Tháng 5, mùa trái cây hè bắt đầu chín rộ tại nhiều nơi trong tỉnh, hấp dẫn đông đảo du khách đến tham quan, giải trí và check in.
Tháng 5, mùa trái cây hè bắt đầu chín rộ tại nhiều nơi trong tỉnh. Những vùng trồng cây ăn trái ở TP.Long Khánh và các huyện: Xuân Lộc, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu… đang hấp dẫn đông đảo du khách đến tham quan, giải trí và check in.
Nông dân Năm Yên (ngụ ấp 2, xã An Phước, H.Long Thành) hái dâu da bán cho du khách. Ảnh: Đ.PHÚ |
Theo các nhà vườn, du khách không chỉ đến thưởng thức vị thơm ngon đủ loại của cây trái mà còn thưởng ngoạn cảnh đẹp, tìm hiểu về con người, văn hóa của vùng đất Đồng Nai.
* Thưởng thức dâu da vùng đất Long Thành - Nhơn Trạch
Vùng đất Long Thành - Nhơn Trạch được ví như chảo lửa hào hùng trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của quân và dân 2 huyện: Long Thành - Nhơn Trạch. Trên địa bàn các xã: An Phước (H.Long Thành), Phú Hội, Long Tân (H.Nhơn Trạch), dù nhiều lần trải qua bom đạn trong lịch sử nhưng người dân nơi đây vẫn trồng và giữ vườn dâu cho ra trái thanh ngọt, trĩu quả đẹp mắt, hấp dẫn du khách gần xa.
Chủ tịch Hội Nông dân P.Xuân Lập (TP.Long Khánh) BÙI PHI LONG cho biết, địa phương có 1,6 ngàn ha cây ăn trái như: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bơ, mít… Cây trồng không chỉ giúp nhà vườn có thu nhập khá, đạt 350-400 triệu đồng/ha/năm mà còn tạo cơ hội tốt để P.Xuân Lập xây dựng, phát triển đô thị xanh. |
Hiện diện tích cây dâu da trên địa bàn 3 xã: An Phước, Phú Hội và Long Tân còn trên 60ha. Dâu da được trồng độc canh hoặc xen canh trong nhiều loại cây ăn trái khác như: chôm chôm, sầu riêng, mít tố nữ, măng cụt. Vào giữa tháng 5 hàng năm, trái dâu da bắt đầu chín rộ.
Nhà vườn Bảy Thu (có 5 sào dâu da ở xã An Phước) cho biết, dâu da được du nhập vào vùng đất An Phước và nhiều địa phương khác cách đây gần 100 năm. Hiện trong vườn của ông vẫn còn vài gốc dâu da trên 70 tuổi. Dâu da càng lâu năm trái càng to đều, ngon ngọt đậm đà hơn so với dâu da trồng mới từ 5-10 năm. Chính vì vậy, vườn dâu da nào càng “cao niên” thì càng hấp dẫn du khách tới thưởng ngoạn.
Cứ vào đầu tháng 5, các vườn dâu da trên địa bàn xã tấp nập người vào ra thưởng trái, ngắm vườn, chụp ảnh, check in.
“Trái dâu da ngoài ăn chín còn dùng để chế biến các món gỏi, nấu canh chua. Trước kia, các món này là món ăn truyền thống của người dân địa phương khi có đám tiệc, nay trở thành món ăn độc, lạ đối với du khách khi ghé vùng đất An Phước và các nơi trong huyện” - ông Bảy Thu cho hay.
Du khách tới tham quan và chụp ảnh tại vườn trái cây của nông dân ấp Phú Mỹ, P.Xuân Lập (TP.Long Khánh) |
Những cơn mưa đầu mùa càng làm cho vườn dâu da của nhà vườn xã Phú Hội thêm mọng ruột. Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội Nguyễn Huy Sang cho hay, để tăng giá trị kinh tế cho cây dâu da trong vườn, nhà vườn Phú Hội đã quảng bá vườn dâu trên các trang mạng cá nhân và tập thể nhằm thu hút bạn trẻ, du khách tới thăm, thưởng thức dâu da, cây ăn trái và các món ăn dân dã Phú Hội khi mùa dâu da chín.
“Tháng Chạp, tháng Giêng, dâu ra hoa đã đẹp. Đến tháng 3, tháng 4 âm lịch - tức tháng 5, tháng 6 dương lịch, dâu da chín rộ nhìn càng hấp dẫn. Tôi là dân địa phương còn thích, ngóng chờ mùa dâu da, chứ nói gì tới các bạn trẻ, người dân phương xa” - ông Sang bày tỏ.
* Trái cây hè mời gọi
TP.Long Khánh đang trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị xanh. Chính vì vậy, những vườn cây ăn trái của nhà vườn tại các phường, xã: Bình Lộc, Xuân Lập, Bảo Quang… càng tô thêm vẻ đẹp xanh tươi trù phú cho đô thị này.
Cuối tháng 5-2023, vườn cây ăn trái trên 2,5ha của ông Sáu Hùng (ấp Cây Da, xã Bình Lộc) trái đã ửng chín vàng, đỏ. Ông Hùng cho biết, từ đầu năm 2023 tới nay, vườn cây của ông đón hàng trăm lượt du khách tham quan, thưởng thức món ăn và cây trái. Còn các thành viên trong Tổ hợp tác Dịch vụ tham quan vườn Bình Lộc đón tiếp được khoảng 5 ngàn lượt khách, tiêu thụ được từ 20-23 tấn trái cây tại chỗ, doanh thu được khoảng 6 tỷ đồng.
Nông dân Lê Hải (ngụ ấp Cây Da, xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) hướng dẫn du khách (phải) tham quan và thưởng thức trái cây tại vườn |
Nhìn những cây chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, mít, nhãn… của các nhà vườn ở xã Bình Lộc đeo bảng có mã số lạ mắt, nhiều du khách tò mò, thích thú nhìn ngắm. Các nhà vườn giải thích, đó là mã lưu giữ lịch sử của cây như: giống, độ tuổi, chất lượng trái, năng suất… Khi ai đó đặt mua thì được nhà vườn lưu tên vào để có thể theo dõi sự phát triển của cây.
Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lộc Hoàng Đức Liêm cho biết, đó là kiểu làm du lịch độc, lạ, bán cây chứ không bán đất của nhà vườn địa phương. Khi du khách mua cây 1 năm thì được làm chủ cây này trong suốt thời gian mua. Giá cả được chủ vườn tính theo năng suất trái cây/năm và có trách nhiệm bảo quản, chăm sóc. Người mua chỉ việc theo dõi cái cây của mình trong vườn qua camera hoặc trực tiếp tới thăm ngắm, chụp ảnh, thu hoạch trái.
Nhờ sở hữu trên 1,6 ngàn ha diện tích cây ăn trái mùa hè: chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, bưởi, mít…, các nhà vườn ở P.Xuân Lập (TP.Long Khánh) cũng cạnh tranh với các xã, phường lân cận trong quá trình thu hút du khách khi trái cây vào mùa chín rộ. Nông dân Nguyễn Văn Năm (70 tuổi, ngụ tổ 6, ấp Phú Mỹ, P.Xuân Lập) bộc bạch, trái cây tới mùa bán cho thương lái tới thu mua theo đợt dù thu được số tiền lớn cũng không vui bằng việc vườn mình có du khách tới tham quan, mua trái cây đem về hoặc ăn tại chỗ.
“Tôi rất mừng khi các vườn trái cây của nông dân ở P.Xuân Lập nói riêng và TP.Long Khánh nói chung ngày càng được đông đảo người dân biết đến. Không phải vì chúng tôi bán được trái cây giá cao hơn so với bán cho thương lái mà là được khoe vườn, giới thiệu cho du khách về lịch sử vùng đất. Có như vậy, du khách mới thưởng thức được đầy đủ hương vị của cây trái và biết được sự nhọc nhằn của nhà nông trong quá trình bám đất, bám vườn” - ông Năm bày tỏ.
Mùa trái cây hè tại Đồng Nai đã đến, vẫy gọi du khách đến thăm ngắm, thưởng thức và đem trái cây đi xa để giới thiệu cho mọi người. Đó cũng là dịp để du khách xa gần tìm đến vùng đất Đồng Nai - Biên Hòa với 325 năm hình thành và phát triển cùng cây ngon, trái ngọt bốn mùa.
“Mỗi khi về Đồng Nai thăm lại quê hương sau mấy chục năm xa xứ, được ngắm nhìn vẻ đẹp của vườn cây ăn trái ở TP.Long Khánh, các huyện: Xuân Lộc, Long Thành, Nhơn Trạch… và thưởng thức món ăn quê hương được chế biến từ cây ngon trái ngọt thì tôi như được quay về tuổi thơ” - ông CAO VĂN LÂM (Việt kiều Mỹ, có người thân ở xã Bình Hòa, H.Vĩnh Cửu) bày tỏ. |
Đoàn Phú