Báo Đồng Nai điện tử
En

Lãng phí trong đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực

08:08, 01/08/2023

Thông tin nhiều trường đại học của Nhật Bản và Hàn Quốc gần đây phải đóng cửa do không tuyển sinh được đã gây xôn xao dư luận. Bởi đây là 2 quốc gia có nền giáo dục khá phát triển trong khu vực châu Á, hàng năm thu hút một lượng lớn học sinh từ các quốc gia khác trên thế giới đến du học.

Thông tin nhiều trường đại học của Nhật Bản và Hàn Quốc gần đây phải đóng cửa do không tuyển sinh được đã gây xôn xao dư luận. Bởi đây là 2 quốc gia có nền giáo dục khá phát triển trong khu vực châu Á, hàng năm thu hút một lượng lớn học sinh từ các quốc gia khác trên thế giới đến du học. Việc các trường phải đóng cửa không chỉ ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn lực này “đổ” vào Hàn Quốc và Nhật Bản mà còn cho thấy khả năng về một cuộc khủng hoảng trong hệ thống giáo dục.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều trường đại học của Hàn Quốc, Nhật Bản không tuyển được sinh viên mới, một số trường phải hợp nhất để duy trì hoạt động, thậm chí đóng cửa hoàn toàn là do những thay đổi trong quan niệm về đào tạo cũng như học nghề. Nhiều gia đình có con sau khi tốt nghiệp phổ thông không còn chọn con đường phải học lên đại học mà định hướng ngay cho con em mình vào trường nghề. Lý do là thời gian học nghề vừa ngắn hơn học đại học nhưng cơ hội nghề nghiệp luôn rộng mở và nhất là thu nhập không thua kém học đại học.

Thực tế trên cho thấy sự thay đổi đáng kể trong tư duy giữa việc chọn trường, chọn nghề cho giới trẻ ở bản thân các quốc gia phát triển như Hàn Quốc và Nhật Bản. Đặc biệt, sau 3 năm thế giới xảy ra đại dịch Covid-19, người dân không còn quá đặt nặng vấn đề phải học trường nào, nghề gì mà quan tâm đến học như thế nào để sớm có thu nhập và khả năng phát triển trong tương lai. Điều này đặt ra vấn đề cần suy ngẫm cho nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, có khả năng trợ giúp rất lớn cho người lao động.

Trong một hội nghị về giáo dục mới đây, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn kể về cuộc trao đổi với chuyên gia người Đức làm việc tại Việt Nam nhân những lùm xùm xung quanh hoạt động của các trung tâm đăng kiểm mà một trong những nguyên nhân được cho là thiếu nguồn nhân lực. Theo vị chuyên gia này, để đảm nhiệm vị trí nhân viên đăng kiểm, không nhất thiết phải đào tạo trình độ đại học mà chỉ cần tốt nghiệp trường nghề là có thể đảm nhiệm tốt công việc này. Bởi hiện nay, với sự trợ giúp của phương tiện kỹ thuật hiện đại và công nghệ, nhiều chi tiết máy móc của xe ô tô bị hỏng hóc có thể được phát hiện nhanh chóng. Vì thế, dựa vào sự hỗ trợ này, nhân viên dễ dàng phát hiện ra những chi tiết máy móc bị hỏng mà không cần can thiệp vào quy trình đó. Việc vận hành máy móc, công nghệ cũng không quá phức tạp để đòi hỏi nhân viên phải có trình độ đại học mới đảm nhiệm được.

Câu chuyện trên cho thấy, đã và đang có một sự lãng phí trong việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực hiện nay ở nước ta. Đây cũng là nguyên nhân lý giải tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học nhiều nhưng khi tốt nghiệp làm trái ngành, trái nghề lớn, thậm chí không ít cử nhân phải chấp nhận đi làm shipper, bán hàng online vì ra trường loay hoay mãi không kiếm được việc làm phù hợp.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều