Nhiều năm qua, bà Lương Thị Lan Anh, người dân tộc Tày, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến cơ sở, vừa gắn bó với công tác thiện nguyện trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
Nhiều năm qua, bà Lương Thị Lan Anh, người dân tộc Tày, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến cơ sở, vừa gắn bó với công tác thiện nguyện trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
Bà Lương Thị Lan Anh, người dân tộc Tày, Trạm trưởng Trạm y tế xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ kiểm tra chiều cao, cân nặng cho trẻ. Ảnh: S.Thao |
Mới đây, bà Lan Anh đã được UBND tỉnh trao tặng bằng khen người dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Đồng Nai năm 2022.
* Nỗ lực hỗ trợ người bệnh
Hiện bà Lan Anh đang đảm nhận vai trò Trạm trưởng Trạm y tế xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ. Trước đó, bà là nhân viên rồi Phó trạm trưởng Trạm y tế xã. Người phụ nữ dân tộc thiểu số này cũng được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ Trạm y tế xã Sông Ray. Hiện 9/10 nhân viên của trạm là đảng viên. Bà Lan Anh luôn nhắc nhở mọi người thể hiện trách nhiệm trong công việc, hòa nhã khi tiếp dân, gương mẫu trong lối sống, sinh hoạt.
Xã Sông Ray có 10 ấp và tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số. Theo bà Lan Anh, thời gian trước đây, người dân chưa chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, còn chủ quan khi có các triệu chứng của bệnh. Song nhờ nỗ lực của tập thể trạm y tế, của từng y bác sĩ, nhân viên trạm qua các thời kỳ mà điều này dần thay đổi.
Bà LƯƠNG THỊ LAN ANH cho hay, bà luôn mong mỏi nỗ lực của bản thân có thể trợ giúp người dân tộc thiểu số chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn và sẽ có nhiều hoàn cảnh kém may mắn được nâng đỡ. |
Bà Lan Anh chia sẻ: “Đồng bào có tập tục là khi mắc bệnh sẽ mời thầy về cúng trước khi nghĩ đến chuyện đi bệnh viện. Có trường hợp diễn tiến bệnh khá nặng nhưng người nhà vẫn chưa đưa đi viện mà chờ cúng xong mới tính tiếp. Khi nắm được thông tin, tôi cùng anh em ở trạm tìm đến nhà để trò chuyện cùng gia đình, tư vấn cho thân nhân người bệnh nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được điều trị sớm nhất. May mắn vì là người trong đồng bào, lại có chuyên môn liên quan đến ngành y nên lời tôi nói được bà con nghe thuận tình, hợp lý nên họ thuận theo. Từ những trường hợp được khuyên nhủ, dần dần bà con thay đổi hẳn thói quen này”.
Một chuyển biến tích cực khác là tình trạng đẻ rơi, đẻ rớt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã không còn. Bà Lan Anh cho biết, trước đây có rất nhiều trường hợp vì nhiều lý do mà tự sinh con tại nhà. Có trường hợp còn đẻ rớt trong quá trình lao động. Nhưng nhiều năm qua, điều này hầu như đã không còn, phụ nữ từ khi mang thai đến khi sinh con đều có quá trình thăm khám và sinh nở tại cơ sở y tế.
Kết quả này có sự góp phần không nhỏ của bà Lan Anh trong việc lấy sự hiểu biết, thực tế của bản thân và chịu đến với đồng bào để khuyên nhủ từng gia đình thay đổi nhận thức về việc sinh nở. “Với cá nhân một người con trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, một người phụ nữ và cũng là một người làm ngành y ở cơ sở, tôi thấy rất mừng vì sức khỏe sinh sản đã được đồng bào chú trọng rất nhiều” - bà Lan Anh nói.
Tuy nhiên, theo bà Lan Anh để đề phòng trường hợp đẻ rớt ngoài ý muốn có thể xảy ra và không để người dân đơn độc tự xử lý trong tình huống này, bà cùng anh em trong trạm luôn sẵn sàng hỗ trợ khi có sự việc. Như vừa qua có một trường hợp bất ngờ trở dạ và sau đó may mắn sinh con thuận lợi tại nhà. Ngay khi nắm thông tin, nhân viên trạm được cử đến ngay để kịp thời thực hiện các bước chăm sóc y tế cần thiết.
* Quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn
Bên cạnh thực hiện tốt công tác tại trạm y tế, bà Lan Anh còn tích cực tham gia hoạt động vì cộng đồng. Với mong muốn giúp sức cho học sinh nghèo đến trường, người khó khăn có cuộc sống tốt hơn, nhiều năm qua, bà Lan Anh cùng 3 người bạn là giáo viên hợp thành nhóm Tình thương để trợ giúp người khó khăn ở một số xã của H.Cẩm Mỹ, H.Xuân Lộc.
Thông qua công việc chuyên môn, bà Lan Anh cùng những người bạn có điều kiện tiếp xúc với hầu hết bà con ở địa phương. Khi biết thông tin về trường hợp nào cần giúp đỡ là cả nhóm đến tìm hiểu thực tế, phân chia nhau hỗ trợ theo khả năng hoặc vận động người thân quen cùng giúp sức.
Để có thể chủ động nguồn kinh phí giúp người khó khăn, sau giờ làm việc ở cơ quan, các thành viên trong nhóm tìm những công việc làm thêm để trang trải cuộc sống vừa tiết kiệm một phần để giúp người. “Có thành viên trong nhóm còn là trụ cột không chỉ của riêng gia đình mình mà còn phải lo cho gia đình cha mẹ già song ai cũng cố gắng giúp đỡ những người còn khó khăn hơn mình rất nhiều. Ban đầu, nhiều người góp ý rằng gia đình của 4 thành viên trong nhóm không khá giả gì và ai cũng có những khó khăn khác nhau cần giải quyết nên cứ lo cho mình, đừng đi lo cho người ngoài. Nhưng trong khả năng của mình, cả nhóm vẫn muốn cùng giúp người kém may mắn” - bà Lan Anh nói về nỗ lực của cả nhóm.
Ngoài ra, tùy vào tình trạng của từng trường hợp mà thành viên trong nhóm phân chia nhau hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người bệnh hay kèm cặp, nhắc nhở học sinh học và làm bài tại nhà. Bà Nguyễn Thị Liên cho hay, trong quá trình cháu bà bị tại nạn gãy chân, bà Lan Anh cùng các thành viên trong nhóm đã tìm đến giúp kinh phí điều trị. Rồi cả nhóm thường xuyên đến nhà theo dõi sức khỏe, việc học cho cháu bà.
Không chỉ vậy, nhiều năm qua nhóm của bà Lan Anh còn vận động xây dựng khoảng 10 căn nhà cho gia đình những học sinh nghèo. Mỗi năm, nhóm còn mua và tặng 10 thẻ bảo hiểm y tế cho những hoàn cảnh khó khăn.
Sông Thao