Máu sau khi được tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện được bảo quản trong những túi máu không ghi thông tin cá nhân. Nhờ nó, rất nhiều người đã được cứu sống kịp thời.
Máu sau khi được tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện được bảo quản trong những túi máu không ghi thông tin cá nhân. Nhờ nó, rất nhiều người đã được cứu sống kịp thời.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đỗ Thị Phước Thiện tặng bằng khen của UBND tỉnh cho đại diện Trường đại học Đồng Nai vì có thành tích nổi bật trong phong trào Hiến máu tình nguyện năm 2022, tại lễ hội hiến máu Xuân hồng năm 2023. Ảnh: S.THAO |
Đằng sau những giọt máu trao đi là sự biết ơn của bao người đã và đang được tiếp nhận nguồn máu quý giá.
Giọt máu cho đi…
Nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Dũng (ngụ xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) phải định kỳ đến bệnh viện để truyền 2 túi máu vào cơ thể.
Theo Hội Chữ thập đỏ tỉnh, tỷ lệ người hiến máu nhắc lại (tiếp tục duy trì những lần hiến máu tiếp theo) của Đồng Nai đạt trên 85% so với mức bình quân của cả nước chỉ là 55%. |
“Túi máu chỉ ghi thời gian, nhóm máu, không có thông tin túi máu này của ai, nhưng tôi biết, để có những dược nguồn máu này chính là nhờ những người đã hiến máu tình nguyện. Tôi luôn biết ơn người đã cho máu, bởi nếu không có người hiến máu tình nguyện thì chi phí điều trị bệnh có thể cao hơn và nguồn máu dự trữ sẽ không trong tình trạng luôn sẵn sàng khi có ca bệnh cần máu như tôi” - ông Dũng nói.
Gần 1 năm trở lại đây, sau khi điều trị dứt bệnh, ông Dũng muốn tham gia hiến máu nhưng sức khỏe chưa ổn định nên ý định này tạm thời không thực hiện được. Vậy nhưng, ông có một cách đóng góp khác đó là cùng chính quyền địa phương, ban điều hành ấp vận động người thân, bạn bè tham gia hiến máu tình nguyện. Nhờ vậy mà thời gian qua, ông Dũng đã đóng vai trò tích cực trong vận động hiến máu tình nguyện tại địa phương.
Còn bà Lê Thị Hương (ngụ xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu) cho biết, cách đây ít lâu, bà trải qua nhiều ca phẫu thuật để sắp lại xương bả vai bị gãy cùng những thương tổn khác do tai nạn. Quá trình điều trị, bà được truyền nhiều đơn vị máu cùng các chế phẩm khác từ máu để giữ cho tình trạng của cơ thể ổn định.
Một tình nguyện viên ở TP.Biên Hòa tham gia hiến máu tình nguyện tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Sao Mai |
Bà Hương kể: “Nhóm máu của tôi không thuộc loại hiếm nên trong quá trình điều trị tôi đỡ lo lắng vì vấn đề lỡ không may thiếu máu tương thích với cơ thể. Nhưng dù là nhóm máu hiếm hay không thì việc bệnh viện luôn có đầy đủ máu để truyền cho người cần đã tạo sự an tâm rất lớn. Tôi rất trân trọng những người đã tham gia hiến máu tình nguyện vì nhờ đó, người bệnh cảm thấy an tâm hơn khi bệnh tình của mình cần sử dụng máu và các chế phẩm từ máu”.
Theo BS Huỳnh Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy (Bệnh viện Chợ Rẫy), mỗi năm, các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai tổ chức tiếp nhận 134,5 ngàn đơn vị máu hiến tình nguyện. Trong đó, Đồng Nai là địa phương dẫn đầu về số lượng máu tiếp nhận với 33,3 ngàn đơn vị máu.
Số máu của Đồng Nai cũng như các địa phương trong khu vực Đông Nam bộ do Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận, qua quá trình xử lý không chỉ được sử dụng trên địa bàn mà còn phân bổ đến nhiều địa phương khác ở khu vực phía Nam. Nhờ vậy đã giúp hạn chế xảy ra tình trạng thiếu máu và chế phẩm từ máu cung cấp cho 72 bệnh viện tại TP.HCM và 5 tỉnh miền Đông Nam bộ.
Ghi nhận tấm lòng của người hiến máu
Mỗi năm, Đồng Nai tiếp nhận từ 33-37 ngàn đơn vị máu loại 350ml/đơn vị máu/người. Số lượng tiếp nhận máu này luôn nằm trong tốp 5 địa phương dẫn đầu cả nước. Điều này cho thấy người dân Đồng Nai rất tích cực hiến máu tình nguyện.
Những người hiến máu tình nguyện chụp ảnh lưu niệm sau khi hiến máu tình nguyện và nhận quà tại chiến dịch Những giọt máu hồng hè năm 2023 |
Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đỗ Thị Phước Thiện, làm sao để người hiến máu tình nguyện vẫn tích cực tham gia đều đặn việc làm ý nghĩa này và ngày càng có thêm nhiều gương mặt mới đến với mạng lưới hiến máu tình nguyện là nhiệm vụ mà các cấp hội luôn nỗ lực thực hiện.
Để kịp thời ghi nhận, động viên người hiến máu tình nguyện, ngoài thực hiện đúng, đủ chế độ dành cho người hiến máu tình nguyện theo quy định, Hội Chữ thập đỏ các cấp còn vận động thêm quà cho người hiến máu. Điều này được các cơ quan, cá nhân là mạnh thường quân chung tay đóng góp. Qua đó, người hiến máu được thêm trứng gà, gia vị, nước đóng chai. Nhiều gia đình, tổ chức còn cung cấp thêm phần ăn nhẹ dành cho người hiến máu tình nguyện.
Hoạt động biểu dương, khen thưởng người hiến máu tình nguyện được tổ chức trang trọng với sự tham dự của đông đảo người dân càng làm người hiến máu tình nguyện thêm vững tin vào việc làm ý nghĩa của mình.
Anh Phạm Quang Vinh (ngụ xã Lâm San, H.Cẩm Mỹ) đã có gần 20 lần hiến máu tình nguyện. Anh Vinh cho hay, anh đã nhiều lần nhận được giấy khen, quà dành cho người hiến máu tình nguyện. Đây là niềm vui, sự động viên trong quá trình làm việc tốt đối với anh.
Để phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng lan tỏa, có thêm nhiều tấm gương nổi bật, tiêu biểu, theo bà Đỗ Thị Phước Thiện, Hội Chữ thập đỏ các cấp sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào phong trào ý nghĩa này; đồng thời, dựa vào người đã tham gia hiến máu để đưa thông điệp ý nghĩa, nhân văn của hiến máu tình nguyện đến gần hơn với mọi người.
Từ năm 2004, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hiệp hội Truyền máu quốc tế và Hiệp hội Người hiến máu thế giới đã lấy ngày 14-6 là Ngày thế giới Tôn vinh người hiến máu tình nguyện nhằm kêu gọi các quốc gia, cộng đồng ghi nhận và tôn vinh hành động cao đẹp của những người hiến máu. |
Sông Thao