Báo Đồng Nai điện tử
En

Bệnh giun sán và cách phòng ngừa

09:07, 13/07/2020

Nước ta nằm trong vùng nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm, cùng với thói quen vệ sinh, ăn uống của người dân chưa khoa học, là điều kiện rất thuận lợi cho các bệnh giun sán nói chung phát triển quanh năm.

Nước ta nằm trong vùng nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm, cùng với thói quen vệ sinh, ăn uống của người dân chưa khoa học, là điều kiện rất thuận lợi cho các bệnh giun sán nói chung phát triển quanh năm.

Rửa tay thường xuyên để phòng bệnh giun sán. Ảnh: H.T.Hồng
Rửa tay thường xuyên để phòng bệnh giun sán. Ảnh: H.T.Hồng

Đối tượng nhiễm bệnh cao là học sinh tiểu học, trẻ em lứa tuổi mầm non và phụ nữ tuổi sinh sản. Đặc biệt, trẻ em từ 12 -24 tháng tuổi có tỷ lệ nhiễm giun cao. Người bị nhiễm giun truyền qua đất là do ăn phải trứng giun từ thức ăn bị ô nhiễm, qua rau sống, bàn tay bẩn, nước uống. Đối với giun móc/mỏ ấu trùng xâm nhập xuyên qua da vào cơ thể và gây bệnh cho người.

Các triệu chứng thường gặp khi bị nhiễm giun như: gầy yếu, da xanh, hay bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa , chán ăn, ăn uống khó tiêu, bụng chướng, chậm lớn.

Tác hại: Các bệnh do giun gây nên nhiều tác hại như rối loạn tiêu hóa, đau bụng, thiếu máu, suy dinh dưỡng, gầy yếu, chậm lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển cả về trí tuệ và tinh thần, làm giảm khả năng lao động, gây ra các biến chứng tắc ruột, giun chui vào ruột thừa gây viêm, giun chui ống mật, có thể gây tử vong.

* Tẩy giun đúng cách

Đối tượng cần tẩy giun định kỳ: Lứa tuổi từ 12 tháng tuổi trở lên.

Chống chỉ định: Người đang mắc bệnh cấp tính, đang sốt >38,5°C; đang bị một số bệnh mạn tính như tâm thần, suy thận, tim, gan, hen phế quản; có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc; phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu, phụ nữ đang cho con bú, trẻ em dưới 12 tháng tuổi.

Tần suất:  2 lần/năm.

Thuốc tẩy giun: Trẻ em từ 12 tháng tuổi đến dưới 24 tháng tuổi: Albendazole 200mg hoặc Mebendazole 500mg liều duy nhất; người từ 24 tháng tuổi trở lên: Albendazole 400mg hoặc Mebendazole 500mg liều duy nhất.

Cách dùng: Thuốc uống vào bất kỳ thời gian nào trong ngày sau khi ăn; trẻ nhỏ phải nghiền thuốc pha với nước uống; nên nhai thuốc tẩy giun và uống với nước.

Tác dụng phụ khi dùng thuốc có thể gặp là rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn, đau thượng vị, nhức đầu chóng mặt, nổi mẩn... Khi gặp các tác dụng không mong muốn trong và sau thời gian uống thuốc, cần theo dõi và xử lý theo từng trường hợp. Trường hợp nhẹ cần nằm nghỉ và uống nước đường, trường hợp nặng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ theo dõi.

Lưu ý: Không chỉ cần thực hiện tẩy giun cho trẻ mà nên tẩy giun đồng loạt cho các thành viên trong gia đình cùng thời điểm để tránh lây nhiễm trứng giun.

* Một số biện pháp phòng bệnh giun sán

* Vệ sinh cá nhân: Rửa tay sạch trước khi ăn, sau khi chơi đùa, tiếp xúc với đất và sau khi đi đại tiện. Luôn cắt móng tay sạch sẽ, không mút tay; luôn đi giày, dép, không đi chân đất, không ngồi lê la trên đất.

* Ăn uống bảo đảm vệ sinh: Thực hiện ăn chín, uống sôi không nên ăn thịt tái, tiết canh, nem chua, không ăn rau sống không đảm bảo vệ sinh, không uống nước lã...; không sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, không an toàn để chế biến thức ăn; thường xuyên vệ sinh sạch sẽ nguồn nước, nơi chứa nước.

* Vệ sinh môi trường: Xây dựng và sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không được dùng phân tươi bón ruộng và cây trồng; không phóng uế bừa bãi; thường xuyên vệ sinh trường lớp, nhà cửa sạch sẽ: lau quét sàn nhà, rửa sạch đồ chơi trẻ em.

BS Hồ Thị Hồng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Tin xem nhiều