Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam diễn ra vào tháng 4 hàng năm trên địa bàn tỉnh với chuỗi các hoạt động ý nghĩa, thiết thực đã và đang tạo dấu ấn với người yêu sách, có sức lan tỏa trong cộng đồng, tôn vinh giá trị của sách trong cuộc sống.
Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam diễn ra vào tháng 4 hàng năm trên địa bàn tỉnh với chuỗi các hoạt động ý nghĩa, thiết thực đã và đang tạo dấu ấn với người yêu sách, có sức lan tỏa trong cộng đồng, tôn vinh giá trị của sách trong cuộc sống.
Học sinh Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (TP.Biên Hòa) đọc sách trong không gian của thư viện trường |
Nhiều mô hình hay, cách làm tốt đang được các trường học, cá nhân và đơn vị trên địa bàn tỉnh nhân rộng nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao dân trí, xây dựng quê hương, đất nước ngày một phát triển.
Khuyến khích học sinh đọc sách
Xây dựng thư viện xanh, tận dụng tối đa các không gian hành lang lớp học, chân cầu thang, sân trường… để tạo các tủ sách mở phục vụ học sinh là cách làm của nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, trong đó có Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (TP.Biên Hòa).
Cô Nguyễn Thị Sâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện thư viện của trường có hơn 1 ngàn đầu sách các loại, được bố trí thuận lợi, thường xuyên bổ sung thêm sách mới từ các nguồn phục vụ nhu cầu đọc cho học sinh.
Chào mừng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2-2023, NXB Đồng Nai đã phát hành bộ tranh truyện Thần thoại xứ Đồng Nai. Bộ sách gồm có 5 tập: Thuần phục cọp dữ cứu dân; Truyền thuyết thác Trị An; Sự tích núi Ông Trịnh và núi Thị Vải; Sự tích miễu Ông Chồn; Chàng Út nàng Sen. Đây là những câu chuyện huyền thoại hấp dẫn về đất và người xứ Đồng Nai, phục vụ lứa tuổi thanh thiếu nhi. |
“Hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam, hàng năm, nhà trường phát động phong trào đọc sách trong các tiết sinh hoạt lớp, giờ chào cờ, trưng bày sách, kể chuyện theo sách… Cùng với việc khuyến khích hoạt động đọc, nhà trường được các phụ huynh trao tặng các tủ sách thiếu nhi, bổ sung vào nguồn sách của thư viện trường, giúp học sinh tiếp cận sách dễ dàng hơn, không chỉ đọc trong giờ ra chơi mà còn đọc trong 15 phút đầu giờ và các tiết sinh hoạt” - cô Sâm chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Thụy, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Nguyễn Du (TP.Biên Hòa) cho hay, hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc năm 2023, nhà trường tổ chức hội thi kể chuyện theo sách, trưng bày sách tại các không gian sân trường, thư viện… với nhiều chủ đề, được học sinh hưởng ứng tích cực. Nhà trường duy trì các hoạt động đọc sách, viết cảm nhận và chia sẻ cuốn sách hay. Dịp hè năm nay, nhà trường lên kế hoạch tổ chức hội thi giọng đọc măng non, phát động học sinh tham gia cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Đồng Nai.
Cô - trò Trường mầm non Bửu Long (TP.Biên Hòa) tham quan Hội sách tại công viên Biên Hùng ngày 20-3-2023. Ảnh: VĨNH HUY |
Theo Sở GD-ĐT, hiện các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã xây dựng mô hình CLB bạn đọc, CLB yêu văn, yêu âm nhạc, cùng bạn đọc sách trực tuyến trên Zalo, Facebook nhằm trao đổi những quyển sách hay, có tính giáo dục cao. Nhiều trường học đã duy trì và nhân rộng chương trình mỗi ngày mỗi trang sách, tiết đọc sách trong tuần, chill with books… bước đầu tạo được phong trào đọc sách, người người đọc, nhà nhà đọc, lớp lớp đọc sách. Các em học sinh tỏ ra thích thú với hoạt động này, luôn nghĩ đến việc đọc được một số trang sách nhất định trong ngày và phấn đấu đọc để có cơ sở thống kê hàng tuần cùng các bạn.
Lan tỏa tri thức, nét đẹp văn hóa
Cùng với các mô hình ở trường học, một số hộ gia đình đã xây dựng tủ sách với ít tài liệu, sách phục vụ cho con cháu trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư địa phương. Bên cạnh đó, tủ sách của cựu chiến binh, phụ nữ, những người hưu trí tại cơ sở… mở cửa hàng ngày phục vụ người dân. Đặc biệt, một số tủ sách tư nhân trên địa bàn tỉnh thời gian qua được Thư viện Đồng Nai và thư viện cấp huyện tặng hỗ trợ sách (từ 50-100 bản sách/1 tủ sách tư nhân).
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Du (TP.Biên Hòa) đọc sách tại các không gian mở ở trường |
Để lan tỏa tri thức, thời gian qua, nhiều cá nhân, đơn vị trong và ngoài tỉnh đã trao tặng hàng chục tủ sách để thư viện lưu trữ, bảo quản phục vụ nghiên cứu, học tập của các đối tượng bạn đọc. Các sách được trao tặng phong phú, đa dạng, từ sách nghiên cứu đến sách văn hóa, lịch sử, văn học, sách thiếu nhi.
Đồng hành lan tỏa tri thức, nét đẹp văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh, NXB Đồng Nai thời gian qua đã trao tặng hàng trăm đầu sách cho hệ thống thư viện trường học, thư viện công cộng, thư viện các huyện, thành phố…
Phó giám đốc NXB Đồng Nai Trương Văn Tuấn chia sẻ: “Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam hàng năm là ngày hội lớn để NXB cùng các đơn vị, địa phương đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Hình ảnh bạn đọc đến tìm sách, mua sách, đọc sách… là động lực để NXB tiếp tục đồng hành, góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng”.
Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, để phát triển văn hóa đọc, lan tỏa tri thức, nét đẹp văn hóa, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp tham gia các hoạt động hỗ trợ cho thư viện và các hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; nghiên cứu nhân rộng các mô hình như các cà phê sách, các thư viện tư nhân. Ngoài ra, tăng cường ứng dụng công nghệ, giới thiệu sách trên các nền tảng xã hội giúp bạn đọc có thể dễ dàng tìm kiếm và đọc.
Ly Na