Báo Đồng Nai điện tử
En

Cân nhắc nguyện vọng từ kết quả thi đánh giá năng lực

08:04, 20/04/2023

Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 đã được Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG TP.HCM) công bố kết quả vào đầu tháng 4 vừa qua. Nhiều thí sinh đạt điểm cao đã có thể cân nhắc nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học thành viên của đại học này và nhiều trường đại học khác trong cả nước.

Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 đã được Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG TP.HCM) công bố kết quả vào đầu tháng 4 vừa qua. Nhiều thí sinh đạt điểm cao đã có thể cân nhắc nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học thành viên của đại học này và nhiều trường đại học khác trong cả nước.

Thí sinh Đồng Nai tham gia kỳ thi đánh giá năng lực đợt I-2023 do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức tại Trường đại học Lạc Hồng tháng 3-2023. Ảnh: C.Nghĩa
Thí sinh Đồng Nai tham gia kỳ thi đánh giá năng lực đợt I-2023 do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức tại Trường đại học Lạc Hồng tháng 3-2023. Ảnh: C.Nghĩa

Tuy nhiên, với những thí sinh có điểm số thi đánh giá năng lực đợt 1 chưa được như mong muốn thì cần tiếp tục cân nhắc, đồng thời phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới để vừa lấy điểm xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học mà mình mong muốn.

* Làm gì khi biết điểm thi đánh giá năng lực?

Theo quy định của ĐHQG TP.HCM, sau khi công bố điểm thi đánh giá năng lực đợt 1, các thí sinh đăng ký nguyện vọng và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học bằng điểm thi này. Thí sinh cần lưu ý kỹ thời gian đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển từ ngày 5 đến 28-4 để không bở lỡ cơ hội vào đại học.

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo của ĐHQG TP.HCM cho biết, điểm trung bình của 88.052 bài thi của thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1-2023 là 639,2/1.200 điểm. So với kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022, điểm trung bình giảm 7 điểm. Toàn đợt thi, có 152 thí sinh đạt trên 1.000 điểm, trong đó thí sinh có điểm cao nhất là 1.091 điểm. Trong số gần 90 ngàn bài thi đánh giá năng lực, có 52 ngàn bài đạt từ 600 điểm trở lên (chiếm 65% tổng số bài thi).

Với phổ điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM đợt 1 có thể thấy, ngoài các trường thành viên của ĐHQG TP.HCM, các trường đại học khác muốn dùng kết quả thi đánh giá năng lực đợt 1 để xét tuyển cũng sẽ tương đối thuận lợi. Lý do được TS.Nguyễn Quốc Chính đưa ra là: “Phổ điểm thi đợt 1 có dạng phân bố chuẩn và trải rộng, thể hiện khả năng phân loại thí sinh cao nên thuận lợi cho công tác xét tuyển”.

* “Liệu cơm gắp mắm”

Thí sinh sẽ có 23 ngày để đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học thành viên ĐHQG TP.HCM và nhiều trường đại học khác từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, thí sinh cần cân nhắc nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến cơ hội trúng tuyển. Năm nay, các trường đại học thuộc ĐHQG TP.HCM dành 45% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi năng lực (tăng 5% so với năm trước) nhưng lại là năm có nhiều thí sinh đăng ký thi đánh giá năng lực nhất từ trước đến nay. Chính vì lý do này nên chắc chắn cuộc đua vào các trường đại học thành viên sẽ không hề dễ dàng và thí sinh phải “liệu cơm gắp mắm”.

Việc xét tuyển của một số trường đại học thành viên ĐHQG TP.HCM năm nay có một số điểm mới. Cụ thể là không công bố điểm sàn khi xét tuyển nên thí sinh càng phải thận trọng. Với những thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực đợt 1 không như mong muốn vẫn có thể hoàn thành mục tiêu vào đại học ở nhiều trường đại học khác, bao gồm cả trường công lập và tư thục có dùng chung kết quả thi đánh giá năng lực để xét tuyển.

Theo TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), năm nay trường dành 38-50% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực. Thí sinh có thể tham khảo điểm chuẩn đánh giá năng lực các ngành của trường năm 2022 là từ 610-900 điểm để xem xét đăng ký xét tuyển.

Theo đăng ký, có 91 cơ sở giáo dục gồm các trường đại học và cao đăng sẽ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM (cả đợt 1 và 2). Đến nay, nhiều trường đại học và cao đẳng công bố dùng chung kết quả thi đánh giá năng lực đã bắt đầu công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển với mức điểm trung bình từ 550-600 điểm.

ĐHQG gia TP.HCM sẽ tăng tỷ lệ xét tuyển bằng phương thức thi đánh giá năng lực lên 45% tổng chỉ tiêu, tức tăng 5% so với năm trước. Trong đó, một số trường xét với chỉ tiêu khá cao như: Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Trường đại học Khoa học tự nhiên, Trường đại học Kinh tế - luật. Đây là năm đầu tiên các trường thành viên của ĐHQG TP.HCM và ĐHQG Hà Nội dùng chung kết quả của nhau để xét tuyển.

TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng cho biết, điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM đánh giá khách quan chất lượng đầu vào, do đó từ nhiều năm nay trường đã dùng chung kết quả để xét tuyển. Thí sinh có thể tìm cơ hội trúng tuyển đại học sớm bằng điểm thi đánh giá năng lực vào Trường đại học Lạc Hồng ngay khi có giấy chứng nhận kết quả thi, hoặc trong thời gian sắp tới khi thí sinh có nhu cầu.

Tìm cơ hội từ đợt thi đánh giá năng lực lần thứ 2

Theo kế hoạch tuyển sinh của ĐHQG TP.HCM, kỳ thi đánh giá năng lực lần thứ 2 sẽ được tổ chức vào ngày 28-5, cổng đăng ký đã được mở từ ngày 5 đến 28-4. Đợt thi này sẽ tổ chức tại TP.HCM, Khánh Hòa, An Giang và Đà Nẵng (không có điểm thi tại Đồng Nai). Thí sinh đã thi đợt 1 vẫn có thể đăng ký thi đợt 2 và đa số các trường sẽ cho thí sinh sử dụng kết quả cao nhất từ 2 đợt thi để xét tuyển.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều