Báo Đồng Nai điện tử
En

Những gia đình dân tộc thiểu số tiêu biểu

08:06, 26/06/2023

Thông qua các chính sách hỗ trợ cũng như nỗ lực của cá nhân, đời sống của những gia đình đồng bào dân tộc thiểu số  tại Đồng Nai ngày càng được nâng cao.

Thông qua thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng như nỗ lực của cá nhân, đời sống của những gia đình đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại Đồng Nai ngày càng được nâng cao.

Gia đình anh Nguyễn Văn Dũng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chơro ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa (H.Trảng Bom) - một trong 50 gia đình được tuyên dương tại hội nghị biểu dương, khen thưởng gia đình dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Đồng Nai năm 2023. Ảnh: VĂN DŨNG
Gia đình anh Nguyễn Văn Dũng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chơro ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa (H.Trảng Bom) - một trong 50 gia đình được tuyên dương tại hội nghị biểu dương, khen thưởng gia đình dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Đồng Nai năm 2023. Ảnh: VĂN DŨNG

Trong số này có những gia đình trở thành tấm gương tiêu biểu từ hộ nghèo vươn lên khá giả. Nhiều gia đình nuôi dạy con cái học tập đến nơi đến chốn. Không ít gia đình là tấm gương sáng trong công tác thiện nguyện và có những đóng góp xây dựng địa phương.

* Cầu nối đoàn kết nhân dân

Ông Điểu Minh (dân tộc Chơro, xã Phú Túc, H.Định Quán) là Bí thư Chi bộ ấp, Trưởng ấp Đồng Xoài.

Ông Điểu Minh cho hay, 85% trong tổng số 464 hộ dân của ấp là đồng bào Chơro. Trong số 15 đảng viên của chi bộ thì có 5 đảng viên người DTTS. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.

Trong 3 năm đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp, ông Điểu Minh kết nối người dân cùng giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Ông thường xuyên gặp gỡ, trao đổi cùng đồng bào về vấn đề giữ gìn đoàn kết nội bộ, không nghe theo kẻ xấu làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ông Minh kể: “Tôi luôn nói với bà con là Nhà nước ngày càng có nhiều sự quan tâm đến đời sống của đồng bào, nhiều công ăn việc làm được tạo ra thông qua các khu - cụm công nghiệp, giao thông buôn bán thuận tiện, các nguồn vốn chính sách, chương trình giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS được triển khai. Vấn đề là bà con phải siêng năng làm ăn mới thay đổi được cuộc sống”.

Bên cạnh đó, có nhiều chính sách dành cho con em đồng bào theo học tại địa phương hay đến các trường nội trú. Cha mẹ phải động viên con đi học, mỗi đứa trẻ phải chịu khó rèn luyện mới mong có công việc tốt trong tương lai…

Theo ông Minh, tuyên truyền thôi chưa đủ mà bản thân ông cùng gia đình phải làm gương. Ông Minh cho hay, trước đây 2 vợ chồng ông làm rẫy. Nhưng rồi diện tích nhỏ, lợi nhuận ít nên vợ chồng ông chuyển qua làm công nhân. Siêng làm, công việc ổn định nên cuộc sống không bị thiếu trước hụt sau. 2 con sinh năm 2006 và 2013 đang tuổi ăn học và được kèm cặp để học tập tiến bộ, đạt thành tích tốt.

“Từ đó, bà con nhìn cách mình làm, lời mình nói mới tin và nghe mình tuyên truyền. Có những trường hợp trẻ bỏ học giữa chừng dù mới lớp 2, lớp 8. Giáo viên liên hệ và mình cùng đến từng nhà, gặp từng phụ huynh, từng trẻ nhỏ để trò chuyện. Rồi may sao bọn nhỏ đã trở lại trường” - ông Minh chia sẻ.

Tương tự, 6 năm qua, đảng viên Thổ Mì, người uy tín trong đồng bào DTTS xã Xuân Quế (H.Cẩm Mỹ) đã và đang tích cực thể hiện vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền với đồng bào.

Ông Thổ Mì cho hay, xã có khoảng 80 hộ đồng bào dân tộc Chơro. Không ít người lớn tuổi trong cộng đồng vẫn chưa đọc thông, nói thạo tiếng Việt. Vậy nên, khi đảm nhận vị trí này, ông trở thành người phiên dịch để đưa những nội dung tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bà con bằng chính tiếng nói của đồng bào. Đồng thời, ông cũng là kênh phản hồi ý kiến, nguyện vọng của người dân đến với chính quyền.

Cùng với đó, ông Thổ Mì còn kết nối người dân tham gia Tổ tự quản của ấp do ông làm tổ trưởng. Hiện tổ có 45 thành viên được phân công thời gian để tuần tra, canh gác trong các tuyến đường của ấp. Để khích lệ tinh thần tự nguyện của mỗi người, dù đã ngoài 60 tuổi song ông Thổ Mì vẫn duy trì cùng các thành viên tuần tra hay trực chốt đúng thời gian đã định cùng nhau.

Ngày 28-6, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức hội nghị biểu dương, khen thưởng gia đình DTTS tiêu biểu tỉnh Đồng Nai năm 2023. Theo đó, có 50 gia đình DTTS được tuyên dương trong đợt này.

Ngoài ra, theo ông Mì, bà con Chơro sống tập trung thành từng khu vực và những nơi này thường là các khu rẫy nằm cách xa trung tâm xã. Do vậy, để chủ động thắp sáng xóm làng, ông vận động bà con đóng góp kinh phí lắp đèn chiếu sáng và góp 10 ngàn đồng/hộ/tháng để trả tiền điện thắp sáng đường sá và được bà con đồng thuận.

Hiện 4 thành viên của gia đình ông đang cùng hợp sức để sớm đưa đội cồng chiêng vào hoạt động. “Tôi, vợ và con trai, con gái đều mong duy trì được văn hóa truyền thống của cộng đồng mình là đánh cồng chiêng, múa nên cả nhà cùng hỗ trợ nhau trong quá trình gầy dựng đội này. Mong sao sẽ sớm có những đứa trẻ trong cộng đồng chịu tập đánh cồng, gõ chiêng và múa” - ông Mì chia sẻ.

* Sẻ chia cùng cộng đồng

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có không ít gia đình đồng bào DTTS tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội ở địa phương. Trong số này có gia đình ông Lý Nàm Sáng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Hoa, P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) - gia đình DTTS hiếm hoi của tỉnh có 2 con đều hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ.

Đảng viên Thổ Mì, người uy tín trong đồng bào dân tộc Chơro xã Xuân Quế (H.Cẩm Mỹ) trò chuyện cùng đồng bào. Ảnh: SÔNG THAO
Đảng viên Thổ Mì, người uy tín trong đồng bào dân tộc Chơro xã Xuân Quế (H.Cẩm Mỹ) trò chuyện cùng đồng bào. Ảnh: SÔNG THAO

Theo ông Sáng, để giúp đỡ bà con khó khăn, thông qua vận động và đóng góp của gia đình, mỗi năm ông trao từ 3-4 đợt quà cho người dân với số lượng từ 200-300 phần/đợt. Ông còn đóng vai trò kết nối các nguồn đóng góp để giúp những gia đình hoàn cảnh khó khăn lo đám tang cho thân nhân.

Tương tự, gia đình của đảng viên Đinh Thị Kim Điều (xã Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu) cũng tích cực thực hiện các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương.

Bà Điều chia sẻ, cách đây gần 25 năm, gia đình bà đến sinh sống và lập nghiệp tại Đồng Nai. Ban đầu do không nghề nghiệp nên ngoài làm rẫy, 2 vợ chồng bà làm thuê cho các gia đình có nhu cầu. Đến năm 2002, gia đình bà mua máy khoan giếng về nhận khoan giếng tìm nước cho người dân có nhu cầu. Gia đình bà cũng chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn trên mảnh vườn của gia đình. Tuy công việc vất vả song gia đình bà đã cùng nỗ lực vươn lên và dần xây dựng cuộc sống khá giả.

Từ năm 2012 đến nay, với vai trò là người có uy tín trong đồng bào DTTS ở xã, bà đã nỗ lực để trở thành cầu nối trong tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, địa phương cũng như phản ánh đến chính quyền những kiến nghị, nguyện vọng của người dân. Ngoài ra, từ câu chuyện thực tế của bản thân, bà Điều động viên 150 gia đình dân tộc chủ động vươn lên xây dựng kinh tế.

Riêng với anh Nguyễn Văn Dũng, đầu năm 2023, anh thay cha mình đảm nhận vai trò người có uy tín trong đồng bào Chơro ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa (H.Trảng Bom). Hiện anh Dũng là người uy tín trong đồng bào DTTS trẻ nhất tỉnh khi mới 27 tuổi. Tuy chỉ vừa đảm nhận vị trí này nửa năm song anh Dũng đã nhanh chóng bắt nhịp với công việc.

Ngoài thể hiện được sức trẻ khi được công nhận là nông dân chăn nuôi giỏi trong vùng đồng bào DTTS, anh Dũng cùng vợ còn vận dụng các mối quan hệ bạn bè để tìm kiếm nguồn lực xã hội tổ chức công tác thiện nguyện. Nhờ vậy mà đôi vợ chồng trẻ này hỗ trợ đồng bào DTTS hoàn cảnh khó khăn, các hộ nghèo ở địa phương bằng nhiều phần quà là lương thực, thực phẩm, sách vở cho trẻ em.  

Văn Truyên

Tin xem nhiều