Bước vào nghề báo, ngoài những kiến thức đã được đào tạo, nhà báo phải trải qua quá trình tự rèn luyện, tích lũy tri thức, hoàn thiện nhiều kỹ năng mới có thể làm, làm tốt và trụ vững với nghề.
Bước vào nghề báo, ngoài những kiến thức đã được đào tạo, nhà báo phải trải qua quá trình tự rèn luyện, tích lũy tri thức, hoàn thiện nhiều kỹ năng mới có thể làm, làm tốt và trụ vững với nghề.
Nhà báo Phương Liễu 3 lần được trao Giải báo chí Dương Tử Giang - giải thưởng công nhận sự cống hiến trong nghề báo. Ảnh: NVCC |
Đặc biệt, muốn khắc họa được tên tuổi, phong cách riêng, nhà báo phải đam mê và dấn thân với nghề.
* Duyên với nghề
Năm 1980, khi lên 10 tuổi, tôi đã có bài viết nhỏ về tình cảm gia đình được đăng trên trang thiếu nhi của Báo Công giáo và dân tộc. Thời điểm đó, tôi rất vui và bắt đầu có ấn tượng với nghề báo. Giờ đã 30 năm chính thức cầm bút, ngẫm lại tôi thấy mình quả thực có duyên với nghề.
Thời còn là sinh viên Trường đại học Tổng hợp TP.HCM, tôi thường xuyên viết bài cộng tác với một số tờ báo và tạp chí như: Báo Phụ nữ TP.HCM, Báo Thanh Niên, Tạp chí Kiến thức ngày nay, Sinh viên Ngày nay… với những đề tài về đời sống sinh viên ở trọ, những cảm xúc tuổi trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời, sinh viên sống thử, sinh viên “đi buôn”, rồi viết cả truyện ngắn và thơ... Nhờ đó, tôi có tiền trang trải việc học.
Hành trình 30 năm làm báo, nhà báo Phương Liễu đã đạt được 99 giải thưởng, gần 40 bằng, giấy khen từ các bộ, ngành trung ương và địa phương. Trong đó, 3 lần được trao Giải báo chí Dương Tử Giang - Giải tôn vinh sự cống hiến của nhà báo và danh hiệu Nhà báo tiêu biểu của tỉnh. |
Tháng 3-1993, nửa năm sau khi ra trường, tôi khởi nghiệp tại Báo Đồng Nai. Công việc đầu tiên của tôi ở Báo Đồng Nai là nhập tin, thời gian rảnh tranh thủ viết phóng sự. Cố nhà báo Nguyễn Tất Đắc, lúc đó là Phó tổng biên tập, thấy được năng khiếu làm báo qua các bài viết của tôi nên đã chuyển tôi sang làm phóng viên. 30 năm đi cùng nghề báo, thử sức ở nhiều lĩnh vực (pháp luật, y tế, môi trường… ) và hiện tại tôi là phóng viên của Ban Pháp luật - đời sống và bạn đọc.
Từ nhân viên kỹ thuật bước sang “nghề” phóng viên hơn 30 năm - quãng thời gian đủ dài để tôi hiểu được mình đã nếm trải đủ mọi cung bậc cảm xúc. Nghề báo vốn cực, phụ nữ làm báo càng cực hơn, bởi áp lực không chỉ đến trong công việc mà còn từ phía gia đình với vai trò làm mẹ, làm vợ, nhất là khi nuôi con nhỏ…
Nhớ lại những năm 1980-1990 là thời kỳ làm báo “nhiều không”: không điện thoại di động, không xe máy, không internet, không máy vi tính, “tài sản” vào nghề chỉ có kiến thức, sự đam mê, hăm hở và một tuổi trẻ dấn thân. Bởi thế, mỗi khi thực hiện bài viết, tôi đều phải đến tận nơi, nhìn tận mắt, hỏi tận mặt… Song, chính sự “nghèo nàn” về vật chất đã rèn giũa giúp tôi trưởng thành và “làm giàu” thêm kinh nghiệm tác nghiệp, “giàu” thêm bản lĩnh, kiến thức…
Không ít người cho rằng, làm báo là nghề nhàn hạ, sung sướng vì được xã hội trọng vọng…, thế nhưng với tôi, nghề báo chưa từng sung sướng hay nhàn hạ mà luôn phải trăn trở, nghĩ suy, tìm tòi; luôn học hỏi, trang bị cho mình kiến thức, bản lĩnh và kinh nghiệm tác nghiệp; biết cách ứng phó trong mọi tình huống. Để bài viết mang hơi thở cuộc sống, nhà báo phải luôn mang theo mình một trái tim nóng ấm và một cái đầu lạnh, phải “sống” với những số phận để tìm ra góc khuất của vấn đề và luôn đặt mình vào vị trí người trong cuộc để không làm tổn thương, ảnh hưởng đến người khác.
* Hành trình của mồ hôi, nước mắt và nụ cười…
Mỗi nghề nghiệp có một đặc thù riêng. Tôi cho rằng, nghề báo là “đặc thù” của những nghề đặc thù khi được xếp vào tốp 10 nghề nguy hiểm nhất. Suốt hơn 30 năm làm báo của tôi, mồ hôi đã đổ, nước mắt đã rơi, đối mặt với không ít khó khăn, thử thách, nhưng tôi vẫn nỗ lực vượt qua và gắn bó với nghề cho đến nay.
Đối với nghề báo, hạnh phúc nhất là khi bài viết của mình tạo được hiệu ứng tích cực. Trong hàng ngàn tin, bài, có 2 loạt bài tôi cho là dấu ấn đáng tự hào trong đời, đó là loạt bài Đồi bằng lăng - vùng đất “4 không” (viết năm 1997) và loạt bài viết Chất thải nguy hại công nghiệp về đâu? (viết năm 2007). Cả 2 loạt bài đem lại cho tôi 2 giải nhất và 1 giải A trong các cuộc thi báo chí trung ương và địa phương.
Nhà báo trẻ TỐ TÂM, phóng viên Ban Pháp luật - đời sống và bạn đọc Báo Đồng Nai cho biết: “Trong nghề báo, tôi luôn học hỏi từ tấm gương nhà báo Phương Liễu. Đặc biệt là niềm đam mê bất tận và cống hiến hết mình với nghề. Chị còn là nhà báo rất có duyên với giải thưởng, điều đó như truyền cho tôi thêm cảm hứng để đầu tư nâng chất các bài viết hay hơn”. |
Câu chuyện về đồi bằng lăng bắt đầu từ một thông tin tôi nghe được trong một chuyến công tác ở H.Xuân Lộc. Ngày ấy, đồi bằng lăng thuộc Trường Bắn quốc gia khu vực 3, ở sâu trong căn cứ rừng lá, ban đầu có vài hộ dân vào rừng khai phá trái phép, rồi sinh con, lấy vợ gả chồng… dần hình thành một cộng đồng với gần 200 nhân khẩu.
Sợ bị phát hiện và bị đuổi ra khỏi rừng, những cư dân vùng đất “4 không” (không đường, không trường, không trạm, không giấy tờ tùy thân) đã sống gần như tách biệt với bên ngoài. Tôi quyết định băng rừng, trèo đèo, lội suối 2 ngày tìm gặp những cư dân này và đưa họ ra… “ánh sáng”.
Khi loạt bài khởi đăng, nhiều người, nhiều cơ quan ngỡ ngàng và rồi cùng vào cuộc. Những hộ dân được giao đất tiếp tục sinh sống và canh tác, người lớn được làm chứng minh nhân dân, trẻ con có giấy khai sinh, được ra ngoài đi học. Đồi bằng lăng dần rồi có đường, có điện và y tế thôn ấp…
Còn loạt bài Chất thải nguy hại công nghiệp về đâu? viết về một doanh nghiệp thầu xử lý chất thải nguy hại công nghiệp, thay vì phải xử lý bằng phương pháp đốt rất tốn kém, nhà thầu đã lén đổ chất thải nguy hại ra môi trường, sông suối. Để có đủ thông tin, chứng cứ, hình ảnh, tôi đã đeo bám vất vả đến 3 tháng. Loạt bài tạo được hiệu ứng tức thì. Lãnh đạo tỉnh và Sở TN-MT lúc ấy đã xử lý công ty này khá mạnh tay; đồng thời, chấn chỉnh hoạt động thầu và xử lý chất thải nguy hại công nghiệp trên toàn địa bàn.
Nhà báo Phương Liễu (thứ hai từ phải qua) với các nhà báo châu Á tại một khóa học được tổ chức tại Hàn Quốc |
Đến nay, khi đã ở tuổi 55, chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa tôi về hưu nhưng sự “máu lửa”, đam mê và dấn thân với nghề nơi tôi vẫn còn nguyên vẹn. Được giao bất cứ đề tài nào, khó khăn cách mấy, xa xôi đến đâu tôi vẫn chưa bao giờ từ chối. Ngay cả trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra khốc liệt, những khu cách ly phòng dịch, bệnh viện dã chiến - nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, khi bạn đọc cần thông tin, tôi vẫn dấn thân vào vùng dịch bệnh để có thông tin, hình ảnh sinh động nhất.
Đi cùng nghề báo suốt mấy mươi năm, gian nan đã từng, nhưng tôi cũng rất xúc động khi những bài viết của mình đã vực dậy cuộc đời của một ai đó, đã trả lại lẽ công bằng về đúng chỗ của nó, đã dùng cái thiện đẩy lùi được cái ác… Đó là trách nhiệm của nhà báo. Và chính điều đó càng hun đúc sự đam mê và dấn thân với nghề luôn “cháy bỏng” trong tôi.
Phương Liễu