Bên cạnh hoạt động chăm lo, trong Tháng Hành động vì trẻ em, các địa phương còn tổ chức diễn đàn Lắng nghe trẻ em nói để hiểu thêm về nhu cầu của trẻ em và điều chỉnh hoạt động phù hợp.
Bên cạnh hoạt động chăm lo, trong Tháng Hành động vì trẻ em, các địa phương còn tổ chức diễn đàn Lắng nghe trẻ em nói để hiểu thêm về nhu cầu của trẻ em và điều chỉnh hoạt động phù hợp.
Đại diện trẻ em H.Vĩnh Cửu mạnh dạn trao đổi ý kiến tại diễn đàn. Ảnh: N.SƠN |
Với chủ đề Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em, tại các diễn đàn trẻ em cấp huyện, nhiều đại biểu thiếu nhi đã bày tỏ mong muốn có một môi trường an toàn để phát triển.
Mạnh dạn bày tỏ ý kiến, nguyện vọng
Ghi nhận tại một số diễn đàn cho thấy, các đại biểu tham dự diễn đàn trẻ em đã phát huy tốt vai trò đại diện, mạnh dạn bày tỏ ý kiến, nguyện vọng liên quan đến các em. Cụ thể như vấn đề dạy bơi, học bơi, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước; sân chơi cho thiếu nhi vùng sâu, vùng xa; áp lực học tập, bạo lực học đường…
Tham gia diễn đàn trẻ em H.Vĩnh Cửu, em Ngô Gia Hân, Trường THCS Vĩnh Tân bày tỏ, thời gian qua, nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra được phát tán trên mạng xã hội gây hoang mang, lo lắng cho phụ huynh và nhất là học sinh. Bạo lực học đường không chỉ làm ảnh hưởng đến nạn nhân mà còn gây tâm lý bất an, không yên tâm khi đến trường…
Em Đinh Nguyễn Trâm Anh, Trường THCS Quang Trung (H.Tân Phú) quan tâm đến tệ nạn ma túy trong trường học và trong cộng đồng. Trâm Anh cho hay, qua thông tin báo chí, em được biết tình trạng ma túy bằng nhiều hình thức khác nhau đã và đang len lỏi vào trường học. Nhiều học sinh vì thiếu hiểu biết đã bị dụ dỗ, lôi kéo vào tệ nạn này. “Chúng em mong muốn nhà trường, xã hội có những giải pháp giải quyết triệt để vấn đề bạo lực học đường, ma túy xâm nhập vào trường học nhằm đảm bảo môi trường an toàn cho trẻ phát triển” - Trâm Anh nói.
Không chỉ quan tâm đến các vấn đề đang diễn ra trong xã hội, nhiều học sinh còn mạnh dạn chia sẻ vấn đề mà bản thân đang trải qua trong chính gia đình của mình. Em N.N.B.B. học sinh Trường THCS Nguyễn Du (H.Vĩnh Cửu) cho biết, không ít bậc cha mẹ đang tạo ra khoảng cách với chính các con của mình. Trong một gia đình, không ít trường hợp trẻ lớn cảm thấy bị phân biệt đối xử khi lúc nào cha mẹ cũng áp đặt phải nhường nhịn em nhỏ dù là đúng hay sai. Điều này khiến cho trẻ lớn mất đi niềm tin vào cha mẹ. Điều B.B. muốn là cha mẹ đối xử công bằng để không tạo ra khoảng cách với các con.
Cơ sở để các cấp, các ngành hành động
Những ý kiến, nguyện vọng của trẻ tại diễn đàn là cơ sở để các cấp, các ngành hành động nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ghi nhận tại diễn đàn trẻ em tại một số huyện, thành phố tổ chức cho thấy, việc lắng nghe trẻ em nói được các địa phương thực hiện nghiêm túc.
Trong phần phát biểu khai mạc diễn đàn trẻ em H.Vĩnh Cửu được tổ chức mới đây, Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Thị Dung yêu cầu các ngành của huyện; UBND các xã, thị trấn; đại diện ban giám hiệu các trường trên địa bàn huyện tham dự diễn đàn một cách nghiêm túc. Các ngành cấp huyện cần lắng nghe, ghi nhận và có giải đáp ý kiến của trẻ em ngay tại diễn đàn. Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Thị Dung giao Phòng LĐ-TBXH ghi nhận, tổng hợp đầy đủ ý kiến của đại diện trẻ em để sau diễn đàn sẽ làm thông báo kết luận gửi về các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện theo dõi thực hiện.
Không chỉ nghiêm túc lắng nghe, việc giải quyết những vấn đề trẻ em quan tâm cũng được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Là một trong những cá nhân có nhiều năm đồng hành với diễn đàn trẻ em cấp huyện, cấp tỉnh của Đồng Nai nhiều năm liền, TS Vũ Thiện Toàn, chuyên gia bảo vệ trẻ em, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em kết nối TP.HCM chia sẻ, thời gian tổ chức diễn đàn trẻ em cấp xã, cấp huyện khá hạn chế nên thường thiếu đi một phần quan trọng - phiên giải đáp những ý kiến thắc mắc từ diễn đàn trước để các em biết được các cấp, các ngành đã giải quyết vấn đề nào, chưa giải quyết vấn đề nào và nguyên nhân tại sao.
Trong quá trình làm công tác bảo vệ trẻ, TS Vũ Thiện Toàn nhận thấy hầu hết các vấn đề đại diện trẻ em đặt ra đều được giải quyết trong khả năng cho phép của địa phương. Đối với những vấn đề ngoài thẩm quyền, cần nguồn lực lớn sẽ được các cấp, các ngành tìm biện pháp giải quyết chứ không phải nghe xong để đó.
Nga Sơn