Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 3: 'Vênh' chính sách quản lý và thực tế, tạo kẻ hỡ cho thẩm mỹ viện 'chui' hoạt động

07:05, 30/05/2023

Núp bóng spa, thẩm mỹ viện để hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí "thay tên đổi họ" cho cơ sở của mình sau khi bị phát hiện sai phạm. Nhiều cơ sở làm đẹp "dỏm" vẫn ngang nhiên hoạt động, trong khi việc phát hiện, xử phạt của lực lượng chức năng "chỉ như muối bỏ bể".

Núp bóng spa, thẩm mỹ viện để hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí “thay tên đổi họ” cho cơ sở của mình sau khi bị phát hiện sai phạm. Nhiều cơ sở làm đẹp “dỏm” vẫn ngang nhiên hoạt động, trong khi việc phát hiện, xử phạt của lực lượng chức năng “chỉ như muối bỏ bể”.

Đoàn kiểm tra kiểm tra đột xuất Thẩm mỹ viện C.R (P. Thống Nhất, TP. Biên Hòa)
Đoàn kiểm tra kiểm tra đột xuất Thẩm mỹ viện C.R (P. Thống Nhất, TP. Biên Hòa)

Tình trạng “loạn” dịch vụ làm đẹp đang gây mất an toàn cho người sử dụng dịch vụ, thậm chí đã có nhiều ca tử vong do chính sách về quản lý và thực tế đang có độ vênh lớn.

* Cuộc canh tranh không công bằng

Năm 2022, Bệnh viện Âu Cơ (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) được Bộ Y tế thẩm định và cấp phép chuyên khoa Thẩm mỹ để thực hiện các kỹ thuật phẫu thuật thẩm mỹ hạng 3 như: phẫu thuật tạo hình vùng mắt, mũi, cằm; hút mỡ ở các chi, căng da mặt, bụng một phần.

Còn các kỹ thuật cao hơn về tạo hình ngực và vùng bụng thuộc kỹ thuật khó nên đang chờ chuyển giao của bệnh viện tuyến trên. Bệnh viện có 3 bác sĩ cơ hữu và 4 bác sĩ hợp tác từ TP.HCM làm các dịch vụ thẩm mỹ này.

Ông Lý Vũ Quốc Bảo, Giám đốc điều hành, Bệnh viện Âu Cơ cho hay, các cơ sở chính thống, được cấp phép và có bác sĩ làm việc đang phải cạnh tranh không công bằng với spa, thẩm mỹ viện “chui”.

“Chúng tôi không thể tư vấn một cách khoa trương, thổi phồng quá mức với khách hàng về kỹ thuật làm đẹp đó vì muốn bảo vệ uy tín của mình và của ngành phẫu thuật thẩm mỹ. Nhưng đây lại chính là bất lợi của chúng tôi trong việc thu hút khách hàng so với các spa, thẩm mỹ viện hoạt động không phép như vậy” - ông Bảo bức xúc nói.

Thực tế, các cơ sở thẩm mỹ viện “danh chính ngôn thuận” đã phải xử lý hậu quả do các spa, thẩm mỹ viện “chui” gây ra.

Trong 1 năm đi vào hoạt động dịch vụ này, Bệnh viện Âu Cơ đã xử lý nhiều ca khách hàng bị biến chứng từ các cuộc phẫu thuật thẩm mỹ ở các spa, thẩm mỹ viện không phép, nhiều nhất là vùng mũi, mắt.

“Chúng tôi đã phải làm lại nhiều ca nhiễm trùng vùng mũi hoặc thanh sụn nhân tạo bị tụt hoặc đâm thủng da, đẩy ra ngoài ở phần đầu mũi. Khắc phục lỗi rất phức tạp, nếu bác sĩ không có tay nghề, bệnh viện không đảm bảo vô trùng tốt thì rất khó làm thành công các ca này.

“Làm lại” bao giờ cũng khó hơn làm mới và khó có thể đẹp như làm lần đầu do vùng thẩm mỹ đã bị tổn thương” - ông Bảo nhấn mạnh.

* Thẩm mỹ viện phải thông báo đăng ký hoạt động

BS Lê Quang Ánh, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế) cho hay, các thẩm mỹ viện, spa là cơ sở kinh doanh không điều kiện. Họ chỉ cần được cấp giấy kinh doanh của hộ gia đình hay công ty là được làm, không cần giấy phép hoạt động của Sở Y tế. Tuy nhiên, các spa này chỉ được làm những dịch vụ thông thường về chăm sóc da, xông hơi hương liệu, thảo dược tạo sảng khoái cơ thể.

Thuốc và nhiều loại vật dụng dùng trong phẫu thuật được phát hiện tại Thẩm mỹ viện K. (P. Quyết Thắng, TP. Biên Hòa)
Thuốc và nhiều loại vật dụng dùng trong phẫu thuật được phát hiện tại Thẩm mỹ viện K. (P. Quyết Thắng, TP. Biên Hòa)

Những cơ sở nào làm quá chức năng trên, sử dụng thuốc, hóa chất, thiết bị như: máy laser, máy đốt điện, tia vật lý, sóng… can thiệp làm thay đổi màu sắc của da, thay đổi hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể gồm: nhấn mí, bơm môi, tạo má lúm, tiêm chất làm đầy (filler), chỉnh sửa các bộ phận của cơ thể… đều trái với quy định.

Chỉ có các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, các bệnh viện có khoa thẩm mỹ mới được làm các kỹ thuật can thiệp. Những cơ sở này là cơ sở kinh doanh có điều kiện và phải được Sở Y tế thẩm định, cấp giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh trước khi bắt đầu hoạt động.

Khi thẩm định, căn cứ vào năng lực của người hành nghề, cơ sở vật chất và trang thiết bị của cơ sở, Sở Y tế sẽ ban hành danh mục kỹ thuật mà cơ sở được làm và không phải cơ sở thẩm mỹ nào cũng được làm những kỹ thuật giống nhau.

Theo quy định, các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ phải có ít nhất 1 bác sĩ chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật, đã được đào tạo về chuyên ngành thẩm mỹ, được cấp chứng chỉ hành nghề về chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, phẫu thuật tạo hình hoặc phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.

Đặc biệt, ngoài các tiêu chuẩn trên, bác sĩ này phải có thời gian làm việc đúng chuyên ngành thẩm mỹ ít nhất là 36 tháng sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề, đảm bảo đủ khả năng giải quyết các vấn đề về chuyên khoa thẩm mỹ. Còn những người khác tham gia làm việc tại các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa thẩm mỹ, nếu làm chuyên môn cũng phải là người đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.

“Tuy nhiên, có nhiều spa đã vượt quá phạm vi hành nghề theo quy định. Các cơ sở này không chỉ dừng lại ở lĩnh vực chăm sóc da mà còn thực hiện các phẫu thuật thẩm mỹ như: nâng mũi, cắt mắt, tiêm filler, sửa ngực, tân trang vùng kín…” - BS Ánh chia sẻ.

Năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2016/NĐ-CP về quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh đã bổ sung thêm loại hình cơ sở dịch vụ thẩm mỹ và sau đó được điều chỉnh, bổ sung bằng Nghị định 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Các nghị định này quy định rất rõ, những cơ sở này được hoạt động phun, xăm, thêu thẩm mỹ trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Tuy không cần phải có giấy phép hoạt động nhưng trước khi hoạt động 10 ngày, cơ sở phải có “Thông báo đăng ký hoạt động của cơ sở dịch vụ thẩm mỹ” gửi về Sở Y tế.

“Đến nay, chỉ có 49 cơ sở thực hiện thông báo và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế. Còn lại là các cơ sở hoạt động “chui” - BS Lê Quang Ánh, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế) nói.

Bích Nhàn

Bài cuối: Ai quản lý chất lượng các cơ sở làm đẹp?

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích