Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa nắng nóng

07:04, 03/04/2023

Thời tiết nắng nóng kéo dài không chỉ tác động đến đời sống sinh hoạt, công việc mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân. Không những vậy, đây cũng đang là thời điểm mà nhiều loại dịch bệnh có nguy cơ bùng phát.

Thời tiết nắng nóng kéo dài không chỉ tác động đến đời sống sinh hoạt, công việc mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân. Không những vậy, đây cũng đang là thời điểm mà nhiều loại dịch bệnh có nguy cơ bùng phát.

Người mắc các bệnh lý nền thường dễ bị sốc nhiệt trong mùa nắng nóng
Người mắc các bệnh lý nền thường dễ bị sốc nhiệt trong mùa nắng nóng. Ảnh minh họa: H.YẾN

Điều này đòi hỏi người dân cần chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Nguy cơ mắc bệnh do nắng nóng

Một tháng nay, các tỉnh khu vực phía Nam đón các đợt nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao, dao động từ 35-380C. Nắng nóng gay gắt, nền nhiệt cao gây ra nhiều tác động tiêu cực đến đời sống và cả sức khỏe của người dân, đặc biệt là những lao động phải thường xuyên làm việc ngoài trời.

Tăng cường hệ miễn dịch

Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, người dân nên uống nhiều nước, người lao động ngoài trời mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…); không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng; thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể; tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

BS Bùi Thị Thu Thảo, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Đồng Nai cho biết: “Khi tiếp xúc với nắng gây nên tình trạng đổ mồ hôi nhiều nên dễ bị nhiễm nấm. Đối với những người có cơ địa mề đay do vật lý, khi tiếp xúc với nắng cũng có thể bị. Đối với trẻ nhỏ thì khi thời tiết nắng nóng sẽ kích thích gây nên viêm da cơ địa hoặc chàm sữa…”.

Ngoài ra, nắng nóng cũng tác động xấu đến sức khỏe, làm tăng các bệnh lý hô hấp, xoang, bệnh lý mạch máu… Thời tiết nóng còn làm gia tăng nguy cơ sốc nhiệt, nhất là ở những đối tượng có bệnh lý nền.

Theo BS Tạ Đức Luân, Trưởng khoa Nội Tổng hợp 1, Bệnh viện Đồng Nai - 2, hiện tượng sốc nhiệt thường xảy ra ở những bệnh nhân có bệnh lý nền, đặc biệt là bệnh lý về tim mạch (ví dụ tăng huyết áp, bệnh mạch máu não…); những người đang sử dụng thuốc về nội khoa; những đối tượng nhạy cảm như trẻ em, phụ nữ có thai và người đang trong giai đoạn có suy giảm miễn dịch.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài trong những thời điểm nắng gắt. Bên cạnh đó, cần che chắn kỹ, sử dụng kem chống nắng và có khoảng thời gian nghỉ nếu phải làm việc trong thời tiết nắng nóng; cần bổ sung đủ chất, uống đủ nước… để đảm bảo sức khỏe.

Nguy cơ bùng phát nhiều loại dịch bệnh

Thời tiết nắng nóng kéo dài lại đang trong giai đoạn giao mùa càng khiến cho nhiều loại dịch bệnh có nguy cơ bùng phát. Trong đó, sốt xuất huyết (SXH) là dịch bệnh được cảnh báo bởi trong 3 tháng đầu năm nay, số ca mắc bệnh SXH đang cao hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), trong tuần 13 năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 62 ca vào viện do mắc SXH, tăng hơn 5% so với tuần trước và giảm 31,11% so với tuần cùng kỳ năm 2022 (90 ca), không có ca tử vong. Mặc dù vậy, số ca SXH cộng dồn từ đầu năm đến nay vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, Đồng Nai có hơn 1,1 ca SXH (trong đó có hơn 650 ca trẻ em, chiếm hơn 57%), tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2022 (1.037 ca).

CDC nhận định, diễn biến bệnh SXH đầu năm 2023 còn duy trì mức cao hơn so với năm 2022. CDC khuyến nghị, trong tuần 13, số ca mắc đã ghi nhận thấp hơn tuần cùng kỳ 2022, tuy nhiên các huyện cần theo dõi sát hàng tuần tình hình tại địa phương để có kế hoạch đáp ứng kịp thời, tăng cường truyền thông cho người dân nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời, hạn chế ca tử vong.

Đối với bệnh tay chân miệng, số ca bệnh tiếp tục theo xu hướng giảm từ cuối năm 2022. Trong 7 tuần đầu năm 2023, ghi nhận số ca mắc tay chân miệng ở mức thấp nhưng vẫn cao hơn năm 2022. Từ tuần thứ 9, ghi nhận số ca mắc thấp hơn tuần cùng kỳ 2022. CDC tỉnh đề nghị các địa phương cần chủ động giám sát, xử lý ổ dịch tay chân miệng và truyền thông các biện pháp phòng chống, nhằm hạn chế số mắc khi trẻ mẫu giáo, mầm non đi học trong thời tiết nắng nóng, thay đổi thất thường trong ngày, trẻ dễ bị bệnh, miễn dịch giảm.

Trước nguy cơ nhiều loại dịch bệnh bùng phát trong mùa nắng nóng, UBND tỉnh cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống dịch bệnh. Trong đó, UBND tỉnh lưu ý các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm lây sang người trên địa bàn tỉnh; tăng cường phòng, chống bệnh SXH.

Mới đây nhất, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường giám sát, phòng chống dịch bệnh Marburg. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Marburg gây ra. Ổ chứa tự nhiên là loại dơi ăn quả, bệnh có thể lây truyền từ động vật (dơi, động vật linh trưởng) sang người, bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể (nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, sữa mẹ, tinh dịch…) hoặc với môi trường/ vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người chết do virus Marburg.

Hiện nay, bệnh này vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Bộ Y tế nhận định đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao (khoảng từ 50% đến 88%). Bệnh này được phân loại thuộc nhóm A trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm ở nước ta.

Hải Yến

Tin xem nhiều