúng tôi đưa vào vá hết! Các chuyên gia cho điều đó là không thể, vì với tốc độ bay rất nhanh, ma sát lớn, vết vá chỉ cần gợn lên là có thể bị bung ra, gây nguy hiểm ngay. Thế nhưng khi vá xong, sơn lên thì các chuyên gia bạn kiểm tra hoàn toàn nể phục và đưa vào bay tốt như thường. Việc tự sửa chữa, bảo dưỡng máy bay  không phải đưa ra nước ngoài giảm chi phí tốn kém cho đất nước rất lớn” - Thiếu tá  Nguyễn Đình Hùng, nguyên là cán bộ kỹ thuật Bộ Tư lệnh Phòng không - không quân (Bộ Quốc phòng) kể.

Câu chuyện của Thiếu tá Hùng làm chúng tôi khá tò mò về cái nghề mà chỉ cần nghe đến tên thôi cũng biết công việc không đơn giản chút nào, bởi nó đòi hỏi sự an toàn gần như tuyệt đối. Vào một ngày cuối năm 2012, Ban giám đốc Công ty TNHH một thành viên sửa chữa máy bay 42 (Công ty sửa chữa máy bay 42) thuộc Quân chủng Phòng không - không quân (Bộ Quốc phòng) tạo điều kiện cho chúng tôi mục sở thị “bệnh viện” sửa chữa, bảo dưỡng  máy bay trực thăng.

Sửa chữa cánh quạt máy bay.
Sửa chữa cánh quạt máy bay.

Dưới cái nắng gay gắt buổi chiều, chiếc máy bay trực thăng MI vừa được sơn mới tinh có hàng chữ vàng tươi rói “Không quân Việt Nam” được kéo ra giữa sân để chỉnh la bàn. Đánh vật với chiếc máy bay suốt nhiều giờ, “bác sĩ” Bùi Thanh Yên, Phó quản đốc, mặt đỏ ửng, mồ hôi ướt đẫm lắc đầu nói với các đồng nghiệp: “Có lẽ phải kéo vào để ngày mai xem lại rồi chỉnh tiếp”. Rồi anh quay sang chúng tôi bảo: “Thiết bị này mà hoạt động không tốt, khi phi công cất cánh rồi không biết đường nào mà bay. Trong xưởng thì rộng nhưng do có mái che không thể chỉnh được nên cứ phải “lôi nhau” ra giữa trời”.

...Đến phục hồi giờ bay thời bình

Sở dĩ phân xưởng sửa chữa kết cấu máy bay được ví như “khoa ngoại tổng quát” của “bệnh viện” này, bởi nơi đây khi chiếc máy bay đưa đến sẽ được tổ chức khám lâm sàng, sau đó các “bác sĩ” tháo tung từng bộ phận ra. Các phần như: máy móc, khí tài sẽ chuyển đến chuyên khoa phục hồi, còn phần khung máy bay thì đội ngũ “bác sĩ” tại khoa này tiếp tục kiểm tra kết cấu. Sau đó, tất cả các bộ phận của chiếc máy bay lần lượt được chuyển trở lại đây để lắp ráp hiệu chỉnh các hệ thống, sau đó cho thông điện mặt đất, rồi bay thử và bàn giao sản phẩm. Nghe qua tưởng đơn giản vậy, nhưng để bảo dưỡng xong một chiếc máy bay, các “bác sĩ” ở “Bệnh viện” máy bay A42 này phải làm việc liên tục cả tháng trời. Có hàng ngàn chi tiết phải kiểm tra rất nghiêm ngặt bằng các loại thiết bị, máy móc để xác định tuổi thọ. Đơn cử như khung máy bay khi tháo xong thì được tẩy trắng hết sơn để kiểm tra kết cấu mấu gắn bằng nhiều phương pháp, như: siêu âm và chụp X-quang tìm những vết nứt mà mắt thường không thể thấy được. Từng con tán nhỏ tưởng chừng không mấy quan trọng cũng được kiểm tra tỉ mỉ nếu có dấu hiệu bất thường sẽ thay ngay.

Các “bác sĩ” đang lắp ráp máy bay. Ảnh: K.GIỚI
Các “bác sĩ” đang lắp ráp máy bay. Ảnh: K.GIỚI
Năm 2012, Công ty sửa chữa máy bay 42 đã ký kết với Sở Khoa học - công nghệ (KH-CN) Đồng Nai nghiên cứu, triển khai một số đề tài khoa học trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thích hợp trong sửa chữa thiết bị điện và điện tử trang bị trên trực thăng loại MI thế hệ mới tại Nhà máy A42 thuộc chương trình “Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020”. Trung tâm phát triển phần mềm thuộc Sở KH-CN thực hiện phần lập trình các chương trình dựa trên ý tưởng và yêu cầu cụ thể của Nhà máy A42.

Đưa chúng tôi đi tham quan một vòng phân xưởng, các “bệnh nhân” ở đây nằm xếp hàng theo thứ tự, chiếc thì đang tháo ra, chiếc thì đang sửa chữa, chiếc thì đang lắp ráp. Thượng tá Trần Văn Hoàn giới thiệu: “Anh em làm việc có tính chuyên nghiệp cao lắm, từng con ốc ở vị trí nào đều nhớ hết. Tất cả các chi tiết dù to hay nhỏ đều được ghi chép vào hồ sơ, khi chuyển đến các bộ phận khác xử lý cũng phải kèm theo hồ sơ, vì vậy muốn kiểm tra rất dễ. Nhờ tính chuyên nghiệp cao nên khi áp dụng ISO, anh em gần như không bị bỡ ngỡ”. “Bác sĩ” Nguyễn Huy Son đang kiểm tra chiếc trực thăng chuyên cơ MI 172 khi thấy chúng tôi đến thăm, liền nói: “Nhìn công việc thấy vậy, khi phải chui vào nóc chiếc trực thăng này nằm dài trong đó để kiểm tra mệt lắm, nhiệt độ có lúc lên đến 40oC, người đầm đìa mồ hôi mà vẫn phải bình tĩnh để làm”.

Không chỉ máy bay ở khu vực miền Nam mà từ các trung đoàn ở tận Sơn Tây, Đà Nẵng cũng đưa về đây để sửa chữa, phục hồi. Có những chiếc máy bay được về đến “bệnh viện” nếu còn giờ bay thì “bác sĩ” đỡ vất vả, còn với những chiếc đã hết giờ bay, thậm chí nhiều chiếc giờ bay còn nhưng do bị hỏng không thể bay được thì phải dùng xe chuyên dụng kéo về. Thượng tá Hoàn cho biết, có đợt kéo về một lượt 5 chiếc. Toàn bộ phải đi ban đêm và đến địa phương nào phải được thông báo để công an giao thông các tỉnh hỗ trợ giúp việc vận chuyển được đảm bảo. “Máy bay phức tạp hơn ô tô gấp nhiều lần nên hết giờ bay cho dù máy vẫn hoạt động tốt cũng không được cất cánh”, Thượng tá Hoàn nói.

Khắc Giới

 

 

 

Tin xem nhiều