Khi bị những bệnh thông thường, nhiều người thường có thói quen đến nhà thuốc, nói triệu chứng cho người bán thuốc rồi muốn mua bao nhiêu ngày thuốc cũng được.
Khi bị những bệnh thông thường, nhiều người thường có thói quen đến nhà thuốc, nói triệu chứng cho người bán thuốc rồi muốn mua bao nhiêu ngày thuốc cũng được.
Người dân khi bị bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám, điều trị đúng cách, kịp thời. Ảnh: H.Dung |
Việc tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ đôi khi làm giảm triệu chứng hoặc khỏi bệnh, nhưng cũng có nhiều trường hợp bệnh ngày càng nặng, phải cấp cứu, phẫu thuật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
* Phải mổ cắt lọc vai vì đắp lá bìm bịp lên chỗ đau
Các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất vừa thực hiện ca phẫu thuật cắt lọc vai phải cho bệnh nhân P.T.D., (43 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom).
BS CKII Nguyễn Tường Quang, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng cho biết, cách đây hơn 1 tháng, bệnh nhân bị mụn nhọt gây đau không rõ nguyên nhân ở phần bắp tay phải. Chỗ đau sau đó mưng mủ và sưng to. Bệnh nhân ra nhà thuốc mua thuốc giảm đau về uống, nghe người quen mách giã nát lá cây bìm bịp đắp lên vết đau sẽ khỏi bệnh nên làm theo, đồng thời uống thêm thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Vài ngày sau đó, chỗ vai bị sưng không những không khỏi mà ngày càng nặng hơn, sưng to, mưng mủ, đau nhức liên tục khiến bệnh nhân phát sốt, phải nhập viện.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân vì chỗ vai đau có dấu hiệu mưng mủ nhiễm trùng. Các bác sĩ đã rạch chỗ vai sưng to và lấy ra nửa lít mủ đặc, sau đó tiến hành rửa vết thương, cắt lọc vai cho bệnh nhân.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, kháng kháng sinh là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân và sự phát triển tổng thể, bền vững của một quốc gia. Việt Nam là một trong những quốc gia phải chứng kiến mối đe dọa ngày càng gia tăng của kháng kháng sinh do việc sử dụng kháng sinh không hợp lý tại các cấp của hệ thống chăm sóc sức khỏe, trong nuôi trồng thủy sản, trong chăn nuôi và trong cộng đồng. |
BS Quang cho hay, nếu không được phẫu thuật kịp thời, bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan và nguy cơ tử vong cao. Do vết thương khá nguy hiểm nên thời gian hồi phục của bệnh nhân lâu. Đây không phải trường hợp đầu tiên phải nhập viện cấp cứu vì tự ý dùng thuốc và đắp các loại lá cây lên vết thương, nhưng là trường hợp nặng nhất từ trước đến nay.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân khi có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần đến bệnh viện để thăm khám và điều trị đúng cách, không nên tự ý dùng thuốc, đắp lá cây lên vết thương dẫn đến hậu quả khôn lường, gây khó khăn cho quá trình điều trị.
Một trường hợp khác bị nhiễm độc hoại tử thượng bì rất nặng cũng do tự ý dùng thuốc là em Đ.H.T.K., (14 tuổi, ngụ H.Trảng Bom).
Người nhà bệnh nhi cho biết, gia đình có thói quen khi bị bệnh thì tự ra nhà thuốc mua thuốc về uống nên lần này khi thấy con bị mệt mỏi, đau đầu, người nhà cũng làm tương tự. Tuy nhiên, 3 ngày sau khi uống thuốc, bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu vì trên da nổi bóng nước, bong tróc da, viêm nhiễm, niêm mạc miệng và môi bị loét, hoại tử da từ trên xuống dưới kèm nhiễm trùng. Bệnh nhân được chẩn đoán bị nhiễm độc hoại tử thượng bì (là lớp ngoài cùng trong 3 lớp tạo nên da) cấp.
Lớp thượng bì bị hoại tử làm mất hàng rào bảo vệ da làm vi trùng xâm nhập gây nhiễm trùng, khiến việc điều trị rất khó khăn. Đây là ca nhiễm độc hoại tử thượng bì nặng nhất được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai trong 15 năm qua. Dự kiến thời gian điều trị có thể kéo dài đến 3 tháng mới có thể hồi phục hoàn toàn.
* Cẩn trọng khi dùng thuốc kháng sinh
Không chỉ người trẻ mà cả những người lớn tuổi, có nhiều bệnh nền cũng nên thận trọng trong việc sử dụng thuốc để chữa bệnh.
Mới đây, cụ Đ.T. (92 tuổi, ngụ H.Trảng Bom) đã phải vào Bệnh viện Đồng Nai 2 để điều trị trong tình trạng khó thở, mệt, ăn kém, buồn nôn, da niêm nhợt nhạt. Nguyên nhân nghi do dùng thuốc.
Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết do nhiễm trùng bàn chân phải, suy tuyến thượng thận cấp/mạn tính, thiếu máu nặng nghi do thuốc, suy tim, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, bệnh tim thiếu máu cục bộ, rối loạn mỡ máu.
BS CKI Mai Thị Hà, Phó trưởng khoa Nội tổng hợp 1 cho biết, một số loại thuốc kháng sinh có thể gây giảm các dòng tế bào máu, đặc biệt khi sử dụng kéo dài. Với trường hợp cụ T., các bác sĩ đã ngưng cho sử dụng loại thuốc nghi ngờ gây bệnh ngày càng nặng hơn và truyền hồng cầu, tiểu cầu cho cụ. Tuy nhiên, quá trình điều trị gặp khá nhiều khó khăn do bệnh nhân đã lớn tuổi, lại bị nhiều bệnh nền nặng. Với nỗ lực của các y, bác sĩ, sau hơn 10 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã dần hồi phục, ăn uống khá hơn, xét nghiệm kiểm tra nhiễm trùng đã ổn và bệnh nhân được xuất viện sau đó.
ThS-BS Phí Thị Lệ Tân, Khoa Nội Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cho hay, có không ít trường hợp do sử dụng thuốc tùy tiện dẫn đến kháng kháng sinh hoặc gặp nhiều biến chứng nặng nề khi sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách, không theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Theo BS Tân, nhiều người khi bị bệnh ra nhà thuốc mua thuốc về uống, nếu nhanh khỏi thì rất hài lòng và cho rằng nhà thuốc đó bán thuốc tốt. Nhưng thực tế không hẳn là như vậy. Bởi có những bệnh rất đơn giản, không cần phải sử dụng đến thuốc kháng sinh nhưng dược sĩ hoặc người bán thuốc vẫn kê thuốc kháng sinh để người bệnh nhanh khỏi bệnh. Việc này về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh. Một khi đã kháng kháng sinh thì khi bị bệnh, việc điều trị sẽ rất khó khăn, thời gian kéo dài và tốn kém.
Hạnh Dung