Báo Đồng Nai điện tử
En

Không thờ ơ với bạo lực học đường

07:04, 24/04/2023

Liên tiếp các vụ bạo lực học đường xảy ra gần đây đang gióng lên hồi chuông rất đáng báo động, đe dọa đến an toàn của cả thầy và trò trong môi trường giáo dục.

 

Liên tiếp các vụ bạo lực học đường xảy ra gần đây đang gióng lên hồi chuông rất đáng báo động, đe dọa đến an toàn của cả thầy và trò trong môi trường giáo dục.

Đáng chú ý, không chỉ có học trò với học trò “xử” nhau trong lớp, ngoài trường học mà ngay cả hiệu trưởng, hiệu phó cũng không giữ được bình tĩnh, đánh nhau giữa thanh thiên bạch nhật. Tất nhiên là vụ việc sau đó đã được giải quyết êm đẹp, hiệu trưởng, hiệu phó cũng đã nhận ra sai lầm của mình nhưng hậu quả mà hành động này để lại khá tai hại. Hình ảnh xấu xí này chắc chắn sẽ “khó phai” trong dư luận, đặc biệt là với những học sinh trong chính ngôi trường đó.

Vì sao bạo lực học đường lại gia tăng dù đã có những quy định và cảnh báo từ các cơ quan chức năng? Cụ thể, như tại Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17-7-2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường chỉ rõ những biện pháp hỗ trợ người học có nguy cơ bị bạo lực học đường. Hay Thông tư số 38/2019/TT-BLĐTBXH ngày 30-12-2019 của Bộ LĐ-TBXH hướng dẫn xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, quy định về xử lý khi xảy ra bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp...

Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch có liên quan nhằm giảm thiểu số vụ bạo lực học đường. Đặc biệt, mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021- 2030 cùng Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025.

Để thực hiện chương trình, đề án này, Bộ GD-ĐT đã xây dựng những giải pháp rất cụ thể, như xây dựng và triển khai bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục, bảo đảm các giá trị cốt lõi: nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực trong mối quan hệ của mỗi thành viên trong cơ sở giáo dục đối với người khác, đối với môi trường xung quanh và đối với chính mình. Phát triển các CLB phù hợp với năng khiếu, sở thích, điều kiện và lứa tuổi học sinh.Tăng cường các hoạt động trải nghiệm, hoạt động thể thao, hoạt động xã hội để hình thành và phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.

Một giải pháp đặc biệt quan trọng khác là tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý giáo dục học sinh; phát huy vai trò của gia đình trong quản lý giáo dục học sinh. Thường xuyên thông tin hai chiều giữa nhà trường và gia đình học sinh về hoạt động của nhà trường, tình hình học tập, rèn luyện, các dấu hiệu bất thường để phối hợp triển khai các biện pháp giáo dục học sinh. Nhà trường hỗ trợ, cung cấp cho cha mẹ học sinh kiến thức, kỹ năng trong việc đồng hành, giáo dục giúp con tiến bộ.

Giải pháp thì đã có, song làm thế nào để việc thực hiện hiệu quả, giảm số vụ, tính chất nghiêm trọng số vụ bạo lực học đường là cả một vấn đề cần sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt từ những ngành, đơn vị có
liên quan.              

Minh Ngọc

 

Tin xem nhiều