Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng khó chịu khiến cả người lớn và trẻ nhỏ mắc một số bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa… Nhiều trường hợp bệnh nặng đã phải nhập viện để điều trị.
Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng khó chịu khiến cả người lớn và trẻ nhỏ mắc một số bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa… Nhiều trường hợp bệnh nặng đã phải nhập viện để điều trị.
Một bệnh nhi bị bệnh đường hô hấp đang được điều trị tại Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai |
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần uống đủ 2 lít nước lọc mỗi ngày, chú ý các biện pháp phòng bệnh để hạn chế các hậu quả đáng tiếc.
Cẩn trọng với bệnh đường hô hấp
Đang chăm sóc con trai 10 tháng tuổi tại Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, anh Nguyễn Hữu Hồ (ngụ P.Xuân Trung, TP.Long Khánh) cho biết, con anh có tiền sử sinh non nên mỗi khi thời tiết thay đổi thường hay mắc các bệnh đường hô hấp. Những ngày qua, thời tiết nắng nóng gay gắt lại có lác đác vài cơn mưa khiến sức khỏe của cháu bị ảnh hưởng.
Thời tiết nắng nóng thường gây ra các bệnh như: bệnh đường hô hấp, bệnh về da, các bệnh truyền nhiễm (sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, sốt siêu vi), bệnh đường tiêu hóa, bệnh tim mạch, sốc nhiệt, cảm nắng… |
Sau 2 ngày con trai bị sốt, bỏ ăn, anh Hồ đưa con vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh để điều trị. Do bệnh diễn tiến nặng nên bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Bệnh nhi đang được cho thở oxy và theo dõi sát diễn biến của bệnh.
BS CKI Đặng Công Chánh, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, thời tiết đang nắng nóng bất ngờ có mưa, sau đó lại tiếp tục nắng nóng và ngược lại là điều kiện thuận lợi để bùng phát nhiều loại bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh đường hô hấp. Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận từ 10-20 bệnh nhân mới. Hiện tại, cả khoa đang điều trị cho khoảng 60 bệnh nhi mắc các bệnh: viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm tiểu phế quản. Ngoài ra, một số khoa khác như: khoa Tổng hợp, Tim mạch - thận niệu, Huyết học - thần kinh cũng tiếp nhận bệnh đường hô hấp.
Theo BS Chánh, các bệnh lý đường hô hấp nếu không được điều trị kịp thời rất dễ trở nặng. Như bệnh viêm phổi, nếu điều trị trễ, những vi trùng có độc lực cao sẽ gây biến chứng viêm phổi nặng khiến bệnh nhi phải thở oxy, điều trị kháng sinh mạnh hơn và thời gian điều trị kéo dài.
Ngoài vấn đề thời tiết, BS Chánh cho rằng môi trường học đường cũng khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp gia tăng. Nếu ở trong lớp học có một vài trẻ mắc bệnh rất dễ lây cho những trẻ khác do trẻ tiếp xúc với nhau, sử dụng chung đồ chơi. Độ tuổi thường bị các bệnh đường hô hấp nhất là từ 2-5 tuổi, trong đó trẻ dưới 2 tuổi chiếm đa số và thường bị bệnh nặng.
Ăn chín, uống chín để phòng bệnh đường tiêu hóa
BS CKII Dương Tấn Thọ, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, những ngày qua, thời tiết nắng nóng khiến số bệnh nhân mắc các bệnh về tiêu hóa như: xuất huyết tiêu hóa, tiêu chảy cấp, nhiễm trùng đường tiêu hóa nhập viện gia tăng. Toàn khoa hiện có 70 giường nội trú, ngày nào cũng đầy bệnh nhân, thậm chí có những thời điểm không đủ giường bệnh, khoa phải kê thêm giường để bệnh nhân nằm ngoài hành lang.
Theo BS Thọ, nhiệt độ cao làm cho thức ăn dễ bị ôi thiu nếu không được bảo quản đúng cách, vi khuẩn sinh sôi nảy nở và xâm nhập vào cơ thể khi đưa thức ăn vào miệng. Do vậy, người dân cần lưu ý khi sử dụng và bảo quản thức ăn, phải luôn ăn chín, uống chín.
Trong khi đó, tại Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, số bệnh nhi nhập viện do mắc các bệnh đường tiêu hóa cũng gia tăng, nhất là những trẻ dưới 2 tuổi.
Theo BS CKI Mạc Quốc Dũng, Phó trưởng khoa, phụ trách Khoa Tiêu hóa, nguyên nhân khiến trẻ dưới 2 tuổi bị các bệnh đường tiêu hóa là do khi chơi trẻ thường bỏ các vật dụng xung quanh, trong đó có cả thức ăn vào miệng. Những vật dụng này thường tiềm ẩn nguy cơ bị nhiễm khuẩn nếu không được vệ sinh sạch sẽ bằng xà phòng.
Chị Trần Thị Thanh Tuyền (ngụ P.An Hòa, TP.Biên Hòa) cho hay, cả 2 con của chị đều bị sốt cao 400C, biếng ăn, co giật, tiêu chảy, nôn ói liên tục. Tuy nhiên mãi 3 ngày sau khi các con bị các triệu chứng trên, chị Tuyền mới cho con nhập viện để điều trị. Đến nay, sau vài ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, các triệu chứng của 2 con chị Tuyền đã thuyên giảm.
BS CKI Mạc Quốc Dũng khuyến cáo, hiện đang là cao điểm của bệnh đường tiêu hóa. Mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 15-30 bệnh, tăng cao so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Các bệnh thường gặp nhất là viêm ruột, viêm dạ dày, xuất huyết tiêu hóa. Những triệu chứng thường gặp là sốt cao, ói liên tục, đi cầu lỏng nhiều lần trong ngày.
“Phụ huynh khi thấy trẻ có những biểu hiện trên cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám, điều trị sớm. Với những trường hợp bị tiêu chảy, nếu điều trị trễ sẽ khiến trẻ bị mất nước rất nguy hiểm. Ngoài ra, phụ huynh nên chế biến, bảo quản thức ăn cho trẻ cẩn thận, không để thức ăn bị ôi thiu, cho trẻ uống đủ nước. Khi cho trẻ ăn, chăm sóc trẻ và sau khi vệ sinh cho trẻ, người lớn phải rửa tay sạch sẽ” - BS Dũng khuyến cáo.
Hạnh Dung